SAO » Kết nối

Nghe mẹ Uyên Linh tố chuyện cô là… 'đầu gấu'

Thứ hai, 24/10/2011 16:39

Được mệnh danh là “Tiểu diva”, giới chuyên môn đánh giá cao về giọng hát và có hàng triệu fan hâm mộ, nhưng ít ai biết rằng quán quân Idol Uyên Linh từng bị mẹ chê là hát như bò rống, còn bạn bè thì ví cô như “bà chằn lửa”.

Ngày bé lành như cục đất Trò chuyện về cô con gái lớn, bà Nguyễn Thị Phương (giáo viên dạy văn Trường THPT Thủ Đức - TP. HCM), mẹ của Uyên Linh tự hào chia sẻ: “Trộm vía, từ thuở lọt lòng đến bây giờ con bé như được bà mụ nâng đỡ nên dễ nuôi lắm”. Theo như lời mọi người trong gia đình, ngày nhỏ Linh rất ngoan và lành như cục đất vậy. Ba mẹ đặt đâu thì nằm đấy, chẳng mấy khi quấy khóc hay đòi bế. Đến bữa ăn, mẹ chỉ việc cho Linh nằm ngửa giữa nhà, rồi bón đến khi nào cô nàng phun phì phì vào mặt mẹ, không chịu nuốt thì có nghĩa là đã no rồi. Ba, bốn tuổi, Linh đã biết tự tắm rửa, mặc quần áo, nhất quyết không chịu để mẹ giúp một tay. Khi vào lớp một là Linh đã rất ra dáng một cô con gái đảm đang, biết quét nhà, quét sân và tự giặt quần áo. Thấy bố mẹ bận rộn, Linh còn tiện tay giặt luôn giúp bố mẹ. Nhưng tất nhiên, sau đó, mẹ Linh đều phải giặt lại

Uyên Linh

Trong việc học hành, Linh cũng rất tự giác. Dù mẹ là giáo viên nhưng Linh cũng chẳng bao giờ cần kèm cặp nhiều. Cô bé bộc lộ năng khiếu văn di truyền của mẹ từ nhỏ. Khi học lớp lá, được mẹ cho ra Bắc thăm quê ngoại, Linh đã rất chăm chú quan sát cảnh vật suốt chặng đường đi. Từ con trâu cày ruộng đến cảnh những bác nông dân cấy trên cánh đồng mênh mông, bát ngát. Cô bé khắc ghi từng hình ảnh lạ lẫm ấy vào trong tâm trí để rồi sau đó tái hiện lại chúng bằng những lời văn rất ngộ nghĩnh, sinh động. Bài văn đầu đời đó của Linh đã được cô cho điểm 10. Lên cấp 3, mẹ tư vấn cho Linh thi vào Trường THPT Thủ Đức để vừa được gần nhà, lại có mẹ dạy ở đấy thì sẽ thuận lợi hơn. Nhưng Linh nhất quyết thi vào Trường chuyên Lê Hồng Phong, cách nhà mười mấy cây số để có cơ hội “đấu chọi” với những học sinh ưu tú của khắp miền Nam đổ về. Kể cả khi chọn trường đại học, Linh cũng muốn được bay nhảy thật xa. Chính vì tự lập từ nhỏ nên cô bé không hề sợ việc phải sống xa nhà hàng nghìn kilômét, không một người thân, bạn bè. Chia sẻ về tài năng ca hát của Linh, bà Phương kể: “Hồi đầu tôi cũng không để ý đến chuyện hát hò của Linh mà chú ý đến năng khiếu vẽ của con bé nhiều hơn vì Linh bộc lộ năng khiếu vẽ từ cấp một. Tôi ấn tượng nhất là bức tranh Linh vẽ cô giáo chủ nhiệm mặc áo dài, đi guốc, ngồi vắt chéo chân rất đẹp. Đến nỗi thầy giáo dạy vẽ còn gọi điện về khuyên gia đình nên đầu tư cho con bé theo ngành hội họa. Còn về ca hát, tôi cũng thấy Linh hay thích mở nhạc thật to rồi hát theo. Nhưng vì gia đình sống trong khu tập thể, tôi sợ phiền hàng xóm nên đều quát con bé: “Con hát gì mà cứ gào lên như bò rống vậy, điếc tai hàng xóm”. Thế nên con bé chẳng mấy khi dám hát trước mặt tôi. Nó đều vào bếp đóng kín cửa lại và gào thét trong đó” (cười). “Đại gia” nhất đám bạn Từ bé Linh đã rất thích tham gia các cuộc thi chỉ vì đam mê các giải thưởng. Lên lớp 5, không hiểu Linh học đánh cờ vua ở đâu mà đòi mẹ cho tham gia cuộc thi cờ nhanh do quận tổ chức. Cô bé đã giành huy chương và được thưởng một trăm nghìn. Linh đã xin mẹ được giữ số tiền này để… làm vốn. Từ đó, Linh liên tục “làm giàu” bằng cách tham gia các cuộc thi đánh cờ. Mỗi lần thắng chỉ được vài chục đến một trăm, nhưng như thế cũng đủ để Linh trở thành “đại gia” so với bạn bè đồng trang lứa. Linh cũng có đầu óc kinh doanh từ rất sớm. Lên cấp hai với số vốn nho nhỏ trong tay, Linh bắt đầu đi buôn hoa. Vào những dịp lễ tết, đặc biệt là 8/3, 20/11, Linh thường dậy sớm lên Chợ Lớn lấy hoa về bó để mang lên trường bán. Lần nào hoa của Linh cũng được thầy cô, bạn bè mua ủng hộ rất nhiều. Rồi Linh rủ một nhóm bạn cùng dịch truyện ma tiếng Anh sang tiếng Việt, đóng thành sách để bán. Một trăm cuốn, mỗi cuốn ba nghìn đồng. Cuối cùng, số lãi mà cả nhóm thu được là 150 nghìn. Linh lấy số tiền đó cùng các bạn chén một bữa chè no nê. Tuy nhiên, vụ buôn bán “phi pháp” đã đến tai thầy giáo, “đầu sỏ” Linh bị thầy triệu tập lên chất vấn vì tội phát hành sách truyện linh tinh trong trường. Thế nhưng, tra khảo thế nào cô học trò cứng đầu cũng không chịu khai ra đồng bọn, nhất mực nhận hết tội về mình. Chính vì luôn có ham muốn làm giàu như vậy, nên khi mẹ và cô giáo bảo thi vào Trường Sư phạm, Linh kiên quyết không chịu, chỉ vì “giáo viên cực mà nghèo lắm”. Ngày ra Hà Nội thi đại học, Linh được mẹ cho đi máy bay để giữ sức, còn mẹ Linh thì đi tàu cho tiết kiệm. Sau khi thi xong, cả hai mẹ con lại đi tàu về nhà. Thấy đi tàu mệt mỏi mà mất thời gian, Linh đã tuyên bố với mẹ rằng: “Nhất định từ giờ con sẽ chỉ đi máy bay, không đi tàu thêm một lần nào nữa”. Để “chơi sang” như vậy, Linh đã tự kiếm tiền bằng chính công sức của mình. Ngoài việc dạy thêm tiếng Anh, Linh tiếp tục kiếm tiền qua các cuộc thi, nhưng không phải là cờ vua mà là thi hát. Trong một lần thi hát tiếng Anh, Linh đã giành giải đặc biệt được một chiếc xe trị giá 32 triệu. Năm đó, Linh đã sắm tết tưng bừng cho cả nhà và còn mua tặng mẹ hẳn một chiếc điện thoại xịn. Mẹ hỏi tiền ở đâu ra thì Linh kể về giải thưởng, nhưng không dám nói là mình đi thi hát mà nói dối rằng đi hội chợ với bạn, quay số trúng thưởng được con xe, số tiền nhận được phải chia cho cả người bạn đi cùng. Sự thật là hơn nửa số tiền đó Linh đã hùn vốn cùng một chị bạn, mở một cửa hàng thời trang gần trường. Đến khi cửa hàng làm ăn khấm khá, Linh mới dám tiết lộ với mẹ. Đáo để, lanh lẹ là thế, nhưng Linh vẫn luôn bị mẹ chê rằng: “Ngày bé thì rõ chăm chỉ, đảm đang, thế mà càng lớn thì lại càng lười mấy việc nữ công gia chánh. Không chịu học nấu ăn thì sau này lấy chồng phải làm sao?”. “Ấy vậy mà nó tuyên bố chắc nịnh với tôi là mẹ yên tâm, con sẽ kiếm thật nhiều tiền để có thể thuê người làm hết, không cực khổ vất vả như mẹ đâu. Nhưng nó nói thế thì biết thế chứ có lẽ tôi vẫn phải dạy con gái mình vài món tủ cho chắc ăn”, bà Phương đùa. Càng lớn càng… “đầu gấu” Mẹ Linh nhận xét: ngay từ ngày mới đẻ ra tôi đã thấy con bé lì lợm khác người. Nhà ở khu tập thể, sát vách nhau, mà nếu không phơi tã lót chắc mọi người cũng chẳng biết có trẻ con trong nhà. Vì con bé chẳng mấy khi cất tiếng khóc.

Bố mẹ Uyên Linh

Càng lớn Linh lại càng giống… một thằng con trai. Cô bé rất thích học võ, đòi mẹ cho học lên đai đen nhưng bà không đồng ý, chỉ vì “tính nó nóng như lửa, sợ ra đường đánh con người ta thì chết”. Cũng vì cá tính mạnh mẽ của con mà bà Phương bị một phen mất ăn mất ngủ. Chẳng là khi đó, khi được biết Linh đang kết thân với một một nhóm “đầu gấu” ở trường, bà đã tra hỏi và ngăn cấm con quyết liệt. Nhưng Linh vẫn cứng đầu không chịu, cãi lý rằng: “Con thấy mẹ từng giảng bài là không phải ai gần mực cũng đen vì như bông sen gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Với lại, còn vế thứ hai: gần đèn thì rạng mà. Con chơi với các bạn một thời gian mà không giúp được các bạn ngoan hơn, học chăm hơn thì con sẽ tự động thôi”. Nghe Linh nói vậy, bà cũng thấy phục những lý lẽ con đưa ra, đồng ý với mục đích tốt đẹp của Linh. Nhưng cũng chính vì những tính cách đó mà Linh được bạn bè yêu quý. Bà Phương cầm quyển lưu bút của con khoe những dòng nhận xét trìu mến của bạn bè dành cho Linh. Nào là “nhìn bên ngoài thì xù cánh nhưng cũng rất tình cảm”, “học giỏi hát hay nhưng hơi nóng tính”, thậm chí có cậu bạn còn nhận xét “lúc đầu nghĩ Linh giống “bà chằn lửa” nhưng sau đó phát hiện ra cũng tình cảm ghê”. Còn riêng thầy giáo của Linh thì phán cho một câu “xanh rờn”: “Văn thì mượt mà nhưng người sao… cứng quá!” Những nhận xét trên cũng giống với những suy nghĩ của mẹ Linh về cô con gái. Bởi dù biết Linh rất ngang bướng, chẳng bao giờ chịu thổ lộ tình cảm rằng con yêu bố mẹ, nhưng bà biết Linh sống nội tâm lắm. Tất cả những tình cảm ấy, Linh đều thể hiện qua ngòi bút, khi thì là bài văn rất xúc động viết về mẹ, lúc là trang nhật ký vu vơ và đặc biệt là những lá thư bí mật. Bà Phương kể: “Mới đây thôi, tôi dọn dẹp sách vở của con bé thì thấy rơi ra một lá thư Linh viết từ năm học lớp 11. Đó là một bức thư dài bộc lộ tâm tư, suy nghĩ của Linh với bố mẹ, trong đó có đoạn: “Con biết con sai nhiều, nhưng với tính cách ngang bướng, lì lợm của con thì con chưa thể xin lỗi bố mẹ ngay được. Con sẽ thể hiện sự hối lỗi của mình bằng hành động. Khi nào mẹ tìm thấy lá thư này thì con tin lúc đó mẹ sẽ tự hào về con”. Không biết đó là sự trùng hợp ngẫu nhiên hay là khi ấy Linh đã lên kế hoạch để làm một cái gì đó hoành tráng như thi Vietnam Idol, để bố mẹ thật tự hào về cô. Nhưng rõ ràng là với những thành quả đạt được thì Linh chứng tỏ mình đã thực hiện được lời hứa năm nào với bố mẹ. Bà Phương còn bật mí thêm rằng đến bây giờ Linh vẫn chưa biết mẹ mình đã tìm thấy lá thư khi xưa. Nhưng hơn ai hết, bà tin điều đó giống như một lời tiên tri, một định mệnh cho sự thành công của Uyên Linh ngày hôm nay.

Phunutoday