Trường hợp sau bài phỏng vấn của người mẫu Ngọc Trinh xảy ra giữa tháng 5 cho thấy, vẫn còn rất nhiều tranh cãi xung quanh vấn đề định hướng và lối sống, nhận được sự quan tâm không nhỏ của xã hội nói chung cũng như giới trẻ nói riêng. Mỗi một hiện tượng như vậy, đều cần được lý giải và làm sáng tỏ với kỳ vọng đạt được sự đồng thuận nhất định trong xã hội.
Lợi thế cá nhân và sự quan tâm của số đông công chúng
Sau bài phỏng vấn gây tranh cãi, các bài viết về Ngọc Trinh luôn nằm trong số những bài viết được đọc nhiều nhất, cũng như được phản hồi, chia sẻ nhiều nhất trên nhiều tờ báo, trang mạng. Điều đó phản ánh thực tế mối quan tâm của một cộng đồng không nhỏ với trường hợp của cô người mẫu; đặc biệt là khi cô gái đang sở hữu các lợi thế về ngoại hình và khả năng tài chính cao hơn mặt bằng chung. Các phản hồi không nhất quán cũng cho thấy, việc lựa chọn một lối sống, một lối tư duy đang trở nên khó khăn và phức tạp như thế nào trong điều kiện hiện đại.
Các phản hồi chia làm 3 nhóm lớn: một phần phản đối với lời lẽ cay nghiệt, một phần đồng thuận theo xu hướng chấp nhận và coi đó là một lối sống hiện đại và riêng tư, phần khác cho rằng “người phụ nữ nên thế”, dựa theo nghĩa gốc của 2 từ thường xuyên được nhắc đến: là ngoan và đẹp.
Phản đối Ngọc Trinh, đám đông “ném đá” và miệt thị?
Với người mẫu Ngọc Trinh hay bất cứ ai khác, lựa chọn cách sống như thế nào cho bản thân mình là một lựa chọn hết sức cá nhân. Chỉ khi sự lựa chọn này vi phạm các điều kiện về mặt pháp luật thì mới bị xử lý theo luật định. Những hệ lụy của một lối sống riêng tư – nếu có ảnh hưởng về chất lượng cuộc sống hay chất lượng con người – thì trước hết là tới chủ thể hành động, sau đó là những cá nhân có quan hệ gần gũi nhất.
Việc một đám đông không ưa thích phản ứng với một con người bằng những điều miệt thị không phải là cách hình thành nên một cộng đồng văn minh/ hoặc nhân văn. Theo các quan niệm tích cực, mọi sự đóng góp ý kiến cần phải dựa trên sự tiến bộ – là sự đi lên chứ không phải dìm sâu xuống. Hành vi có thể không được ủng hộ, thậm chí cần phải phản đối, nhưng việc phản đối như thế nào lại là một chuyện hoàn toàn khác. Và sự phỉ báng hay nhục mạ một con người luôn là một điều kinh khủng. Như Jesse Jackson đã nói: “Đừng nhìn xuống một người khi bạn không thể kéo họ lên”. (Never look down on anyone unless you’re helping them up).
Chấp nhận và cổ vũ cho lối sống?
Tuy nhiên, khi đã bàn đến một lối sống như Ngọc Trinh từng nói – thì sự đồng thuận hay cổ vũ của số người không nhỏ cũng lại là điều cần phải được phân tích lại rõ ràng. Bóc tách các lớp vỏ vật chất, cô người mẫu ấy chỉ là một cô gái 20 tuổi, vừa bước vào tuổi trưởng thành. Cô ấy còn rất nhiều thời gian để sống và trải nghiệm. Việc cô gái mới 20 tuổi đã dừng lại với suy nghĩ rằng “bởi vì mình không giỏi”, và được số đông công chúng chấp nhận và cổ xúy, lý luận rằng bởi vì cô ấy đẹp và ngoan, và là phụ nữ…- là một suy nghĩ thiếu tích cực, thiếu sức sống và thiếu động lực – không chỉ là của cô gái, mà còn là của tất cả những người còn lại. Khi một nhóm người không nhỏ ưa thích, chấp nhận và đồng thuận với tâm lý ỷ lại, có nghĩa là sẽ có một nhóm người ít nhất bằng như thế, phải đưa vai gánh thêm phần trách nhiệm xã hội mà những người kia bỏ lại. Người ta sẽ không cổ vũ cho một cô gái trẻ xinh đẹp thật thà nghĩ rằng mình nên sống dựa vào người khác. Người ta không cổ vũ cho một cô gái trẻ, biết rằng mình xinh đẹp, để rồi thiếu động lực để vươn lên dù có đủ điều kiện để vươn lên. Người ta sẽ không cổ vũ cho cô ấy để cô ấy nghĩ mình không giỏi và để cho mình không giỏi – có tới hơn 8 loại tài năng để con người lựa chọn mình thuộc nhóm nào. Người ta sẽ không cổ vũ để một cô gái sinh ra từ nghèo khó tiêu xài hàng trăm nghìn đô la hàng hiệu trong khi vùng đất cô ấy lớn lên chưa thể phồn vinh, vẫn còn có gia đình cả 4 mẹ con phải chết vì ăn bánh ngô mốc. Lựa chọn tiến bộ hay dễ dàng? Sự đồng thuận với tâm lý thiếu nỗ lực và ỷ lại; cũng như việc không thể lý giải dẫn đến chấp nhận một lối sống thiếu tích cực và đầy thỏa mãn …. sẽ sản sinh ra một nhóm không nhỏ thế hệ trẻ thần tượng lối sống ấy; đặc biệt lứa tuổi thiếu niên vốn nhạy cảm, “bắt sóng nhanh” với vẻ bề ngoài và mang những đặc điểm tâm lý phụ thuộc. Bởi vậy, cá nhân mỗi con người nói riêng hay cộng đồng nói chung đều cần được biết điều này: rằng sự lựa chọn cách sống dễ dàng cho hiện tại sẽ phải trả giá bằng sự tụt hậu trong tương lai. Tất cả mọi sự lựa chọn dễ dàng đều tiềm ẩn trong đó những nguy cơ của sai lầm, tha hóa và tụt hậu… Đóng góp của mỗi con người đều quan trọng với xã hội. Mỗi cá thể đều quan trọng trong một tổng thể. Một người tích cực thì cộng đồng sẽ có thêm 1 điểm (+) tích cực. Một người tiêu cực thì cộng đồng có thêm 1 điểm (-), và một người không làm gì cả thì cộng đồng có 1 điểm 0 cho hiện tại, đồng nghĩa với 1 điểm (-) cho tương lai.
Có người đã ví cuộc đời như con thuyền ngược nước, nếu không tiến lên, ắt sẽ lùi. Và có lẽ cần phải nhắc lại, rằng một cậu bé Việt Nam ở tuổi 12 đã từng viết một bài thơ: “Cái dễ dễ hơn cái khó Cái dở dễ hơn cái hay Cái dốt dễ hơn cái giỏi Cái xấu dễ hơn cái tốt Cái ác dễ hơn cái hiền Cái xấu dễ hơn cái đẹp. … Những thứ nghiêng về phía tốt, hiền, giỏi… Luôn khó hơn mọi thứ khác…”