SAO » Kết nối

Nhật Thu: 'Không có bố, tôi đã thành giặc cái'

Thứ sáu, 28/10/2011 14:40

'Hồi nhỏ tôi sống với bà ngoại, được bà cưng chiều nên tôi hư lắm. Khi về sống cùng bố mẹ, tôi không có được những nề nếp sơ đẳng của một đứa trẻ ngoan. Tôi hay nói leo, hay cãi, thích được các bạn gọi là chị Thu, thích kiểu 'chị Hai kìa', ghê gớm lắm'

- Chị bắt đầu vào showbiz từ khi nào? Ba tuổi tôi đã lên sàn nhảy, lắc lắc đến cảm giác gần như xương rời ra vì lắc mạnh quá. Tôi thấy nhiều người để ý thì thích lắm, xoạc chân nhảy trên sàn, mọi người càng vỗ tay mình càng thích. Gia đình tôi kinh doanh phòng trà Long Viên (Hàng Bún - Hà Nội), thời đó các band hát ở đó rất nhiều như Quả Dưa Hấu... Tôi thích hát, nên mỗi lần được lên phòng trà chơi, các cô dì, chú bác lại cho lên hát. Khi ấy tôi mới 6 tuổi, chữ không biết nhưng thuộc lòng Lang thang, Kiếp phong ba... toàn bài người lớn. Mỗi lần lên hát, khách hàng boa nhiều lắm, nhiều hơn cả ca sĩ. Lên cấp 2, tôi trốn nhà đi học hát, học vì thích nhưng chẳng dám biểu diễn. Bố hay đánh, đành hoài khiến tôi nghĩ chắc mình làm hỏng việc, làm sai, không ra gì. Tôi đâm ra tự ti đến mức đứng trên sân khấu giơ tay lên cũng cảm thấy xấu hổ, thấy người tê đi vì ngại. Hồi nhỏ tôi sống với bà ngoại, được bà cưng chiều nên tôi hư lắm. Vì vậy, khi về sống cùng bố mẹ tôi không có được những nề nếp sơ đẳng của một đứa trẻ ngoan. Bố tôi đánh cho ra trò, khiến tôi bị trầm cảm suốt mấy năm.

- Chắc bố chị dạy con theo kiểu "thương cho roi cho vọt". Chị hư đến mức nào mà bố đánh dữ vậy? Thật ra bố thương nhưng bố phải nghiêm như vậy. Thời gian đấy, tôi đi về chưa kịp chào cũng bị đòn rồi, hay ngồi vào bàn ăn mà không chào, không mời mọi người cũng bị bố đánh. Bố đuổi thẳng lên gác cho đến khi mọi người ăn xong thì cho xuống ăn cơm thừa. Hồi nhỏ, nhiều lúc tôi nghĩ vì sao bố đánh ác thế. Cứ bực lên là đánh vào mặt, vào đầu. Roi thì dùng roi mây, đánh chõe roi ra mới thôi. Nhưng giờ ngồi nghĩ lại, bố mà không đánh, chắc tôi thành giặc cái rồi. Tôi không thể trở thành người phụ nữ biết chăm sóc gia đình, giỏi nội trợ, biết đi chào về hỏi được. - Tính cách chị hồi đó khó bảo đến cỡ nào? Hồi đó không ai quý tôi được. Tôi rất hay nói leo, hay cãi, thích được các bạn gọi là chị Thu, thích kiểu "chị Hai kìa", ghê gớm lắm. Cô giáo cho làm lớp trưởng, lấy thước kẻ đánh vào đầu các bạn suốt, rồi bị đình chỉ học tập. Khi ấy, trẻ con hư có đặc điểm gì thì tôi có đặc điểm ấy. Thế nhưng vẫn có bạn trai thích tôi đấy nhé. Hồi học cấp 2, bố biết tôi có bạn trai thích nên nhốt tôi ở trong nhà suốt ba tháng hè không cho bước ra khỏi cổng sắt. Tôi chẳng dám trốn, trốn ra ngoài là biết chắc ăn đòn roi nhừ người. (Cười) - Chị bị ăn đòn nhiều thế mà mẹ chị không căn ngăn bố sao? Bố tôi đã đánh thì không ai có thể ngăn cản được. Sau mỗi lần bố đánh, mẹ lại bôi thuốc lên, mẹ khóc. Mẹ dỗ dành tôi, trẻ con mà, chỉ cần dỗ dành chút là hết ngay. Hồi đấy, ngày nào tôi cũng bị đánh, cảm giác mình làm gì cũng mắc lỗi, cũng sai lầm. Có những buổi sáng đến lớp học, tôi chỉ gục mặt lên bàn khóc. Các bạn cùng lớp hỏi vì sao, tôi chỉ biết nói là bố đánh. Bây giờ nghĩ lại thấy buồn cười.

- Còn bà ngoại của chị thì sao, có xót cháu cưng của bà không? Tôi chưa bao giờ bị đòn roi từ bà ngoại. Lúc ở với bà, bà rất bênh, nếu bố mẹ có đánh tôi là bà mắng: "Tao đẻ chúng mày ra có bao giờ đánh chúng mày không mà chúng mày lại đánh con như thế". Khi chuyển về ở cùng với bố mẹ rồi, bố có đánh bà cũng không biết để chạy lên bênh được. Sau đó, tôi có kể cho bà nghe thì bà cũng chỉ gọi điện mắng vốn được thôi. - Khi còn nhỏ bị đánh, nhiều đứa trẻ thường nghĩ mình là con nuôi nên không được bố mẹ thương. Chị thì sao? Ồ không. Hồi đó tôi là đứa trẻ trái tính, trái nết, ngổ ngáo. Còn hai đứa em tôi ngoan lắm, chưa bao giờ chúng bị mắng một câu. Tôi phải cảm ơn những trận đòn của bố, nhờ thế đi đến đâu người ta cũng không coi thường tôi được. Tôi đến nhà của bất kỳ người bạn nào đều được quý mến, vì tôi không phải là đứa vô lễ hay thất học. Nếu trước đây bố dạy tôi theo kiểu dễ dàng, chắc tôi không được như bây giờ, có lẽ tôi còn hoang dại lắm. - Đến bây giờ chị có sợ đòn roi không? Tôi sợ lắm chứ (im lặng). Nhưng đòn của bố đau đến đâu tôi cũng không chết được. Còn nếu bị đòn người, đòn đời là tôi gục ngã rồi. - Chị từng bị đòn đời, đòn người chưa? Rồi chứ. 16 tuổi, tôi tham gia Sao Mai - Điểm hẹn 2006, cả nhà không ủng hộ nhưng tôi vẫn đi thi. Khi ấy tôi không nghĩ nhiều, chỉ nghĩ mình thích âm nhạc thì mình học, mình đi thi thôi. Tôi trượt vì dám chọn ca khúc Mơ về nơi xa lắm (nhạc sĩ Phú Quang) để hát. Tôi làm sao có được cái run rẩy của người từng trải sau lần đi xa trở về. Trượt thì không buồn, nhưng tủi thân vì đi thi không có bố mẹ và người thân bên cạnh, chỉ có mỗi cậu em trai đi cùng. Nó thì xách guốc, hai chị em bước lủi thủi với nhau. - Chị tự ý đi thi rồi bị trượt, bố chị có đánh đòn hay dạy chị bài học nào để tỉnh ra sau cú ngã đầu đời ấy? Tôi gọi điện cho bố, khóc: "Giá như ngày trước con nghe lời bố, tập trung vào trau dồi tử tế, không lười biếng thì giờ con đã khác". Khi ấy bố an ủi tôi: "Cuộc đời con người ai cũng có số phận của riêng mình, nên có thất bại con vẫn là con của bố. Thất bại hôm nay sẽ không đánh dấu chấm hết cho công việc của con, mà nó là sự bắt đầu, một động lực giúp con tốt hơn trong âm nhạc". Mãi sau này tôi mới biết là cuộc thi hôm đó, bố có đến xem cùng bác Phú Quang, hai người lặng lẽ đứng phía xa để tôi không biết. Và tôi vỡ lẽ vì sao bố luôn chê tôi hát dở, hát yếu, bố sợ tôi ngủ quên trong sự kiêu căng của mình. Từng lãnh đủ một quả lừa ngoạn mục - Sao Mai Điểm hẹn 2008, chị đã lọt vào top 5, đoạt giải khán giả yêu thích đó thôi? Đúng là khán giả yêu thích mình trong cuộc thi âm nhạc ấy. Còn bạn bè, thí sinh, thầy cô, gia đình thì khó chịu vì mình. Tất cả cũng do một tay phù thủy đứng sau giật dây, bảo mình làm các trò lố để PR, để rồi mình lãnh đủ một quả lừa ngoạn mục. - Trước cuộc thi, có lời đồn vì gia đình chị rất giàu nên đã thuê hẳn khách sạn 5 sao cho chị ở, còn giải thưởng chị có được cũng là do bỏ tiền mua? Gia đình tôi ở Hà Nội, cuộc thi diễn ra ở Hà Nội, tôi sẽ về nhà mình ở chứ sao phải thuê khách sạn ở? Tin đồn tôi là con một gia đình mafia ở Hà Nội cũng xuất hiện khi ấy. Còn chuyện mua giải cũng chỉ là tin đồn, tôi biết nó xuất hiện như thế nào. Tất cả đều do một người làm. Tôi rất yêu quý, coi anh ta như bạn thân. Anh ta tỏ vẻ ngọt ngào, rất quan tâm tôi, còn bảo sẽ làm quản lý cho tôi. Nhưng rồi anh ta đâm tôi từ sau lưng. Anh ta dụ dỗ tôi ra CD để PR, cầm của tôi 300 triệu đồng nhưng không làm đĩa cho tôi. Anh ta còn gặp tôi và nói có nhà báo chụp được hình bố tôi gặp gỡ đưa tiền cho người trong ban tổ chức. Tôi khóc đứng khóc ngồi, sợ hãi hỏi bố xem bố có làm vậy không. Bố mắng tôi: "Con vớ vẩn! Bố biết Ban tổ chức là ai với ai mà bỏ tiền ra mua. Mà nếu mua, bố cũng phải hỏi ý kiến con, hay báo cho con biết chứ". Tôi rất lo vì nghĩ có khi nào bố tôi làm thật nhưng giấu không cho biết. Tin tưởng anh ta, tôi đưa mấy chục triệu đồng để anh ta lo PR hình ảnh cho tôi, nhưng thực ra anh ta có bức hình nào đâu. - Nhưng người ta nói tiên trách kỷ, hậu trách nhân, chị chơi với bạn mà không hiểu về bạn... Đúng là tôi như bị bịt mắt. Sau này tôi đi hát, gặp lại các anh chị bạn bè cũng thi chung Sao mai Điểm hẹn năm ấy, mọi người mới kể cho tôi nghe về thành tích lừa đảo của D.A. Họ đều biết anh ta lừa nhiều người rồi, nhưng không nói lại với tôi vì thấy tôi chơi thân với anh ta quá.

- Nếu giờ gặp lại, chị có đòi lại số tiền mình đã mất? Tôi không đòi, vì như vậy sẽ làm mất thời gian, cảm xúc của mình. Số tiền ấy coi như phí bài học của tôi khi bước chân vào giới showbiz. Thật ra, nhiều báo chí hỏi chuyện tôi bị lừa tiền, tôi từ chối trả lời vì xấu hổ, vì thấy mình hồi đó "ngu ngu". Giờ tôi chia sẻ điều này để các bạn trẻ như tôi trước kia tránh được các hố rác của showbiz, không bị mất công sức vào những thứ rườm rà. Tôi thích một câu nói của người chị lớn: "Em hãy coi showbiz là nhà mình và đừng bao giờ mang rác về nhà".

Mốt&Cuộc sống