SAO » Kết nối

Showbiz và câu chuyện lòng tin

Chủ nhật, 16/09/2012 20:19

Với những gì đã, đang và sẽ tiếp tục xảy ra, thật khó để showbiz có thể đòi hỏi khán giả tin ở mình.

Cô bạn một thời học chung trường Y của tôi bỗng nhiên gọi điện sau gần 7 năm không liên lạc, giọng hớt hải như thể vừa rớt bóp tiền, hỏi dồn dập. “Này, thế “Dờ Voi” là có dàn xếp đấy hả cậu? Sao mà tớ coi trên báo nói một kiểu mà trên Ti vi lại nói một kiểu là sao?”

Thế mới biết, sự thu hút của các chương trình truyền hình thực tế là lớn đến mức nào và thế cũng mới biết bây giờ khán giả không “ngu muội” như cách đây vài ba năm, khi những chương trình truyền hình bắt đầu “dồn dập tấn công” màn ảnh nhỏ. Nó mạnh tới nỗi một cô bạn học chung (cũng không thân thiết gì mấy) không liên lạc từng ấy năm có thể gọi một cú điện thoại chỉ để “kiểm tra lại thông tin ở một người “có vẻ như là” có hiểu biết” về những chuyện mà cô quan tâm. Nhưng ở một khía cạnh khác cho thấy, sự lan toả của báo chí, mạng xã hội cũng là thực sự mạnh mẽ, sâu rộng cũng như khán giả bây giờ “thông minh hơn rất nhiều”, họ không chỉ “nhìn ra thế giới” bằng những thông tin mà họ buộc phải tiếp nhận trên TV mỗi tối.

Chuyện tôi bỏ bệnh viện để cầm bút, bạn bè có đứa chửi tôi bị điên, có đứa lại nói tôi thật sung sướng vì được thấy nhiều, biết nhiều... Nhưng tôi nói với bạn, càng thấy nhiều, biết nhiều, hiểu nhiều thì chỉ tổ thêm mất niềm tin mà thôi. Bây giờ thì sau nhiều năm làm báo, tôi đã học được cách “gạn đục khơi trong” để tin cái cần tin và cười khẩy vào rất nhiều “sự thật”. Tuy nhiên, thú thật là đôi lúc tôi vẫn bị cảm giác hụt hẫng trước những điều tưởng như đã quá quen thuộc ấy.

Chỉ trong vòng một tuần, Showbiz Việt xảy ra 3 scandal lớn. Nào là The Voice, nào là bằng cấp của tân Hoa hậu Việt Nam, nào là chuyện ca sĩ tố ông bầu lừa tiền, gạ tình... Thật ra tôi chẳng buồn hay ngạc nhiên chút nào về những chuyện đó. Sống ở showbiz người ta buộc phải quen với những điều còn khủng khiếp hơn thế. Nhưng vì cú điện thoại của bạn, tôi lại thấy hoá ra mình là một gã chai lỳ trong thế giới đầy rẫy những kẻ ngây thơ và mơ mộng.

Cả ba câu chuyện của tuần, người ta đã nói quá nhiều nên tôi chỉ muốn xoay quanh một vấn đề, là chuyện niềm tin. Với tất cả những gì đã và đang diễn ra, niềm tin có vẻ như là một thứ “xa xỉ phẩm” trong làng showbiz Việt. Khán giả vốn dĩ đã không mấy tin ở các gameshow trên truyền hình, nay thì có thể nói mất sạch niềm tin sau scandal này. Thế nhưng, điều đáng nói là dường như người ta không cảm thấy niềm tin đã bị mất là chuyện nghiêm trọng. Tôi nói vậy không chỉ là vì câu trả lời của Phương Uyên, không chỉ vì VTV tăng giá quảng cáo lên thêm 10% chỉ vài ngày sau khi xảy ra “vở hài kịch họp báo” The Voice, mà còn ở những chuyện khác mà trong khuôn khổ bài viết này tôi xin không nói tới.

Từ lâu, người ta vốn nghĩ VTV là truyền hình miễn phí cho nên người ta cho mình coi cái gì thì mình coi cái đó, sao dám đòi hỏi? Vậy nên mới có chuyện, một cuộc họp báo mà báo chí đưa tin một đường, đài TH Quốc gia đưa tin một nẻo. Người ta chỉ phát những gì có lợi cho chương trình, còn ý kiến của phần lớn báo giới bỗng nhiên... “biến mất”. Thế là, cả đám báo chí đến họp báo bỗng chốc trở thành những “diễn viên quần chúng” cho một vở kịch lớn. Vậy nên, câu người ta vừa mạnh miệng trước đó rằng “đừng đưa tin phiến diện, một chiều” bỗng trở thành cái tát táng thẳng vào mặt những người đã biên tập nên cái tin dài 2,5 phút đó. Và giờ thì, niềm tin của khán giả sẽ đặt vào đâu đây?

Còn chuyện tân Hoa hậu dính chuyện lùm xùm bằng cấp, tôi thực sự cảm thông với Đặng Thu Thảo, có lẽ cô chỉ bị rơi vào một scandal không đáng có. Tất nhiên, cô có một phần lỗi nhưng lỗi lớn nhất không thuộc về cô mà thuộc về trường học của cô và BTC cuộc thi. Chuyện tân Hoa hậu dính chuyện lùm xùm bằng cấp, thật ra ở Việt Nam không lạ, bởi trước đó Thuỳ Dung cũng đã dính, thậm chí còn to hơn. Nhưng cách người ta xử lý khủng hoảng một lần nữa khiến khán giả mất niềm tin.

Sau khi đăng quang Hoa hậu Việt Nam 2012, người đẹp Thu Thảo đã vướng vào vụ lùm xùm xung quanh việc cô học trung cấp hay cao đẳng. Trước thông tin trái chiều từ dư luận, trường Đại học Tây Đô, TP. Cần Thơ đã xác nhận trình độ học vấn của hoa hậu bằng giấy triệu tập học cao đẳng, giấy xác nhận Thu Thảo đã tốt nghiệp hệ trung cấp Đại học Tây Đô tháng 5/2012, trúng tuyển vào hệ Cao đẳng Đại học Tây Đô tháng 6/2012.

Tuy nhiên, mới đây lại xuất hiện thông tin một số bạn học cùng lớp nói Thu Thảo chưa dự thi tốt nghiệp hệ trung cấp. Trường Đại học Tây Đô lại một lần nữa lên tiếng giải thích. Theo phía Đại học Tây Đô, Thu Thảo được đặc cách thi tốt nghiệp trước vào tháng 5 để đi thi hoa hậu, trong khi các bạn cô đến tháng 8 mới thi. Một giải thích quá khó hiểu và vô lý.

Cũng là câu chuyện đặc cách, nhưng ở câu chuyện Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh đặc cách tuyển thẳng vào đại học 1 thí sinh nghèo ở Nghệ An đã đạp xe 300km đi thi người ta ủng hộ thì chuyện đặc cách của Thu Thảo lại khiến nhiều người hồ nghi. Rõ ràng, động thái “chữa cháy” của trường ĐH Tây Đô và BTC cuộc thi dường như đang bị phản tác dụng. Họ ngày càng đẩy Thu Thảo vào một scandal mà đáng ra, cô không nên bị rơi vào.

Nói về chuyện niềm tin, từ sau Mai Phương Thuý, người ta dường như không còn đặt nhiều niềm tin vào cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, từ Thuỳ Dung, Ngọc Hân... đều rơi vào những lùm xùm không đáng có. Ngay trong cuộc thi năm 2012, một lần nữa HHVN lại gặp sự cố với Vương Thu Phương. Vậy nên, niềm tin một lần nữa lại là thứ xa xỉ mà người ta đang cố tìm kiếm cho cuộc thi nhan sắc lớn nhất Việt Nam này. Nhưng cùng với scandal không đáng có của Thu Thảo, nó lại càng trở nên xa xỉ hơn bao giờ hết.

Ngày nay, khán giả không còn thụ động tới mức truyền thông cho họ cái gì thì họ tiếp nhận và tin ngay vào điều đó. Họ có đủ phương tiện và trí thông minh để tìm kiếm những sự thật mà họ có thể tin tưởng được. Khán giả là “khách hàng” mua thông tin từ giới truyền thông, vậy nên họ là “thượng đế” và cần được tôn trọng. Từ niềm tin và tiền bạc của “thượng đế” truyền thông, nghệ sĩ trong làng showbiz mới có thể sống và sáng tạo. Nhưng, dường như không phải ai cũng hiểu được điều đó.

Tôi từng viết trong cuốn sách của mình rằng: “Hy vọng khác với niềm tin, vì hy vọng là thứ người ta có thể tự mình tạo ra được, còn niềm tin thì luôn cần phải có một điều gì đó từ hai phía để làm cơ sở mà nắm lấy”.

Với những gì đã, đang và sẽ tiếp tục xảy ra, thật khó để showbiz có thể đòi hỏi khán giả tin ở mình.

VnNew
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới