SAO » Nhí

Trẻ thơ bị biến thành “hề nhí” trên sân khấu Đồ rê mí

Thứ hai, 23/07/2012 15:54

Vì đã nhận tiền của nhà tài trợ, chương trình Đồ rê mí vẫn được thực hiện theo kiểu “đến hẹn lại lên” bất chấp những bất cập.

Chương trình truyền hình thực tế lớn nhất về trẻ em hiện nay đang phải hứng chịu những chỉ trích do cách làm khiên cưỡng. Cách đây không lâu, ca sĩ Mỹ Linh đã viết trên trang Facebook của mình những lời băn khoăn: “Lần đầu tiên xem Đồ rê mí. Tội nghiệp các bé quá. Mong sao các con sẽ không trở thành các thảm hoạ nhạc Việt tương lai”.

Biến sự non tơ thành loè loẹt

Đồ rê mí có lẽ là chương trình về thiếu nhi gây được tiếng vang nhất hiện nay. Năm 2012 đánh dấu mùa thứ 6 của gameshow này. Tuy nhiên trái với sự kì vọng của khán giả về một sân khấu trong sáng, hồn nhiên đúng với lứa tuổi nhi đồng thì ban tổ chức Đồ rê mí đang gây thất vọng khi bắt các thí sinh nhí diễn quá mức.

Không ít khán giả đã phải thảng thốt khi bật tivi và nhìn thấy những gương mặt non tơ được phủ lên lớp phấn dày đặc kèm theo trang phục loè loẹt khiến các bé trở nên già dặn so với tuổi.

BGK của Đồ rê mí, đặc biệt là ca sỹ Thái Thuỳ Linh (bên phải) khiến dư luận không hài lòng

Chia sẻ trên trang cá nhân của mình, ca sĩ Mỹ Linh cho biết: “Thời buổi này tự bảo vệ tai và mắt của mình và các con thì đừng xem tivi. Đặc biệt là các gameshow. Khổ là show nào bây giờ cũng nặng phần diễn cho đẹp mà quên bản chất thật của cuộc sống là gì. Các con thi Đồ rê mí mà cứ như các cụ đi họp. Lỗi tại người lớn thích cái gì lên hình cũng phải tròn trịa, hoàn mỹ. Sợ nhiều thứ quá bắt trẻ con khổ theo. Các bé bị diễn gồng quá, mất đi sự trong sáng, ngây thơ. Bài hát gì mà mình còn phải nghĩ mới hiểu nữa là các con”.

Mỹ Linh cũng cho rằng, nếu những người thấy chương trình này là bình thường, không có vấn đề gì thì chính họ lại là người có vấn đề. Hãy nhìn những đứa trẻ đang bị người lớn biến thành cái gì thế kia? Chúng có giống những đứa trẻ bình thường không khi được dạy cả việc nói dối trên tivi.

Đồng quan điểm với Mỹ Linh, nhạc công Hồng Kiên, tay kèn saxophone nổi tiếng trong ban nhạc Anh Em nhận xét: “Đồ rế mí chẳng khác gì một chương trình nhố nhăng. Thậm chí anh còn ví giám khảo Châu Anh điệu đàng một cách vô duyên. Xem Đồ rê mí chẳng khác gì xem hài. Nhưng loại hài này không tốt cho trẻ con”.

Trên website trẻ thơ, chị Nguyễn Vũ Kim Ngân bày tỏ: “Kiểu tóc xù xì, rối rắm làm các bé già đi mấy tuổi. Nhất là khi hát các bé miền Nam bị bắt hát giọng Bắc. Nếu thi thể loại dân ca nên để các em hát theo tiếng vùng đó. Tuổi các bé còn nhỏ, các ca khúc thiếu nhi thấy dễ thương, thấy hay là nhờ vào cái giọng ngọng nghịu đáng yêu hồn nhiên, chứ bắt các bé hát bằng cái giọng già dặn ấy thì sẽ thành khiên cưỡng”. Đáng buồn là Đồ rê mí ngày càng áp đặt khiến trẻ con bị nhấn chìm sâu vào cách diễn này. Một cháu hát nhạc kiểu thính phòng, mặc váy xanh choé, lệt quệt thì được bảo là thành nàng tiên cá. Mặt son phấn choe choét, hát gân cổ lên và bài hát thì được dạy theo những uốn éo. Tôi có cảm giác các bé giống những chú hề nhỏ trên sân khấu.

Giám khảo hở hang thái quá

“Trong khi Châu Anh gây ấn tượng bởi sự điệu đà, Trấn Thành ghi điểm bởi những màn tấu hài thì Thái Thuỳ Linh lại không lấy được cảm tình của khán giả khi liên tục có những nhận xét thiên vị. Tâm hồn trẻ con còn rất non nớt, nhạy cảm vô cùng. Khen chê các con kiểu này rất nguy hiểm, có khi khiến các bé tổn thương, hoang mang về bản thân mình”, anh Hoàng Tùng, một ông bố có con nhỏ chia sẻ trên facebook ca sĩ Mỹ Linh. Chưa kể, nữ ca sĩ này còn có những bộ trang phục hở hang không phù hợp với một chương trình dành cho thiếu nhi như Đồ rê mí.

Anh Hoàng Văn Trung trên báo Tuoitreonline góp ý: “Ngoài những bài hát cần được lựa chọn sao cho trong sáng hơn thì vấn đề trang phục của ban giám khảo cũng là một điều đáng bàn. Theo tôi, ban giám khảo nên mặc trang phục nhằm phần nào giáo dục các cháu hơn, không hở hang như một số buổi của ca sỹ Thái Thùy Linh. Các cháu là những tờ giấy trắng, đang còn tinh khiết”.

Càng ngày, Đồ rê mí càng mang đậm dấu ấn những sự dàn dựng của bàn tay người lớn. Không còn sự ngây thơ, tự nhiên thay vào đó là sự giả tạo, gameshow này đang dần đánh mất các khán giả nhí. Chị Thanh Ngọc bình luận trên Tuoitreonline: “Công thức của gameshow bây giờ là ăn khách + tiền + cơ cấu. Càng chương trình cho bọn trẻ con lại càng diễn nhiều, thành cuộc chiến của các bé. Thành ra, tôi rất ngại cho các con của mình xem Đồ rê mí mặc dù các bé rất thích ca nhạc. Nhưng tôi thấy, càng ngày, độ ăn thua, ghanh đua trong chương trình càng nặng nề. Các cháu máu 1 thì cha mẹ các cháu phải máu 10. Chưa kể, Đồ rê mí ngày càng nhạt nhẽo, rắc rối”.

Mong muốn của khán giả là thế, nhưng để thay thế Đồ rê mí bằng một chương trình khác, đối với nhà đài là một việc rất khó thực hiện. “Tiền đã rót về, nhà tài trợ đã có sẵn thì chương trình buộc phải đến hẹn lại lên thôi. Mà làm thì có tiền, tội gì anh em không làm”, một nhân viên trong đài tiết lộ”.

Theo quy luật, bất cứ thứ gì nếu phá vỡ quy trình tự nhiên cũng đều không tốt. Với trẻ em, càng không nên đốt cháy giai đoạn phát triển. Bởi việc đó sẽ giống như việc quả chưa đủ chín đã vội hái và mang ra ăn  thì sẽ không bao giờ ngon được, thậm chí còn gây hại.
Người Đưa Tin