Venezuela từ lâu đã được biết đến như là “vùng đất của các Hoa hậu”. Bởi từ năm 1983 đến nay, đất nước này liên tục có đại diện lọt vào vòng bán kết, chung kết và nhiều lần chiếm ngôi vị đầu bảng của 4 cuộc thi nhan sắc hàng đầu thế giới như: Hoa hậu Hoàn vũ, Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Quốc tế, Hoa hậu Trái đất.
Cụ thể, với cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ, những người đẹp đến từ Venezuela đã xuất sắc đoạt được 7 danh hiệu Hoa hậu, 6 Á hậu 1. Tại Hoa hậu Thế giới và Hoa hậu Quốc tế, tổng số “nữ hoàng nhan sắc” chiếm vị trí cao nhất của Venezuela cũng khiến người khác phải ngỡ ngàng ngưỡng mộ.
Từ năm 1955 đến năm 2013, đất nước này có đến 6 Hoa hậu Thế giới và 6 Hoa hậu Quốc tế. Chưa kể, quốc gia này cũng 2 lần được vinh danh tại cuộc thi Hoa hậu Trái đất vào năm 2005 và 2013.
Nhưng, đừng vì vậy mà nghĩ rằng những Hoa hậu tại Venezuela quá may mắn khi sở hữu nhan sắc và vóc dáng hơn người. Bởi để đạt được danh hiệu cao quý, các nhan sắc Venezuela đã phải trải qua quá trình rèn luyện gian khổ, thậm chí là khốc liệt từ rất sớm, có khi chỉ mới vừa … 3 tuổi.
Cái giá phải trả cho giấc mơ “Hoa hậu Venezuela”
Hoa hậu Venezuela là một trong những danh hiệu danh giá nhất hành tinh, không phải chỉ vì giá trị giải thưởng và người chiến thắng được đại diện quốc gia tham dự các cuộc thi sắc đẹp quốc tế, mà còn bởi mức độ cạnh tranh khủng khiếp của cuộc thi này.
Ở một nơi mà nhan sắc được đánh giá là tối cần thiết để hiện thực hóa giấc mơ đổi đời, thì việc giành được chiếc vương miện Hoa hậu Venezuela cao quý đã trở thành mục tiêu quan trọng nhất trong đời của hàng ngàn cô gái trẻ, thậm chí cả với những bé gái mới 3, 4 tuổi.
Theo mẹ đến lớp đào tạo Hoa hậu nhí tại Trung tâm Đào tạo Hoa hậu Mundocasting, cô bé 6 tuổi Vicente không ngần ngại chia sẻ “mục tiêu tối thượng” của cuộc đời mình: “Chắc chắn em sẽ trở thành Hoa hậu. Mẹ em bảo thế và em cũng muốn thế”.
Và để đạt được mục tiêu có vẻ vượt quá tầm tuổi này, Vicente cùng hàng ngàn cô bé nuôi ước mơ về nhan sắc đã phải trải qua những buổi luyện tập nghiêm khắc. Họ phải tập cách đi lại trên sàn diễn, trang điểm, tẩy trang, đi lên cầu thang sao cho gợi cảm, ăn nói phải đúng mực như thế nào, chào xã giao ra sao …
Thậm chí, phải thường xuyên mang giày cao gót, bất chấp việc làm quen quá sớm với giày cao gót có thể dẫn đến hàng loạt hệ lụy nguy hiểm về sức khỏe như: ngón chân bị biến dạng, thoái hóa sớm khớp cổ chân, viêm khớp gối, tổn thương dây chằng, mọc gai xương gót, đau lưng, rối loạn kinh nguyệt, ảnh hưởng khả năng sinh nở …
Tại Venezuela, phẫu thuật thẩm mĩ cũng là “việc phải làm” nếu muốn giấc mơ Hoa hậu “nằm trong tầm với”. Với người dân Venezuela, cải thiện sắc đẹp bằng dao kéo là cần thiết và không phải che đậy. Các cô gái trẻ thậm chí còn bàn tán sôi nổi trước mỗi cuộc thi sắc đẹp xem mình nên can thiệp dao kéo ở đâu trên cơ thể để nhan sắc quyến rũ hơn.
Chia sẻ với chương trình Extreme Beauty Queen: Secrets of South America – Nữ hoàng sắc đẹp: Những bí mật của Nam Mỹ, một chương trình của đài BBC3, cô gái trẻ Maya thành thật cho biết cô đã phải chỉnh sửa mũi, ngực để đạt được giấc mơ trở thành Hoa hậu Venezuela.
Không những vậy, nhằm giảm cân nhanh chóng và duy trì cân nặng lý tưởng, Maya không ngại chịu đựng đau đớn để khâu một miếng nhựa dính vào lưỡi dù “nó gây ra cảm giác đau khi ăn đồ cứng, và do đó tôi chỉ có thể ăn những thức ăn đã được hóa lỏng bằng cách xay nhuyễn”.
Theo một số liệu điều tra, tại các quốc gia Nam Mỹ, trong đó có Venezuela, khoảng 40.000 người đã bơm chất gel có tên gọi bio-polymer tại các cơ sở thẩm mĩ “chui”, với chi phí thấp để có được vòng 3 bốc lửa. Đây là một chất nguy hiểm có thể gây ra biến dạng, thậm chí tử vong cho người sử dụng.
Một chuyện đáng buồn khác cho cái giá phải trả để đạt được danh hiệu Hoa hậu trong mơ, đó chính là hậu quả thảm hại của phẫu thuật thẩm mĩ. Là một đất nước xem can thiệp thẩm mỹ là chuyện bình thường, song đa phần xã hội Venezuela lại không có cái nhìn thiện cảm với những người vì dao kéo mà đâm ra bị … biến dạng.
Đơn cử như trường hợp của hoa hậu Eva Ekvall. Trước khi viện đến thẩm mĩ, ngoại hình Eva có phần đẫy đà và nhan sắc thuộc tầm trung. Tuy nhiên, mọi chuyện đã thay đổi khi cô sửa mũi, nâng ngực, giảm hơn 11 kg và đăng quang Hoa hậu Venezuela vào năm 2000, đoạt giải Á hậu 3 tại Miss Universe vào năm 2001.
Nhưng không may mắn là di chứng của việc động chạm dao kéo đã đến quá nhanh, Eva Ekvall bị ung thư vú sau khi nâng ngực. Trong khoảng thời gian điều trị căn bệnh nan y này, cô Hoa hậu trẻ đã chua xót nhận ra, hào quang nhan sắc chỉ là phù du.
Một nghịch lý đầy cay đắng đang tồn tại ở nơi mà cô gọi là quê hương của mình: trong một quốc gia mà phụ nữ đi bơm ngực hàng ngày thì số đông lại tỏ ra kỳ thị với người bị ung thư vú. Đây cũng là nguyên nhân vì sao nhiều phụ nữ không đủ can đảm để điều trị căn bệnh này. Cuối cùng, Eva Ekvall đã ra đi ở tuổi 28 khi còn nhiều hoài bão.
Bất chấp nguy cơ tiềm ẩn từ giấc mơ Hoa hậu, mỗi năm, hàng ngàn cô gái trẻ vẫn nhịn ăn, nhịn mặc để nhờ dao kéo giúp mình thon thả, quyến rũ hơn theo đúng quan niệm lâu đời ở quốc gia này: “Vẻ đẹp là sự hoàn thiện mỗi ngày”.
Venezuela: Khi Hoa hậu là nạn nhân của bất ổn xã hội
Nếu Ý nổi tiếng là quốc gia có nhiều Hoa hậu bị thương cho đến mất mạng vì mối quan hệ với mafia, thì trong thời gian gần đây, những bất ổn chính trị xã hội và bạo lực leo thang đã đe dọa cuộc sống nhiều Hoa hậu Venezuela.
Theo Tổ chức Giám sát Bạo lực phi lợi nhuận của Venezuela, Venezuela là một trong những nước có tỷ lệ giết người cao nhất thế giới: 79 vụ ngộ sát/100.000 dân.
Chính vì vậy, khi đăng quang Hoa hậu, trở nên nổi tiếng và tiếp cận với cuộc sống giàu sang, Hoa hậu Venezuela cùng với các nghệ sĩ, doanh nhân, và tầng lớp quý tộc vô tình đã “lọt vào tầm ngắm” của bọn cướp bóc, tội phạm, bắt cóc tống tiền…
Vào ngày 13/4/2013, cựu Hoa hậu Venezuela, Laksmi Rodriguez đã bị hai người đàn ông có vũ trang tấn công khi cô vừa cùng bạn mình bước ra khỏi xe. Laksmi bị thương nặng và được đưa đến bệnh viện, trong khi người bạn đi cùng mất mạng.
Tiếp nối tai nạn thương tâm này, vào ngày 6/1/2014, Hoa hậu Venezuela 2004, Monica Spear và chồng cũ đã bị một nhóm cướp có vũ trang giết chết trên đường đến thủ đô Caracas. Theo tờ Eluniversal, chỉ trong vòng 7 ngày đầu năm 2014, đã có 3 phụ nữ bị giết hại tại khu vực này do vấn nạn an ninh xã hội.
Chưa kịp nguôi bàng hoàng và phẫn nộ sau cái chết của Monica, vào ngày 18/2 vừa rồi, cả thế giới lại rúng động trước thông tin Hoa hậu Du lịch Venezuela, Genesis Carmona đã bị bắn chết sau một vụ biểu tình trên đường phố khi vừa bước sang tuổi 22.
Như vậy là, chỉ trong vòng 10 tháng, 3 hoa hậu của Venezuela đã mất mạng, bị thương tích nặng nề vì bạo lực và bất ổn chính trị ở quốc gia này.
Tóm lại, sự thật đằng sau cái gọi là “thiên đường sắc đẹp Venezuela” dường như không hề lung linh như người ta vẫn tưởng. Hành trình để đạt được danh hiệu Hoa hậu tại Venezuela xem ra rất chông gai.
Đằng sau chiếc vương miện cao quý là biết bao nước mắt đã rơi. Và rồi, với một số Hoa hậu kém may mắn, cuộc đời chưa hẳn sẽ bằng phẳng và vinh quang dù đã chạm đến giấc mơ mà hàng triệu cô gái trẻ khác vẫn còn đang ôm ấp.