Với khối u nặng gần 1 tạ (hơn 80kg), theo các bác sĩ thì đây là trường hợp có khối u có một không hai trên thế giới. Đối với anh Hải, cái danh xưng bất đắc dĩ này đã hành hạ anh suốt 27 năm qua. Tuy nhiên, qua những người thân quen và tiếp xúc trực tiếp, chúng tôi luôn nhận thấy ở anh một niềm tin và một khát khao sống mãnh liệt. Dù số phận hẩm hiu nhưng từ khi ra đời Hải đã có một nụ cười truyền cho người khác một cảm xúc ấm lạ, và nụ cười đó anh vẫn giữ đến ngày nay, sau 27 năm sống chung với khối u quái ác.
Từ lúc 4 tuổi, cậu bé Nguyễn Duy Hải đã phải chịu thiệt thòi so với những đứa trẻ trong xóm khi chân phải của Hải to và dài hơn chân trái. Điều khác thường này đã khiến cho những bước chân của Hải thật bất tiện khi đi lại, sinh hoạt. Đã 27 năm qua, Hải đã kiên cường chống lại số phận, chống lại bệnh tật để giữ cho mình một nụ cười tươi nguyên như thủa mới lọt lòng.
Anh Hải với khối u trên người - Ảnh: Tuổi trẻ
Nỗi bất hạnh của cậu bé hay cười
Bà Nguyễn Thị Cho Con (61 tuổi, trú tại 26/30 Xuân An, phường 3, TP. Đà Lạt, Lâm Đồng), mẹ của Nguyễn Duy Hải kể: Năm 30 tuổi, bà sinh ra Hải. Khi nghe cậu con trai bé bỏng cất tiếng khóc chào đời, bà vô cùng hạnh phúc và mừng vui như khi sinh những anh chị của Hải. Hải lớn lên theo thời gian và luôn là một đứa trẻ thông minh, lanh lợi và đáng yêu vì rất hay cười. Thế nhưng, năm lên 4 tuổi, chân phải của Hải bỗng to và dài hơn chân trái một cách bất thường.
Điều này làm cho người mẹ trẻ Nguyễn Thị Cho Con và gia đình hết sức lo lắng. Cha mẹ và mấy chị em trong gia đình Hải đã đi chạy chữa khắp nơi cho Hải nhưng khối u trên chân của cậu bé cứ ngày một to ra. Bà Cho Con kể rằng, hầu như năm nào bà và gia đình cũng đưa Hải đi khắp các bệnh viện trong Nam để chữa trị. Mỗi lần đưa con đi đến bệnh viện là một lần niềm hy vọng của cả gia đình được thắp lên. Thế nhưng kết quả vẫn là con số không. Người mẹ chỉ biết giấu đi tiếng thở dài và những giọt nước mắt trong những đêm dài mất ngủ vì thương cho đứa con tội nghiệp.
Hải có một tuổi thơ nhiều thiệt thòi hơn các bạn trong xóm vì cái chân quá bất tiện và kỳ quặc của mình. Hải không được chạy nhảy và đi chơi vui đùa với các bạn trong xóm mà chỉ quanh quẩn trong nhà với các anh chị em. Nếu muốn qua nhà các bạn trong xóm chơi, thì anh chị của Hải sẽ cõng Hải đi và cõng về. Anh Nguyễn Duy Sang (28 tuổi, em trai của Hải) nhớ lại: "Năm tôi học lớp 1 là anh Hải học lớp 4. Vì hai anh em học cùng trường nên tôi nhớ rất rõ hình ảnh tội nghiệp của anh trai mình khi phải lê lết và cò từng bước chân nặng nhọc để đi đến trường học, anh tôi không thể nào nhấc nổi chân của mình lên khỏi mặt đất vì nó quá to và dài. Những lúc như vậy, tôi rất thương anh. Cả nhà ai cũng thương anh, bố mẹ tôi thường dặn các anh chị em phải quan tâm và chăm sóc cho anh Hải nhiều hơn".
Anh Sang kể tiếp: "Có nhiều đêm Đà Lạt mưa gió trở trời, anh Hải đau nhức toàn thân và kêu la thấu trời. Những lúc như vậy, cả nhà không ai chợp mắt được mà chỉ biết quây quần bên nhau và cùng chăm sóc cho anh. Dù là người vô tư và lạc quan nhất trong gia đình, nhưng cũng có rất nhiều lần bị cơn đau hành hạ khổ sở và đau đớn quá anh Hải đã nói với gia đình là không thích sống nữa. Những lúc như vậy, mấy anh chị em trong gia đình không cầm nổi nước mắt". Là một người đàn ông đã có vợ con nhưng anh Sang thú nhận là đã khóc rất nhiều lần trước nỗi đau mà người anh trai mình phải gánh chịu trong nhiều năm trời.
Ước mơ bình dị trên cây nạng gỗ
Đến năm 17 tuổi, cái chân của anh Hải đã nặng đến 25kg nên gia đình đưa đi khám tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng nhưng các bác sỹ vẫn không tìm ra được nguyên nhân bệnh. Vì không thể đi lại, buộc gia đình phải cầu cứu các bác sỹ giúp đỡ cắt bỏ cái chân quá khổ này. Sau khi cắt đoạn chi, anh Hải và cả gia đình rất vui mừng nghĩ rằng từ đây anh sẽ dễ dàng đi lại bằng cây nạng và có thể bắt đầu đi học nghề để có cuộc sống ổn định sau này.
Dù chỉ còn một chân và đi lại bằng cây nạng gỗ nhưng anh Hải rất yêu đời và luôn có niềm tin trong cuộc sống. Khi sức khoẻ đã ổn định và việc đi lại trên cây nạng trở nên quen dần, Hải đã bắt đầu tự đi học nghề sửa chữa điện thoại. Anh mơ ước sau khi học xong, anh sẽ đi làm và cưới vợ về phụ giúp công việc cho mẹ già bù lại những khó khăn, vất vả mà mẹ đã lo lắng cho anh trong thời gian dài đằng đẵng. Nhưng số phận lại tiếp tục thử thách sự can đảm của anh. Khoảng năm 2002, mới đi học nghề được mấy tháng thì đoạn chân còn lại của anh tiếp tục to ra...
Vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, không còn tiền bạc để tiếp tục đưa anh đi chữa trị nữa nên cứ để khối u ngày càng to ra theo thời gian và anh không thể tự mình di chuyển những quãng đường xa được nữa. Dù mơ ước được học nghề khép lại nhưng Hải vẫn rất lạc quan, chưa bao giờ hết hi vọng. Chị Nguyễn Thị Mỹ Hằng (23 tuổi, một người bạn gái ở sát nhà và chơi với anh Hải từ hồi còn bé), kể lại: "Tính anh Hải vui lắm anh. Ngày xưa cả xóm em ai cũng thích chơi với anh Hải hết. Mỗi buổi sáng anh Hải chống nạng đi uống cà phê về xong là về bắt đầu chơi bắn bi với tụi em cho tới trưa luôn mới về nhà ăn cơm. Xóm em hồi đó rất đông vui, cả con trai và con gái tới hơn 10 đứa. Năm đó anh Hải khoảng 20 tuổi. Cứ khoảng 3h chiều là anh Hải bò lên hết con dốc trên rồi cùng với tụi em chơi thả diều. Anh Hải rất là khéo tay, làm diều rất đẹp. Ngày nào tụi em cũng chơi đến gần tối anh Hải mới chịu bò về. Tụi em rất là thương anh Hải. Bây giờ dù em đã có chồng, có con nhưng cứ rảnh lúc nào là em đều xuống nhà thăm cho anh đỡ buồn. Bạn bè của anh Hải bây giờ hầu như ai cũng có gia đình riêng nhưng lúc nào rảnh rỗi đều thấy các anh chị ấy đến thăm".