1. Làng đầu thai
Nhắc đến bản Chiềng Châu, Mai Châu, Hòa Bình, người ta thường nghĩ ngay đến những câu chuyện đầu thai lạ lùng ở đây. Những đứa trẻ khi sinh ra hoàn toàn bình thường, đến khi lớn lại nhận mình là… con của những gia đình khác xa đến cả chục cây số. Chuyện lạ này đã diễn ra hàng chục năm nay, chính quyền địa phương cũng phải thừa nhận chuyện này là hoàn toàn có thật. Các nhà khoa học cũng chưa thể đưa ra lời giải thích cho hiện tượng này.
2. Làng “chân dài”
Thôn Đình Tràng, xã Lam Hạ, TP. Phủ Lý, Hà Nam lâu nay vẫn được gọi bằng cái tên “làng chân dài” hay “làng khổng lồ”, bởi ngôi làng này có nhiều người vóc dáng đặc biệt cao to. Theo ước lượng của các cán bộ thôn Đình Tràng thì chiều cao trung bình của nữ nơi đây là 1,65m, nam là 1,74m trong khi chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam vào năm 2010 mới đạt 1,61m. Đây cũng là quê hương của hai anh em tuyển thủ bóng chuyền xuất sắc đội tuyển Việt Nam là Ngô Văn Công (1,92m) và Ngô Văn Kiều (1,96m).
3. Làng cá chép
Hành Thiện là một làng cổ, nay thuộc xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Đây là một trong những ngôi làng cổ nổi tiếng có truyền thống văn hóa được nhiều người biết đến, cũng như là quê hương của nhiều nhân vật được ghi nhận trong lịch sử tại Việt Nam. Tuy nhiên, một điểm thú vị khác của làng quê này là không gian sống được quy hoạch một cách độc đáo theo hình cá chép. Hình dạng này được tạo thành từ hai nhánh của một con sông nhỏ rộng khoảng 7m, được gọi là sông Con.
4. Làng bí đao khổng lồ
Làng quê Chánh Trạch yên bình nằm sát mép biển Tân Thành - Mỹ Thọ, tựa lưng vào núi Thuận An của Phù Mỹ (Bình Định). Ngôi làng nhỏ này đang được nhiều người kéo tới tham quan bởi những quả bí đao to nặng đến 30, 40kg, thậm chí 80kg.
5. Làng song sinh
Nằm ngay trên quốc lộ 1A, cách thành phố Hồ Chí Minh hơn 60 km, ấp Hưng Hiệp, xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất, Đồng Nai được nhiều người gọi là “làng đẻ đôi” bởi có đến hơn 70 cặp sinh đôi trong khi toàn xã có gần 100 cặp song sinh. Người ta cho rằng hiện tượng sinh đôi ở ấp và xã là do mạch nước giếng ở đây rất đặc biệt nhất là ở ấp Hưng Hiệp.
6. Làng “tâm thần”
Xóm Chùa (thôn Phú Gia, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) có nhiều người mắc bệnh thần kinh đến mức chiếm tỉ lệ hơn 10% dân số. Xóm đã từng tiếp hàng chục đoàn nghiên cứu nhưng vẫn chưa tìm ra nguyên nhân. Dù đã có đề xuất dời làng đi nơi khác nhưng người dân không chịu, thế nên nhiều năm nay, xóm nhỏ vẫn mang tiếng “người khùng nhiều hơn người tỉnh”.
7. Làng nói tiếng Âu Lạc
Cách trung tâm Thủ đô khoảng 40km là Đa Chất (Đại Xuyên, Phú Xuyên) - làng đang lưu giữ một dòng ngôn ngữ kỳ lạ mà người ngoài vào làng phải cần phiên dịch. Ngôn ngữ này là ngôn ngữ nói để trao đổi riêng trong làng với vốn từ vựng rất phong phú, ít phải vay mượn. Một số người đã tìm đến nghiên cứu về dòng ngôn ngữ này và đưa ra nhận định đây có thể là thứ ngôn ngữ thời Văn Lang - Âu Lạc còn bảo lưu được.
8. Làng không liệt sỹ
Đình Tân Trào là một ngôi đình gắn liền với lịch sử cách mạng Việt Nam, ngôi đình này cũng nổi tiếng linh thiêng. Có lẽ nhờ các vị thần linh thiêng trong ngôi đình phù hộ nên làng Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang là ngôi làng duy nhất ở Việt Nam không có liệt sĩ. Qua nhiều năm chiến tranh, từ làng Tân Lập, đã có 104 thanh niên lần lượt lên đường ra trận, nhưng chỉ có 2 thương binh và 2 bệnh binh. Làng Tân Lập ngày nay là di tích lịch sử nằm trong quần thể Khu Di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt.
9. Làng không cửa
Ở vùng Đất Mũi Cà Mau có một ngôi làng toàn những ngôi nhà không cửa nhưng chưa từng bị trộm khiến công an 'thất nghiệp'. Đó chính là ấp Xóm Mũi, Cà Mau. Ấp có 341 hộ thì có khoảng 300 ngôi nhà không cửa, tài sản của gia chủ từ trước ra sau, ti vi, tủ lạnh, xe máy, tủ quần áo... phơi bày ra hết giữa ngôi nhà không cửa mà chưa ghi nhận một vụ trộm nào. Người dân ở đây nói do tính cách người khu vực này chất phác, không tham lam, ấp lại nằm ở nơi hẻo lánh, chỉ có một con đường độc đạo dẫn vào nên họ cũng rất “tự tin” là không kẻ trộm nào dám “thăm viếng”.
10. Làng xây tường bằng tiểu
Thổ Hà là tên gọi một làng nghề thuộc xã Vân Hà huyện Việt Yên tỉnh Bắc Giang. Đó là một ngôi làng cổ với phong cảnh hữu tình, cây đa, bến nước, sân đình, những nếp nhà xưa cũ san sát nằm sâu trong các ngõ hẻm cổ kính. Làng xưa kia là một trong những làng gốm nổi tiếng nên người dân tận dụng những chiếc tiểu sành (đựng hài cốt) vỡ, hỏng không bán được để xây tường. Chính sự khác lạ này cũng là một trong những yếu tố thu hút khách du lịch với ngôi làng có nhiều nét văn hóa đặc sắc lâu đời này.