Bé gái 6 tuổi bất ngờ thành thiếu nữ
Câu chuyện bé Hà Anh, 6 tuổi mới bước chân vào lớp 1 đã có kinh nguyệt khiến cho các bác sĩ của khoa Nội tiết – Bệnh viện Nhi Trung ương ấn tượng vã nhớ mãi. Theo lời kể của các bác sĩ, Hà Anh lúc mới sinh có chỉ số cân nặng bình thường như bao trẻ khác. Tuy nhiên, do gia đình có điều kiện chăm sóc và bổ sung dinh dưỡng tốt nên Hà Anh ngày càng bụ bẫm, phổng phao hơn bạn bè cùng trang lứa.
Mới 3-4 tuổi, Hà Anh đã có ngực nhô cao như những cô bé trong độ tuổi dậy thì 12-13 tuổi. Chỉ số cân nặng, chiều cao của bé cũng vượt trội so với những bé cùng tuổi.
Bất ngờ nhất là chuyện cô bé xuất hiện kinh nguyệt khi mới 6 tuổi. Ban đầu gia đình tưởng bé chơi đùa bị vật lạ đâm chảy máu hoặc bị côn trùng chui vào vùng kín nên đưa đi khám.
Tại khoa Nội tiết và Chuyên hóa, Hà Anh được kết luận đã có kinh nguyệt. Việc một cô bé mới 6 tuổi đã xuất hiện kinh nguyệt, trở thành thiếu nữ khiến cho gia đình bé vô cùng bất ngờ, lo lắng và bối rối.
Bé gái 3 tuổi ngực đã nhô cao
Đó là trường hợp của bé N.T.D.L, 3 tuổi, ở Thanh Xuân – Hà Nội. Mới 3 tuổi nhưng bé L đã có tuyến vú nở nang, nhô cao như trẻ trong độ tuổi dậy thì.
Thấy cơ thể con gái có những biểu hiện bất thường so với độ tuổi, chị Dương – mẹ bé - cho con đi khám dinh dưỡng và nội tiết. Ban đầu chị Dương và gia đình cũng chỉ nghĩ con bị ảnh hưởng bởi chế độ dinh dưỡng dày đặc, nhiều chất đạm, chất xơ mà chị đã dày công cho con ăn hằng ngày chứ tuyệt nhiên không nghĩ đến chuyện con dậy thì khi mới 3 tuổi.
Sau khám nội tiết, các bác sĩ tại khoa Nội tiết và Chuyên hóa – Bệnh viện Nhi Trung ương kết luận bé L có dấu hiệu của dậy thì sớm và phải điều trị bằng thuốc.
9 tuổi đã vỡ giọng ồm ồm…
Đó là trường hợp của bé T. N. C, 9 tuổi, ở Hoàng Mai – Hà Nội. Mới học lớp 4, bé C đã có chiều cao gần 160 cm, giọng nói ồm ồm, mặt nhiều trứng cá,… và bắt đầu có lông mu, lông nách.
Sự thay đổi bất thường về cơ thể so với bạn bè cùng trang lứa khiến cậu bé luôn là tâm điểm để bạn bè trêu trọc. Sau khi đi khám, C được bác sĩ kết luận mắc chứng dậy thì sớm và cần phải điều trị can thiệp nội tiết.
Nhiều cha mẹ vẫn chủ quan
PGS. TS Nguyễn Thị Hoàn, nguyên Trưởng khoa Nội tiết và Chuyển hóa, Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ: “Ngày càng có nhiều trẻ có xu hướng dậy thì sớm. Nguyên nhân chính của dậy thì sớm là do môi trường sống, do thực phẩm chăn nuôi còn tồn dư chứa nhiều chất kích thích. Trẻ dậy thì quá sớm khiến nhiều gia đình bối rối lâm vào tình trạng dở khóc, dở cười…”
Cũng theo PGS. TS Nguyễn Thị Hoàn, hiện nay có rất nhiều phụ huynh chủ quan, thờ ơ với việc con cái có biểu hiện dậy thì sớm nhưng vẫn khỏe mạnh. Không ít phụ huynh còn lấy đó là niềm vui, là tự hào vì nuôi con khỏe mạnh, phổng phao hơn những đứa trẻ cùng trang lứa.
“Khi trẻ có những biểu hiện của dậy thì sớm cần được đưa đến những cơ sở y tế chuyên khoa để khám và được tư vấn. Trường hợp trẻ dậy thì sớm không được can thiệp kịp thời sẽ ảnh hưởng đến thể trạng, sinh lý, tâm lý, lý trí của trẻ sau này…” PGS. TS Nguyễn Thị Hoàn khuyến cáo.