Nghe ra tưởng chừng như chuyện bịa đặt, hoang đường theo kiểu "một tấc lên trời" của cánh thợ đan thúng để mua vui qua những ngày lao động cơ cực. Nhưng chuyện nghe như một tiết mục xiếc, hay trò ảo thuật đó mà cánh phóng viên chúng tôi chứng kiến lại phải sững sờ trước mắt...
Cô gái "không xương" bất hạnh nhất miền Tây
Cô gái đó tên là Trần Thị Thuý An, SN 1985, ngụ ở ấp Lân Thạnh, P. Tân Lộc, Q. Thốt Nốt, TP Cần Thơ. Theo lời chị Tuôi, mẹ của cô gái cho biết: Hai vợ chồng chị sinh được 5 người con, tất cả đều khỏe mạnh, duy chỉ có đứa con út là Thúy An, càng lớn bệnh càng thêm nặng. Nhất là đến thời điểm bây giờ, Thuý An cũng chỉ cao khoảng 90 cm, trông chẳng khác nào một cô bé vừa lên 8 lên 9 và chỉ biết nằm bất động trên giường.
Bà Tuôi tâm sự: "Lúc mới sinh, Thúy An cũng khỏe mạnh như nhiều đứa trẻ khác. Bé An vẫn chạy nhảy khắp nơi, vẫn hay chạy sang nhà cậu mỗi khi bên ấy phát ra tiếng nhạc từ các chương trình truyền hình". Thế nhưng, lên 7 tuổi thì tự nhiên cơ thể của Thúy An teo nhỏ lại, xương trên cơ thể dường như có biểu hiện teo tóp. Lúc đầu bé chỉ cảm thấy mệt và không muốn đi lại, lâu dần cô không còn ngồi được nữa. Các xương tay xương chân dường như đã tan biến và hòa chung vào da vào thịt của em. Cơ thể Thúy An bây giờ chẳng khác nào một con gấu bông ướt sũng nước. Từ lúc đó đến nay, Thúy An chỉ có thể nằm một chỗ, tứ chi và hầu hết các bộ phận trên cơ thể cô đều không thể hoạt động do không có xương, ngoại trừ cái đầu?
Bà Tuôi cho biết, dẫu khó khăn, gia đình cũng đã tìm mọi cách đưa Thuý An đi khám chữa bệnh nhưng không khỏi. Mới đây, khi lên các bệnh viện trên Sài Gòn khám thì các bác sĩ kết luận: Thuý An bị nhiễm chất độc màu da cam. Sau này, Thuý An được trợ cấp 300 ngàn đồng một tháng. Từ đó đến nay, chị đành cắn răng chấp nhận sống kiếp tật nguyền của con gái.
Tuy vậy, Thúy An chưa bao giờ tỏ ra bi quan, chán nản, cô vẫn hát. Thúy An rất thích hát và có niềm đam mê thật sự với môn nghệ thuật này. Thuở bé, Thúy An vẫn bỏ ăn bỏ uống sang nhà cậu nghe nhạc trên chiếc ti vi đen trắng. Giờ đây, dù bệnh tật và chưa được học bất kỳ một chữ cái nào, Thúy An vẫn hát, hát rất hay những bài hát trữ tình lãng mạn. Còn bà Tuôi, vì quá thương con, chị nhờ bà con hàng xóm giúp đỡ gia đình mua dàn Karaoke để Thuý An thỏa ước mơ được hát "trong những ngày còn lại".
Biệt tài của cô gái có "cái lưỡi thần"
Cũng từ ngày mang bệnh hiểm nghèo, Thúy An bỗng dưng có được biệt tài từ cái lưỡi. Trả lời thắc mắc của chúng tôi về biệt tài trên, Thúy An nói: "Em chẳng biết nữa, cũng chẳng luyện tập gì và cũng không nghĩ đó là tài năng thần kỳ gì hết". Được biết, khoảng năm 2001, trong lúc khâu vá thì bà nội hết chỉ, thấy nội loay hoay xỏ mãi sợi chỉ qua lỗ kim bé xíu, Thúy An cũng muốn thử nhưng nội không cho vì sợ nguy hiểm. Xỏ mãi không được nên bà ghim cây kim vào chiếc gối của An, An liền cố với lấy cây kim bằng chiếc lưỡi. Cô bé ngậm lấy kim giấu vào trong miệng rồi mới xin bà cho sợi chỉ... để chơi. Chẳng biết làm thế nào mà loay hoay một lúc thì Thúy An xỏ được chỉ qua lỗ kim thật. Lúc ấy bà nội cô thất kinh gào cả xóm giềng qua xem.
Bà con cứ cho là bà của An lú lẫn, nhưng sau khi tận mắt thấy cô “biểu diễn lại" việc xỏ chỉ, thậm chí lần này Thuý An xỏ một lần 4 sợi chỉ qua một lỗ kim thì ai nấy đều há hốc miệng nhìn nhau như bị ma nhập. Không một ai dám tin vào những gì mình vừa thấy dù mình tận mắt chứng kiến. Kể từ đó, chuyện cô bé không xương xỏ kim bằng lưỡi cứ lan truyền trên miền sông nước như cổ tích vậy.
Nói về cảm giác lần đầu xỏ chỉ, Thúy An nói: "Lúc bà bỏ kim chỉ vào miệng cho em, rồi em cứ dùng lưỡi lựa nhiều lần và... xỏ qua thôi". Nghe câu trả lời của Thuý An, chúng tôi không cách nào hình dung được một việc làm vừa nguy hiểm (nhỡ đâu cây kim chạy rơi vào cổ họng - PV) vừa khó đến không tưởng ấy có thể là sự thật. Với nhiều người, ngay cả người mắt sáng bình thường dùng tay xỏ chỉ cũng gặp phải những khó khăn huống hồ một lúc xỏ cả 4 sợi chỉ qua một lỗ kim bé ti hi.
Cũng theo bà Tuôi cho biết: "Từ khi bị bệnh phải nằm liệt giường, mọi phần trên cơ thể đều không cử động được, chỉ có cái đầu là cựa quậy được thôi". Do vậy, mọi hoạt động Thúy An đều sử dụng cái đầu và bộ phận linh hoạt nhất chỉ có thể là cái lưỡi. Ban đầu, An dùng lưỡi để chuyển kênh truyền hình trên chiếc điều khiển tivi, dùng lưỡi để xỏ kim và bây giờ chị dùng lưỡi để sáng tạo nghệ thuật. Theo An thì nằm mãi thấy buồn, khi thấy mấy đứa cháu đi học về tập gấp hạc, gấy ngôi sao, gấp máy bay, tàu thủy bằng giấy, chị cũng đòi học.
Thấy chúng tôi hiếu kỳ, Thúy An nhờ mẹ cắt giấy thành hình vuông rồi bỏ vào miệng giúp mình. Chúng tôi xin phép được ghi hình và được An đồng ý. Quan sát kỹ miệng của Thúy An, chúng tôi chỉ thấy cô đưa đi đưa lại cái lưỡi, lúc nhè ra đã thành hình tam giác, khi thì hình thoi, hình bình hành, để rồi cuối cùng là một con hạc giấy có nếp gấp sắc sảo đến khó tin. Cứ thế, cô gái gấp chiếc tàu bay, thuyền nan, tàu thủy... cuối cùng là màn xỏ kim rợn tóc gáy.
Khi thấy bà Tuôi giở bọc kim ra lấy một cây kim bé xíu sắc nhọn cho vào miệng cô con gái mình, chúng tôi sợ đến không dám thở. Thấy vậy, cô gái cắn chặt kim và trấn tĩnh chúng tôi bằng nụ cười duyên và bảo: "Không sao, em làm quen rồi mà". Rồi đưa lưỡi nhận 4 sợi chỉ từ tay bà Tuôi. Cứ thế vừa xem truyền hình, Thúy An vừa ngậm kim chỉ và làm gì đó chúng tôi không biết và không thể diễn tả thành lời.
Cuối cùng, khi An mở miệng ra, 4 sợi chỉ đã được luồn qua cây kim bé xíu. Khi thấy chúng tôi kinh ngạc, An chỉ cười vì thấy khách quá sững sờ về chuyện "quá bình thường" so với cô. Sau khi “biểu diễn" xong, An nhìn chúng tôi tâm sự: "Ngày trước, xỏ kim, gấp giấy mãi cũng chán, Thúy An muốn làm gì đó có ích hơn, dù là rất nhỏ". Nghĩ vậy cô xin mẹ mua cho mình các loại hạt nhựa đủ màu rồi dùng lưỡi gấp từng hạt xỏ thành cái lắc đeo tay, cái móc khóa xinh xắn...
Về sau, Thuý An lại xin mẹ đi bán vé số ở tận Hà Tiên bằng chiếc xe lăn. Vừa bán, An vừa biểu diễn những kỹ năng thần kỳ của mình và tặng sản phẩm cho khách xem. Nhờ vậy, gia đình có thêm được đồng ra đồng vào. Tuy nhiên, theo bà Tuôi thì những ngày gần đây, sức khỏe Thúy An không còn cho phép chị đi bán nữa. Giờ An chỉ nằm một chỗ và sống những tháng ngày còn lại trong đau đớn vì bệnh tật ngày càng nặng hơn.
Tuy là đang quằn quại trong đau đớn, đau khổ vì bệnh tật và bi kịch hơn là chưa biết lúc này Thuý An sống được bao lâu. Nhưng, không Thuý An tỏ ra chán nản, cô luôn nở nụ cười yêu đời thật tươi. Lúc chúng tôi ra về, Thuý An còn nhờ mẹ tặng lại chiếc kim đã xỏ 4 sợi chỉ và chuỗi dây xỏ những con hạc, chiếc tàu thủy, ngôi sao cùng vài hạt màu xanh đỏ mà chị vừa hoàn thành trước mặt chúng tôi như một vật lưu niệm.