Cuối cùng cơ quan chức năng đành phải sử dụng giải pháp cuối cùng là giám định ADN cho trâu để xác nhận chủ nhân thực sự của nó.
1 con trâu – 2 chủ nhân
Câu chuyện hy hữu này xảy ra ở xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang giữa hai người nuôi trâu là anh Đặng Bá Hoàng và ông Tô Văn Trọng. Người dân ở đây có tập tục chăn nuôi trâu theo phương thức thả rông trên rừng kéo dài cả tuần, thậm chí cả tháng mới đi tìm một lần, do đó đã có nhiều gia đình bị kẻ xấu bắt trộm mất trâu từ lúc nào cũng không hay. Và chuyện một con trâu mà có 2-3 người nhận là chuyện thường xuyên xảy ra ở đây. Tuy nhiên, vụ việc tranh chấp trâu giữa ông Hoàng và ông Trọng khiến các cơ quan chức năng ở địa phương đau đầu nhất, khi ai cũng một mực khẳng định đó là trâu của mình.
Sự việc bắt đầu từ ngày 6/2/2013, ông Trọng bán con nghé với giá 17 triệu đồng cho một người buôn trâu. Khi con trâu đã được đưa lên xe ô tô lên xe chở đi thì ông Nguyễn Văn Nam (trú tại thôn Tó, xã Nghĩa Phương) nhận thấy con trâu này giống với con trâu mà ông Hoàng vừa kêu mất nên đã gọi điện báo cho ông Hoàng đến nhận dạng con trâu.
Ông Hoàng cho biết: “Tôi bị mất trâu vào đúng ngày 23 tháng Chạp Âm lịch (tức ngày 6/2/2013). Bởi tôi và ông Nam hay đi thả trâu cùng nhau nên trâu nhà tôi, ông Nam biết khá rõ. Trưa hôm ấy, chúng tôi còn ngồi uống rượu với lễ cúng ông Công ông Táo ở trên lán trâu rồi mới về. Khi chúng tôi còn ở trên lán, đàn trâu vẫn còn nguyên 12 con, vậy mà trong thời gian tôi về, con trâu đa bị bắt trộm mất. Đến chiều quay lại không thấy đâu, tôi mới nói chuyện với ông Nam về chuyện tôi bị mất trâu. Đến khi nhận được điện thoại của ông Nam bảo rằng con trâu của tôi bị người ta bán, tôi lập tức chạy đến địa điểm mà ông Nam bảo thì nhận ra đây đúng là con trâu của mình vì nhận ra những khoáy lông của nó từ khi sinh ra rồi mấy năm chăn dắt nó tôi nhớ rất rõ”.
Sau đó, ông Hoàng yêu cầu hai người mua trâu trở con trâu này về nhà mình rồi gọi công an xã tới lập biên bản. Trước viêc trình báo của ông Hoàng các cán bộ công an xã đã có mặt và lập biên bản vụ việc, đồng thời xác nhận người đã bán con trâu là ông Tô Văn Trọng.
Ngay sau đó, ông Trọng và ông Hoàng được mời tới trụ sở công an xã làm việc. Tại trụ sở công an xã, ông Hoàng một mực khẳng định con trâu này là của mình và đã bị ông Trọng bắt trộm rồi đem bán. Trong khi đó, ông Trọng cũng kiên quyết khẳng định con trâu này là do gia đình ông nuôi chứ hoàn toàn không có chuyện ông bắt trộm trâu nhà ông Hoàng rồi đem bán.
Giám định ADN cho trâu
Ban đầu chính quyền xã yêu cầu ông Trọng và ông Hoàng miêu tả đặc điểm của con trâu để xác định xem ai là chủ nhân nhưng ai cũng miêu tả được vì đều đã tiếp xúc với con trâu.
Sau đó chính quyền xã lại quyết định yêu cầu hai ông dắt đàn trâu của mình tới cho tiếp xúc với con trâu tranh chấp này. Nếu nó theo đàn trâu của nhà ai thì thì đích thị con trâu là của nhà đó.
Theo ông Trọng, cách làm này là hoàn toàn hợp lý, vì nhiều năm chăn nuôi trâu, ông biết chúng thường sống theo bầy đàn thân thiết. Khi môt con trâu lạ mà lại gần đàn của chúng thì kiểu gì chúng cũng húc nhau, không bao giờ con trâu lạ có thể hòa vào đàn ngay. Hơn nữa, con trâu mẹ của con trâu đang tranh chấp của gia đình ông Hoàng vẫn còn, nếu đã là hai mẹ con thì chắc chắn chúng sẽ quấn quýt nhau.
Tuy nhiên, ông Hoàng lại không đòng ý với cách này vì nói rằng con trâu mẹ của con trâu đang tranh chấp đã bị chết rét từ mấy năm trước đó. Trong khi trâu nhà ông Hoàng và ông Trọng lại thả chúng trong một cánh rừng từ lâu nên rất có thể chúng đã quen hơi nhau nên việc con trâu của nhà nọ theo đàn của nhà kia là điều bình thường, theo ông Hoàng, cách này vẫn chưa thuyết phục được ông.
Cuộc phân xử căng thẳng kéo dài đến tận 28 Tết vẫn chưa phân minh. Quá sốt ruột khi con trâu của nhà mình tự nhiên thành con trâu tranh chấp, trong khi các cơ quan chức năng đều đã nghỉ Tết, không thể mấy ngày Tết cứ mang cỏ ra tận trụ sở ủy ban xã để cho trâu ăn nên ông Trọng quyết định mang đàn trâu của mình ra để đón con trâu tranh chấp về.
Ông Hoàng cho biết việc để cho đàn trâu nhận nhau là đề xuất của chính quyền xã, tôi đồng ý với cách làm này. Tôi đã mang cả đàn trâu của tôi ra cho chúng nhận nhau, trước sự chứng kiến của cán bộ xã và rất nhiều người dân. Hôm đó khi tôi vừa đưa đàn trâu tới, con trâu tranh chấp kia lập tức dứt dây buộc và hòa vào đàn trâu của tôi. Sau đó thì tôi mang trâu về”.
Thấy con trâu bị ông Trọng mang về mất khỏi trụ sở UBND xã, ông Hoàng cho rằng hành động của ông Trọng là hành động cướp trâu có sự tiếp tay của cán bộ xã. Nói về vấn đề này, ông Trọng cho rằng việc làm của mình là hoàn toàn khách quan có sự chứng kiến của chính quyền xã và nhiều người dân. Hơn nữa, con trâu chứ không phải vật gì nhỏ bé mà có thể cướp lấy hay cầm tay mang về được.
Sự việc được xác định là đã vượt quá thẩm quyền của chính quyền xã. Toàn bộ hồ sơ vụ việc sau đó được chuyển lên Công an huyện Lục Nam thụ lý. Sau nhiều cách phân giải mà vẫn không thể thuyết phục được cả hai bên, cuối cùng công an huyện Lục Nam đưa ra giải pháp lấy mẫu mô từ con trâu tranh chấp và con trâu mẹ để giám định ADN. Tuy nhiên chi phí để là giám định không nhỏ nên cơ quan công an yêu cầu mỗi gia đình ứng trước 10 triệu đồng, thừa thiếu đâu sẽ yêu cầu bên nhận nhầm phải nộp còn chủ nhân chính xác của con trâu sẽ được nhận lại tiền.
Với cách xác định này, ông Trọng hoàn toàn nhất trí. Ông Trọng cho biết: “Khi công an huyện đề xuất giám định ADN và ứng tiền để làm việc đó tôi đồng ý ngay, mặc dù khi đó trong nhà cũng không có tiền nhưng tôi đã đi vay để ứng tiền làm giám định rồi lên rừng lùa trâu về đưa ra xã để các cơ quan ban ngành lấy mẫu”.
Các cơ quan chức năng đã lấy mẫu xong xuôi, chỉ chờ ông Hoàng đóng tiền là gửi đi giám định nhưng cách xác định cuối cùng này ông Hoàng vẫn không đống ý. Ông Hoàng cho biết thứ nhất ông không tin tưởng vào cơ quan công an, thứ hai là ông được biết chi phí giám định rất tốn kém, có thể đến 40 triệu đồng, trong khi con trâu chỉ có giá gần 20 triệu đồng, nếu kết quả giám định không chính xác ông vừa bị mất trâu vừa mất tiền nên ông không đồng ý.
Tất cả các cách để xác định chủ nhân đích thực của cơ quan chức năng đưa ra ông Hoàng đều cho rằng không thuyết phục và ông không đồng ý. Cuối cùng thì công an huyện Lục Nam cũng phải “bó tay”. Không làm việc với công an nữa, ông Hoàng quay sang gửi đơn kiện lên tòa án nhân dân huyện Lục Nam chỉ với những bằng chứng mơ hồ bằng cách nhận dạng bằng trực quan dựa trên khoáy của con trâu và cho rằng con trâu bị ông Trọng dắt trộm chứ không phải là con trâu của ông Trọng nên không thể gọi đây là vụ án tranh chấp trâu mà phải xác định đây là vụ trộm trâu. Ông Hoàng cũng cho biết ông sẽ theo kiện vụ này tới cùng, nếu tòa án huyện không giải quyết được, ông sẽ gửi đơn lên cấp cao hơn.
Đáp trả, ông Trọng cũng chia sẻ: “Rõ ràng con trâu của mình nuôi mà ông Hoàng lại cứ bảo là tôi ăn trộm của ông ấy, nếu không giải quyết được rõ ràng, tôi cũng rất uất ức và mang tiếng lắm.Tôi cũng rất muốn mọi việc được sáng tỏ nhưng cách xác định nào ông Hoàng cũng không đồng ý thì tôi cũng chịu”.
Kết quả là đến nay đã gần hai năm nhưng vẫn chưa phân định được rõ ràng vì các cơ quan chức năng đã đều hết cách còn ông Hoàng thì vẫn không chịu thuyết phục và tiếp tục đi kiện.