Hai chiếc bình này là phiên bản cổ của chiếc bình nhỏ từ thế kỷ 9-18 có cách điệu hoa văn và đắp nổi phù điêu trên thân bình. Bình đực cao 1,84m, nặng 180kg, ngang 50cm. Thân bình được đắp nổi phù điêu vũ điệu Apsara (một vũ điệu đặc sắc và độc đáo của người Ấn Độ được người Chăm xưa vận dụng múa trong vương triều). Bình cái cao 1,96m, nặng 190kg, ngang 50cm, được đắp nổi điệu múa Biyền (múa Chàm Rông hay múa quạt).
Cặp bình gốm Chăm do họa sĩ Nhất Chi Lan thiết kế, kết hợp với các nghệ nhân làng gốm Bàu Trúc (Ninh Thuận) chế tác từ 14.4.2005 đến 10.6.2005 hoàn thành, gồm bình đực và bình cái.
Để làm hai chiếc bình này, các nghệ nhân đã sử dụng hơn 200kg đất sét pha cát. Đất sét được đập nhỏ, phơi khô, sau đó ngâm nước tạo độ dẻo cần thiết. Cát được sàng kỹ sau đó pha với đất sét theo một tỉ lệ nhất định. Điều đặc biệt là hai chiếc bình này được làm hoàn toàn bằng tay, từ lúc nhào đất cho đến lúc xoay bình để tạo dáng, quan trọng là phải đều tay để giữ được sự cân đối cho bình không bị vỡ. Họa sĩ Nhất Chi Lan đã nung thử nghiệm 5 lần với 10 chiếc bình bị vỡ mới thành công cặp bình gốm Chăm độc đáo này.
Ngày 14.10.2009, Công ty TNHH Gốm Chăm Pa đã phá kỷ lục này khi thực hiện cặp bình gốm Chăm có kích thước: bình đực cao 1,95m, đường kính nơi to nhất 54 cm, nặng 180kg. Bình cái cao 1,97m, đường kính nơi to nhất 57cm, nặng 200kg. Trên thân bình có 4 phù điêu mô tả các hoạt động sử dụng nhạc cụ và múa truyền thống của người Chăm, cùng một số hoa văn Chăm trang trí. Nguyên vật liệu để làm nên cặp bình là 420kg đất sét và cát.