KỲ QUẶC » Chuyện lạ Việt Nam

Nghĩa địa 'cắm' những cây đá khổng lồ độc nhất vô nhị VN

Thứ sáu, 17/02/2012 10:25

Đứng từ xa, những cây đá ở nghĩa địa Đống Thếch (Hòa Bình) đen thùi lũi như thể những quả bom khổng lồ rơi xuống cắm chổng ngược. Đến nay, người ta vẫn không hiểu vì sao người xưa lại lấy những tảng đá khổng lồ, nặng hàng tấn cắm ở nghĩa địa này.

Chìm giữa khung cảnh tĩnh mịch của khe núi cuối xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi, Hòa Bình) là một nghĩa địa cổ kỳ lạ, có một không hai ở Việt Nam. Riêng việc vận chuyển những khối đá từ Thanh Hóa ra, rồi dựng đứng những khối đá nặng hàng chục tấn, cao tới 5m, vững vàng mấy trăm năm qua tại đây, cũng là điều vô cùng thú vị với các nhà khảo cổ. 

Những cây đá ở nghĩa địa Đống Thếch (Hòa Bình) trông những tảng đá đen thùi lũi.

Ông Bùi Minh Lợi từng làm Trưởng ban văn hóa xã Vĩnh Đồng. Giờ về hưu, vẫn đau đáu với di sản của cha ông để lại, nên ông vẫn trông nom không công khu nghĩa địa của người xưa. Ông đạp chiếc xe lọc cọc dẫn tôi ra khu nghĩa địa rồi mở khóa cổng cho tôi vào.

Dù ông Lợi đã chứng kiến hàng chục cuộc khai quật khảo cổ lớn nhỏ, của cả các nhà khoa học trong và ngoài nước, song ông vẫn không biết được nhiều thông tin về khu mộ Đống Thếch này ngoài những truyền thuyết mà ông nghe kể lại từ tổ tiên.

Theo các cụ, khe núi Đống Thếch này có hình miệng rồng. Dãy núi hai bên có thế long cuốn hổ ngồi. Để giữ được cơ nghiệp của tổ tiên, nghe lời thầy địa lý, các vị quan lang xứ Mường Động rộng lớn đã táng tổ tiên vào thung lũng này.

Trải mấy trăm năm, khu mộ chìm vào quên lãng, rừng già bạt ngàn vây kín. Ngày ông Lợi còn bé, khu rừng lạnh lẽo, hoang vu, là nơi khỉ hót, hổ gầm, chẳng ai dám mon men lại gần. Người Mường tin rằng, đó là vùng đất của thần linh, ngoài các bà mỡi ra, chẳng ai dám vào.

Mỗi bản Mường thường có một bà mỡi, tương tự như thầy cúng. Các bà mỡi có quyền lực rất lớn và thờ vua Hùng. Vào ngày lễ, bà mỡi vào rừng mộ đá cúng bái và sau mỗi lần làm lễ ở khu mộ đá này, quyền năng của bà mỡi lại lớn hơn.

Ông Lợi dẫn tôi đến bên một cột đá cao đến 3m và chỉ tôi những dòng chữ Hán. Ông không đọc được thứ chữ này, nhưng ông có bản dịch mà ông chép lại từ các nhà nghiên cứu.

Khối đá có nội dung: Ông Đinh Công Kỷ, tước Uy lộc hầu, thổ tù kiêm cai quản vùng Mường Động. Sinh năm 1582, mất giờ Sửu, ngày 13 tháng 10 năm Đinh Hợi 1647. Khi chết được ban tước Chưởng vệ đề đốc uy quận công. Đến ngày 22 tháng 2 năm Canh Dần được đưa về huyệt trên núi bằng 15 xe tang, 7 con voi, 5 con ngựa...

Cột đá ghi thông tin về ông Đinh Công Kỷ.

Đọc mấy dòng chữ ghi trên khối đá mới thấy việc tang ma của ông chủ vùng Mường Động thật hoành tráng, chả khác gì bậc đế vương.

Không chỉ các quan lang, thổ ti được mai táng hoành tráng ở đây, mà cả con cái, các tì thiếp cũng được mai táng hoành tráng bên cạnh các quan lang.

Điều đặc biệt là khu mộ đá này vẫn còn tồn tại một khối đá lớn, chữ còn chữ mất, mô tả công việc táng các quan lại, thổ ti.

Nội dung văn bản này đại để nói rằng, khi quan lang hoặc trong gia tộc có người mất, thì cả Mường Động phải làm đại tang. Quan tài là khúc gỗ quý được khoét rỗng ruột. Tổ chức tang lễ xong thì mới đem chôn ở khu nghĩa địa Đống Thếch. Huyệt mộ được rải rất nhiều than gỗ trai, gạo rang để hút ẩm giữ xác chết được tồn tại lâu. Người chết cũng được chia của rất nhiều, gồm đồ vật như dao, kiếm, búa, rìu, đồ gốm, sành, thậm chí là vàng bạc, châu báu.

Công đoạn cầu kỳ nhất là vận chuyển đá xanh từ Thanh Hóa ra. Những chú voi lớn thực hiện công việc vận chuyển những khối đá khổng lồ này. Các nhà khoa học đã nghiên cứu những khối đá ở nghĩa địa này và thấy rõ đây là đá xanh, thứ không có ở Hòa Bình và các tỉnh lân cận, nhưng lại có ở vùng Thanh Hóa, Nghệ An. Loại đá xanh này được các nhà khoa học coi là thứ đá vĩnh cửu, bởi độ bền cực tốt. Vậy nên trải mấy trăm năm, những tảng đá phơi mưa nắng, những nét khắc mỏng manh vẫn nguyên vẹn.

Vận chuyển đá ra Hòa Bình rồi, những người thợ sẽ làm công việc đẽo gọt, chạm trổ. Điều thú vị là những khối đá này không được tạo tác cầu kỳ. Người xưa cố giữ vẻ tự nhiên cho những khối đá. Họ chọn một vị trí tương đối phẳng để khắc thông tin người nằm dưới mộ.

Mỗi ngôi mộ được quây bởi 6 khối đá. 3 khối đá lớn được cắm thành hàng phía trước mộ, 3 khối nhỏ hơn cắm đối xứng phía sau mộ. Riêng việc vận chuyển những khối đá từ Thanh Hóa ra, rồi dựng đứng những khối đá nặng hàng chục tấn, cao tới 5m, vững vàng mấy trăm năm qua, cũng là điều vô cùng thú vị với các nhà khảo cổ.

Còn nhiều thứ mà các nhà khoa học vẫn chưa giải mã được ở khu mộ cổ kỳ bí này. Chẳng hạn như, trên các tấm bia đều ghi rõ ngày tháng năm người nằm dưới mộ mất và ngày an táng. Nhưng kỳ lạ ở chỗ, ngày mất và ngày an táng lại cách nhau rất xa, thậm chí là 4-5 năm.

Theo các cụ già người Mường, thì xưa kia, khi quan lại, thổ ti người Mường chết, gia đình sẽ không đem chôn ngay, mà đặt xác vào trong quan tài bằng khúc gỗ khoét rỗng.

Người xưa có thuật ướp xác bằng các loại thuốc bí truyền. Họ cứ để người chết và quan tài trong nhà và cúng tế hằng ngày. Khi nào thầy mo bảo linh hồn người chết đã siêu thoát về thế giới bên kia, thì lễ an táng mới được tổ chức.

Truyền thuyết bản địa kể rằng, người vợ thứ ba của vua Hùng giận chồng đã bỏ kinh đô dắt theo hai người con lên vùng Mường Động khai hoang lập ấp, tạo nên vùng đất trù phú. Sau khi ba mẹ con mất hóa thành 3 ngọn núi dáng rồng chầu và cùng hướng về kinh đô.

Hằng năm, vào ngày tết, các bản Mường dắt trâu, bò lên núi, nơi có rừng mộ đá mổ thịt cúng vua Hùng. Nhưng sau giải phóng, tục lệ này cũng không còn. 

Còn tiếp…

VTC