KỲ QUẶC » Chuyện lạ Việt Nam

Những làng, xã bí ẩn nhất Việt Nam

Thứ hai, 28/01/2013 09:55

Có xã "không cười", lại có ngôi làng toàn nói tiếng kỳ lạ...

1. Xã "không cười" vì cứ 30 tuổi là... móm

Đó là xã Trạm tấu, huyện Trạm Tấu, Yên Bái. Cứ đến 30 tuổi, nhiều người trong xã bị rụng hết cả hàm răng. Một số người có tiền thì lắp răng giả, không thì chịu cảnh bị móm. Những người phụ nữ Mông sống ở đây rất duyên dáng và xinh đẹp nhưng ít khi cười và giao tiếp với người lạ vì... không có răng.

Chị Vàng Thị Rủ (31 tuổi) chỉ còn 4 chiếc răng ở hàm dưới. Mâm cơm nhà chị ngoài nồi cơm còn có một bát cháo. Do bị rụng răng nên chị Rủ phải dùng cháo thay cơm. Đến giờ, chị vẫn không hiểu mình và các chị em ở đây vì sao bị rụng răng.

Chị Vàng Thị Rủ chỉ còn 4 chiếc răng ở hàm dưới.

Chị Vàng Thị Xa, người bán nước ở chợ huyện cho biết, những phụ nữ có tiền trồng răng giả mới dám cười tươi. Còn những người khác khi cười phải lấy tay che miệng. Nhiều người đàn ông xã Trạm Tấu cũng phải làm lụng vất vả để có tiền giúp vợ lắp răng giả.

Phụ nữ Trạm Tấu giờ phải trồng răng giả.

Người dân xã Trạm Tấu vẫn chưa biết nguyên nhân vì đâu phụ nữ ở đây mắc bệnh rụng răng sớm như vậy. Ông Giàng Văn Vang, chủ tịch Hội người cao tuổi xã Trạm Tấu cho biết: “Khi lên trạm xá, bác sĩ cho biết, nguyên nhân chủ yếu gây nên loại viêm lợi dẫn đến rụng răng chính là các mảng bám trên răng. Nguyên nhân gây rụng răng có thể do phụ nữ nơi đây ít quan tâm tới vệ sinh răng miệng. Khi các mảng bám không được thường xuyên làm sạch, vi khuẩn sẽ tấn công đến tận chân răng và gây ra viêm lợi”.

2. Bến Tre: Xã có gia tộc 24 ngón chân, tay

Những người trong gia tộc của ông Võ Văn Cống ở huyện Chợ Lách, xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre đều có nhiều ngón hơn người bình thường. Chuyện thừa ngón của gia tộc ông Võ Văn Cống có từ lâu đời, di truyền qua nhiều thế hệ, cả con trai, con gái đều thừa ngón.

Ông ngoại của ông có 24 ngón, còn bà ngoại tay chân bình thường, họ sinh hơn chục người con nhưng chỉ có mẹ của ông Cống là 24 ngón. Gia đình ông Cống có 9 anh em trai, trong đó chỉ có người thứ 3 là Võ Văn Chẩn và người thứ 9 - Võ Văn Cống là có 24 ngón. Ông Chẩn năm nay đã 85 tuổi, có một người con và một đứa cháu thừa ngón giống như ông.

Ông Cống có tổng cộng 12 người con, trong đó có đến 4 người có 24 ngón. Đó là cô con gái thứ 2, con trai thứ 6, con trai thứ 7 và con gái thứ 9 .

Khi cô con gái thứ 2 lấy chồng, lại sinh ra đứa con gái có 24 ngón. Còn anh con trai thứ 6 sinh được hai đứa con: một trai, một gái, nhưng chỉ có đứa con trai có 24 ngón. Chỉ tính từ đời ông ngoại của ông Cống đến giờ, gia tộc này có 14 người có 24 ngón tay, chân.

3. Ngôi làng nói thứ tiếng kỳ lạ ở Hà Nội

Đó là làng Đa Chất (Đại Xuyên, Phú Xuyên) nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 40km. Người lạ đến đây phải có phiên dịch vì người dân sử dụng một ngôn ngữ riêng để trao đổi với nhau. Khi phóng viên đi đến đây cùng một người gốc của làng thì bắt gặp ông Nguyễn Văn Đoàn, năm nay 73 tuổi. Ông Đoàn hỏi: "Mỗ khái, mỗ lõng ngoại?" (có nghĩa là "Cậu từ thành phố hay người làng khác đến?").

Đường vào xã Đại Xuyên - nơi có làng Đa Chất.

Ông Nguyễn Văn Đoàn cho biết, lệ tục của làng nó vậy. Gặp người làng đầu tiên là phải dùng thứ ngôn ngữ này để trao đổi với nhau không. Lệ làng quy định tất cả những người sinh ra ở Đa Chất đều phải học thứ tiếng này.

Ngôn ngữ lạ mà người Đa Chất đang dùng này vô cùng phong phú và rất ít vay mượn từ ngữ của nơi khác. Ngoài sự phong phú về vốn từ vựng, thứ ngôn ngữ này của người Đa Chất rất giàu biểu cảm. Từ ngữ và cách sử dụng của họ cũng hết sức hình tượng. Một số từ kỳ lạ ở đây như: xấn vụ (đóng cối), xấn đìa (làm ruộng), xấn bệt (làm nhà), bệt choáng (nhà đẹp), sưỡn mỗ (ô tô), sưỡn trì (tàu thuỷ), sưỡn xì thiên (máy bay)... Hệ số đếm của làng cũng được hình thành với những cách đếm riêng: nhất (một), nhị (hai), thâm (ba), chớ (bốn), dâu (năm)... mười là lạp. Lái Lạp (hai mươi), thâm lạp (ba mươi)… bích (một trăm), bích rộng (một nghìn)...

Vì theo lệ quy định nên người Đa Chất rất có chủ định về việc bảo lưu thứ ngôn ngữ này. Làng quy định chỉ truyền cho những người thuộc làng mình.

4. Vùng đất "trường thọ" tại Việt Nam

Đó là xã Hữu Lập, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An. Ở đây có rất nhiều các cụ ông, cụ bà sống trên trăm tuổi, nhưng vẫn có sức khỏe bền bỉ, dẻo dai đến kỳ lạ. Toàn xã có hơn 200 người trên 60 tuổi, trong đó có gần 20 người trên 100 tuổi. Tuy nhiên, đây chỉ là số liệu cũ và chưa đầy đủ, đến nay, số người trên trăm tuổi còn nhiều hơn.

"Bà tiên" của làng

Cụ Lò Thị Quảng, năm nay cụ đã 107 tuổi, sinh được 4 người con, con út của cụ năm nay cũng đã 73 tuổi. Cách nhà cụ Quảng không xa là nhà cụ Lữ Thị Thìn năm nay cụ đã 113 tuổi nhưng vẫn còn còn minh mẫn, từng lời nói rõ ràng, mạch lạc. Mặc dù tuổi đã cao nhưng cụ vẫn thường xuyên đi chơi bên nhà hàng xóm, vẫn tự chăm sóc được cho bản thân, trí nhớ tốt.

Các cụ già ở đây không những sống lâu mà còn sống khỏe. Vợ chồng cụ Lữ Văn Kim (89 tuổi) hàng ngày vẫn cuốc đất, trồng cây, chăn nuôi gia cầm, gia súc. Dáng người cụ Kim cao, gầy, hàm răng còn nguyên, chắc khỏe, tóc vuốt ngược, da dẻ hồng hào, chân tay cơ bắp săn chắc. Theo ông Lộc Văn Minh thì ở xã Hữu Lập còn có cụ Lữ Phia Khăm 111 tuổi), cụ Lương Thị Hoan (109 tuổi), cụ Lò Văn Bình (101 tuổi), cụ Lương Thị Bún (114 tuổi), cụ Lương Thị La(113 tuổi), cụ Vi Thị Tương (113 tuổi)... Những người 80 - 90 tuổi thì đếm không hết. Điều đặc biệt là mọi người đều khỏe mạnh, tinh tường.  Chưa có một nghiên cứu khoa học nào chứng minh vì sao xã Hữu Lập lại nhiều người sống thọ và khỏe mạnh như vậy. Ông Vi Thái Dương, chủ tịch xã cho biết: Toàn xã có 2.538 khẩu, chủ yếu là dân tộc Khơ Múvà dân tộc Thái, ngoài ra, ở đây còn có một bộ phận người Kinh sinh sống. Ông Dương cho biết, hiện nay xã vẫn chưa thống kê được số người sống cao tuổi ở đây, chỉ biết rằng, toàn xã có gần 20 cụ được hưởng trợ cấp trên 100 tuổi.

5. Xã với những bàn tay 6 ngón

Đó là ở các xã Thanh Tùng, Thanh Khai, Xuân Tường, huyện Thanh Chương, Nghệ An. Người dân nơi đây gọi đó là bệnh “trết”, người mang bệnh mọc thêm ngón tay thứ 6, hay các ngón tay dính liền với nhau bằng lớp màng như chân vịt.

Nhà ông Võ Văn Minh, ở xóm Minh Sơn có 6 người thì có đến 4 người bị bệnh. Ông Minh mang bệnh, sinh ra 4 người con thì tới 3 người cũng mang bệnh. Từ lúc sinh ra, ở ngón tay út của em Võ Quốc Nhật (con ông Võ Văn Minh) và các anh đều có hai cục thịt thừa, lớn lên hai cục thịt đó phát triển như hai ngón tay thu nhỏ.

Những bàn tay thừa ngón.

Các ngón tay thu nhỏ này vẫn có cảm giác bình thường như những ngón tay khác. Bà Phan Thị Thu, mẹ em Võ Quốc Nhật cho biết, thông thường người có quan hệ huyết thống đều dễ bị mang bệnh “trết”. Ở xóm Minh Sơn có hơn 50 người mang bệnh “trết”, nhiều nhất là dòng họ Nguyễn Đình, dòng họ Bùi (xã Thanh Tùng) và dòng họ Phan (xã Xuân Tường).

TTVN