Người phụ nữ có mái tóc dài nhất nước
Mỗi khi đến viếng chùa Huệ Phước, ấp 4, xã Bình Thành, huyện Giồng Trôm, bà con Phật tử, du khách đều ngạc nhiên khi gặp một bà lão có mái tóc dài gấp 3 lần chiều dài cơ thể. Đó chính là bà Nguyễn Thị Định (76 tuổi) mà dân địa phương thường gọi là "cô Tư tóc dài" - người gắn bó cả cuộc đời với ngôi cổ tự này.
Bà Định kể: Bà sinh ra trong một gia đình rất nghèo. Vừa lọt lòng mẹ là bị chứng bệnh “ban cua”, bị bại liệt một chân và bày tay trái bị co quắp. Cũng như nhiều cô gái làng quê nghèo, bà phải lao động vất vả để mưu sinh. Đến năm 19 tuổi thì bỗng dưng bà phát hiện mái tóc của mình dài ra. Và mỗi khi tắm gội hay cắt tỉa bớt, bà đều bị bệnh nặng. Do đó, càng ngày mái tóc người phụ nữ này ngày càng dài.
Đến nay, mái tóc bà Định đã dài 5,3m. Đây là người phụ nữ có mái tóc dài nhất Việt Nam hiện nay. Điều rất lạ là mái tóc này không bình thường như bao phụ nữ tóc dài của xứ dừa Bến Tre. Những sợi tóc có màu ngà và xoắn cuộn lại với nhau giống như bó rơm mà nông dân kết lại để đốt đồng.
Từ khi mái tóc biến dạng, bà cảm thấy nếp sinh hoạt ăn uống của mình cũng chuyển biến lạ. Bà không còn ăn thịt, cá… nữa mà chỉ ăn chay (ăn, rau, củ, quả) và chỉ ăn “ngọ” - tức là một ngày ăn một lần lúc 12 giờ trưa. Từ đó bà đành phải gửi thân nơi cửa Phật. Đối với mái tóc quá dài, bà Định đã nhờ thợ may một cái túi vải dài như chiều dài của mái tóc để bao bọc lại và quấn quanh mình. Theo bà Nguyễn Thị Định, thì mái tóc quá dài này lúc đầu gây khó khăn cho sinh hoạt, đi lại nhưng dần dần cũng quen. Tối đến, bà cuộn mái tóc lại làm gối kê đầu để ngủ. Rất lạ là gần 60 năm năm qua, mái tóc này được giữ kín trong túi vải quấn theo người. Mỗi khi tắm gội, bà phải treo tóc lên. Bà cho biết, tóc chạm nước thì sẽ bị bệnh ngay. Tuy vậy mái tóc này vẫn óng mượt, không có mùi hôi hay các con côn trùng đeo bám. Gần đây do bà Định không ăn được cơm, cháo mà chỉ ăn một ít rau, củ, quả vào buổi trưa nên sức khỏe bà suy yếu. Theo phỏng đoán của chúng tôi, bà Nguyễn Thị Định nặng khoảng 30 kg; trong đó mái tóc nặng hơn 10 kg. Ở tuổi gần 80 nhưng làn da của người phụ nữ này vẫn còn hồng hào, nét mặt rạng rỡ. Từ ngày có “cô Tư tóc dài”, ngôi cổ tự này thu hút đông đảo khách tham quan. Theo Đại đức Thích Trí Đức, trụ trì chùa Huệ Phước, khách đến thăm chùa nhiều nhất vào tháng giêng, tháng 2 âm lịch hàng năm, lúc cao điểm lên đến 400 - 500 khách/ngày. Vào mỗi dịp cuối tuần các tháng còn lại trong năm, con số này cũng khoảng trên dưới 200 người. Thời gian qua, bà Định sống nhờ vào số tiền mà bà con Phật tử, khách du lịch đến tham quan tặng. Mới đây, một Việt Kiều Mỹ còn mua tặng bà một chiếc xe lăn (chạy bằng điện) để bà di chuyển thuận lợi trong sinh hoạt.
Bà lão tóc dài 99 tuổi sống lại sau 7 ngày ngưng thở
Đến ấp 1 xã Hưng Nhượng (huyện Giồng Trôm) chúng tôi hỏi bà “Tư Miễu” thì mọi người dân đều biết. Bởi bà lão này cao tuổi, tóc dài và có nhiều giai thoại lạ. Bà tên là Phạm Thị Tưởng, có mái tóc dài 3,5m. Bà Tưởng hiện sống cùng một người em dâu tuổi đã lục tuần trong một cái miếu do bà con địa phương góp kính phí xây dựng. Dù đã 99 tuổi nhưng hiện nay bà vẫn đi lại bình thường, tinh thần minh mẫn. Tiếp chúng tôi, bà nhớ hết mọi chuyện từ thời thơ ấu đến ngày nay. Bà cho hay, bà với bà Nguyễn Thị Định (tóc dài 5,3m) là bà con cô cậu ruột. Khi lên 10 tuổi là mái tóc bà dài ra và xoắn lọn lại. Bà nghĩ mái tóc là “trời cho” nên dù có gây “rắc rối” trong sinh hoạt nên cố chịu. Thời con gái bà lao động rất hăng say, nhất là đi cấy lúa, hát hò rất giỏi được nhiều thanh niên yêu thích. Rất lạ là mỗi lần ra đường bị đàn ông “trêu chọc” là về nhà bà bị bệnh nằm liệt giường, nên không thể lập gia đình. Từ khi ra đời, bà đều không thể bú sữa mẹ mà chỉ uống được nước cơm chín và nước đường. Lớn lên bà chỉ ăn được cơm chay và ăn rất ít. Gần 90 năm qua, người phụ nữ này không thể tắm gội vì khi tắm gội tóc ướt sẽ bị bệnh. Tuy vậy sức khỏe bà rất tốt, chưa hề bị bệnh gì. Dù mái tóc dài đi lại bất tiện, nhưng bà đã cùng bà Định đã được “mạnh thường quân” đưa đi ra đến Hà Nội, thăm Lăng Bác và viếng các ngôi chùa tại thủ đô.
Bà rất vui và cho rằng: “Bí quyết để sống thọ là tôi ăn nhiều thực vật, nhất là các loại rau quả tự nhiên và vui vẻ với mọi người. Gia đình tôi có 3 anh em là liệt sĩ thời kháng chiến chống Mỹ. Thời gian qua chính quyền, đoàn thể rất quan đến đời sống, thường xuyên đến thăm, tặng quà chúc thọ... nhờ vậy mà tôi có niềm vui sống thêm vài năm nữa”. Ông Phạm Văn Lâm, cháu họi bà Tưởng bằng cô ruột chia sẻ: “Cô Tư thời con gái rất đẹp, nết na. Cuộc đời của cô có nhiều giai thoại rất lạ. Khi cha tôi còn sống kể rằng, lên 9 tuổi có một lần cô bị bệnh hôn mê, cô trăng trối với ông bà nội là giấc ngủ này con sẽ đi lên trời. Nếu qua 7 ngày mà con không tỉnh dậy thì coi như con không trở lại, nên an táng xác con. Sau đó cô nhắm mắt thiếp đi và quả tim ngừng đập. Lạ kỳ đến ngày thứ 7 thì cô mở mắt ra, cơ thể từ từ cử động. Gia đình rất mừng và cho uống nước đường rồi cô tỉnh lại...”. Mấy chục năm qua, tuổi cao sức khỏe có suy yếu, bà lão này không ăn được cơm mà chỉ ăn rau, củ quả, mì gói… Sống trong căn miếu khá khang trang, bà Phạm Thị Tưởng hằng ngày lo tu niệm và luôn khuyên dạy con cháu nên “ăn hiền ở lành” làm việc thiện để giúp người. Tại huyện Giồng Trôm còn nhiều phụ nữ cao tuổi có mái tóc dài “lạ kỳ”. Tại ấp 3 xã Bình Thành có bà Năm Cẩn và ấp 5 có bà Sáu Ngói cũng là những phụ nữ có mái tóc dài trên 3m. Hai người phụ nữ đều có gia đình, có con cái. Tuy nhiên hai vị này cũng chỉ có thể ăn “chay trường” để sống. Riêng bà Sáu Ngói thì đang sống một mình trong một Tịnh xá. Chúng tôi rất ngạc nhiên khi những bà lão tóc dài ở Bến Tre đều có điểm chung là không thể dùng động vật làm thức ăn mà chỉ ăn duy nhất thực vật. Đặc biệt mái tóc phải dấu kín trong bao vải và không được tắm gội. Tuy vậy sức khỏe các bà vẫn tốt, sống trường thọ. Để có những bức ảnh này chúng tôi phải chụp lén vì các bà cho rằng chụp ảnh đăng lên đài, báo sẽ bị bệnh… Các bà lão tóc dài này có cùng cảnh ngộ và lối sống như nhau nên rất thân thiết với nhau. Trong đó và Phạm Thị Tưởng do tuổi cao nhất nên được suy tôn là “sư tỷ”. Mỗi tháng các lão thường gặp mặt nhau thăm hỏi sức khỏe, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn và động viên nhau vượt qua khó khăn, sống vui, sống khỏe.