Dùng quyền thế “cướp vợ” cho con trai
Tục “kéo vợ” mà ta hay gọi là cướp vợ, cướp dâu là nét riêng, độc đáo trong hôn nhân của người H’Mông ở Hà Giang mà ngày nay vẫn còn giữ được. Tuy nhiên, trước đây, tục cướp vợ của người H’Mông có những điểm không giống hiện giờ.
Hàng năm, thường cứ khi Tết đến, xuân về là các thanh niên nam nữ H’Mông sẽ có cơ hội gặp gỡ, tìm hiểu nhau qua các phiên chợ cuối năm, hội hè... Khi đôi trai gái đã ưng ý và thề nguyền đi đến hôn nhân thì họ sẽ về thưa chuyện với bố mẹ và dòng họ. Nếu mọi chuyện suôn sẻ thì nhà trai sẽ mời ông mối sang đánh tiếng dạm hỏi, rồi tiến tới lễ ăn hỏi và cuối cùng là tổ chức lễ cưới.
Thế nhưng, cũng có những đôi trai gái yêu nhau tha thiết nhưng vấp phải sự cấm cản của gia đình. Khi cha mẹ đã không đồng ý mà đôi trai gái tự tìm đến sống với nhau thì không những bị coi là bất hiếu mà cuộc hôn nhân đó còn không được cộng đồng chấp nhận. Tục “kéo vợ” được xem như giải pháp “hữu hiệu” để “hợp lý hóa” cuộc hôn nhân giữa hai người yêu nhau bị gia đình cấm cản.
Người H’Mông quan niệm, con gái đã bị người ta dùng gà trống làm lễ nhập nhà rồi thì có bỏ về bố mẹ đẻ cũng không thể chấp nhận được vì cô ta đã trở thành người của nhà khác, khi chết cũng là ma nhà khác rồi. Gia đình nhà cô gái khi đó dù có không ưng ý thì cũng không còn cách nào khác. Thay vào đó, gia đình nhà gái phạt chàng trai bằng việc đòi lễ cao hơn bình thường.
Với người H’Mông, khi quyết định “kéo vợ” thì nhà trai thường xác định trước là sẽ bị nhà gái phạt, nhà gái đòi bao nhiêu thì phải trả bấy nhiêu để tránh sự chê cười của làng xóm. Cũng chính vì vậy, mà không phải gia đình nào cũng có thể dùng tục “kéo vợ” cho con trai. Những gia đình muốn dùng tục “kéo vợ” thường phải là những gia đình, dòng họ tương đối khá giả thì mới có thể đáp ứng nhu cầu khi nhà gái phạt. Đã có không ít gia đình phải mất vài ba năm mới có thể trả hết lệ phạt mà nhà gái đặt ra.
Trước đây, tục “kéo vợ” của người H’Mông còn được thực hiện trong hoàn cảnh, người con trai thích người con gái nhưng người con gái lại từ chối, gia đình người con trai dùng quyền thế “cướp vợ” cho con trai. Trường hợp này chỉ xảy ra trước kia, dưới thời xã hội phong kiến.
Tục cướp vợ của người Kinh
Trước đây, một số làng thuộc huyện Ðông Anh, ngoại thành Hà Nội cũng thường tổ chức tục cướp vợ rất đặc biệt. Vào dịp lễ xướng, dân làng chọn một cô gái xinh đẹp, dịu dàng, chăm chỉ và một chàng trai khỏe mạnh, chịu khó. Cô gái ra làng ở, nằm mộng 7 ngày 7 đêm. Chàng trai nấp dưới bụi khoai nước bờ ao. Khi lễ hội được diễn ra, cô gái cất tiếng hát: Tao có chiếc yếm lưỡi cày/Chẳng để cho mày thì để cho ai.
Tiếng hát vừa dứt chàng trai vọt lên bờ vác cô gái chạy đi, theo sau là tiếng hò reo, đuổi, ném đất dẻo, bắn cung bằng thân dâu của dân làng. Nếu chàng đưa cô gái sang bờ bên kia an toàn thì năm ấy dân làng làm ăn thịnh vượng, được mùa, trẻ em mau lớn.
Tục cướp vợ của người Kinh mang tính chất cộng đồng, làng xóm, phản ánh tâm tư, tình cảm của con người về một năm thuận lợi, mùa màng bội thu. Hiện nay, tục lệ này không còn nữa.
Trai Thái phải ở rể 3 năm
Ngày trước, con trai người Thái phải trải qua một thời gian ở rể kéo dài từ 3 năm trở lên. Đây là một thử thách rất lớn, nếu vượt qua mới được công nhận là con rể và được đón dâu về nhà mình.
Trong thời gian ấy, chàng trai không chỉ phải chăm chỉ lao động, đối xử tốt với mọi người bên gia đình vợ tương lai và bà con trong bản, mà còn phải nhất mực thủy chung và giữ một tình cảm trong sáng, lành mạnh với người mình yêu theo kiểu “nam nữ thụ thụ bất thân”. Chàng trai nào lười nhác hoặc không kiềm chế được lửa lòng, nhẹ thì bị phạt hoặc tăng thời gian ở rể, nặng thì bị đuổi về và bị cộng đồng chê cười.
Sau khoảng thời gian đó, hai bên gia đình sẽ nhờ bà mối tiến hành nghi lễ "sú phả" - chung chăn gối. Vào ngày tốt, giờ đẹp, bà mối của bên nhà trai và bà mối của bên nhà gái cùng người đại diện của hai họ trải đệm ở buồng cô gái. Sau đó lấy chiếc áo mới chưa mặc của cô dâu trải lên đệm ngửa hàng cúc lên trên, đặt áo của chàng rể còn mới chưa mặc lên trên áo của cô dâu úp hàng cúc xuống, vắt tay áo như đang ôm nhau rồi đắp chăn lên như hai người đang nằm, bốn người cầm bốn góc màn căng lên. Các bà mối hát, còn gia đình thì làm cơm cúng. Sau nghi lễ, hai người mới chính thức trở thành vợ chồng.
Tục “sú phả” ẩn chứa khát vọng một cuộc sống gia đình hạnh phúc từ bao đời được các thế hệ trân trọng, nâng niu. Tuy nhiên, ngày nay, đám cưới của người Thái Mường Lò đã lược bỏ bớt những hủ tục, trai gái được tự do hôn nhân.
Gái Chu Ru “bắt chồng” bằng 3 chiếc khăn thổ cẩm
Theo tục lệ người Chu Ru ở Tây Nguyên, con gái là người làm chủ gia đình, còn con trai trở thành con dâu nhà người ta. Vì vậy, người Chu Ru thường quý trọng con gái hơn con trai. Bước vào tuổi 14-15, con gái người Chu Ru chỉ cần ưng chàng trai nào thì sẽ nhờ người đến nhà trai hỏi rồi bắt về làm chồng.
Tục bắt chồng của người Chu Ru vẫn còn tồn tại đến ngày nay, nhưng phần nào bị kinh tế chi phối, con gái Chu Ru nay đi bắt chồng tốn kém khá nhiều chi phí. Khi người con trai đã đồng ý nhận lời cầu hôn của nhà gái thì riêng của cưới để mang sang cho nhà trai cũng phải tốn vài cây vàng. Đó là chưa kể đến tiền chi phí làm lễ tiệc chiêu đãi khách khứa, thân tộc trong đám ăn hỏi, đám cưới của cả hai bên gia đình.
Hiện nay, tục bắt chồng của người Chu Ru bị biến tướng, họ nhà trai thường đòi rất nhiều lễ vật từ phía nhà gái, do vậy nhiều người con gái không có khả năng bắt được chồng.
Theo người dân nơi đây kể lại, ngày xưa, người con gái Chu Ru không có tiền để bắt chồng thì chỉ cần tự dệt 3 chiếc khăn thổ cẩm màu trắng, hồng, chàm sẫm, độ rộng 80 cm, dài khoảng 3 mét để mang sang nhà trai dạm hỏi. Chọn một đêm thiêng, cô gái cùng khoảng 10 người trong thân tộc lặng lẽ mang lễ sang nhà chàng trai và thế là bắt được chồng.