Xác ướp vua Lê Dụ Tông được khai quật năm 1964 tại Thọ Xuân, Thanh Hóa. Điều kỳ lạ là xác ướp tuy chuyển sang màu đen nhưng còn nguyên vẹn và các khớp xương vẫn có thể co duỗi mềm mại. Xác ướp có một lớp dầu thơm hé lộ kỹ thuật ướp xác điêu luyện của người Việt không kém gì so với thế giới xác ướp Ai Cập.
Các chuyên gia cho rằng, dầu thông đã được đổ nhiều vào trong quan tài nên khi mở ra thấy chăn bông, vải niệm, áo mặc, giấy bản đẫm dầu và mỡ. Chính loại dầu thân mộc này là một yếu tố quan trọng góp phần bảo quản được xác vua Lê Dụ Tông.
Còn đây là xác ướp bà Nguyễn Thị Hiệu tại Sài Gòn, được tin là hoàng thân quốc thích với vua Gia Long. Trải qua hơn 200 năm, xác ướp vẫn vẹn nguyên và mái tóc chỉ hơi chớm bạc vẫn còn chớm vai.
Các chuyên gia giải phẫu vô cùng ngạc nhiên trước các khớp xương của xác ướp bà Nguyễn Thị Hiệu trải hàng trăm năm vẫn vận động co duỗi rất linh hoạt. Đặc biệt bên cạnh xác ướp còn có đôi hài được đục 7 lỗ theo chòm sao Đại Hùng tinh Bắc Đẩu được tin là sẽ bảo vệ vong linh người đã chết thoát khỏi các tai ương của “đời sống dưới cõi âm”.
Cách đây 9 năm, vào tháng 4/2005, tại ngay vườn đào Nhật Tân, Hà Nội, một ngôi mộ cổ được khai quật và phát hiện một xác ướp bên trong quan tài còn nguyên vẹn được bọc trong nhiều lớp vải và ngâm dầu thơm. Theo nhận định của các nhà khảo cổ, đây là một trong số ít mộ có xác ướp và nhiều hiện vật còn nguyên vẹn ở miền Bắc Việt Nam.
Trong số những xác ướp kỳ bí ở Việt Nam, còn có những xác ướp của hai vị thiền sư nổi tiếng là Vũ Khắc Trường và Vũ Khắc Minh. Theo dân gian kể lại thì hai thiền sư không ăn, không ngủ suốt 100 ngày và hóa thành xá lợi bất hoại và nhục thân như hiện tại.
Qua chụp X-quang, các chuyên gia nhận ra một điều kỳ lạ của xác ướp các thiền sư hoàn toàn khác với xác ướp Ai Cập, khi các nội tạng vẫn còn nguyên vẹn bên trong cơ thể.
Mới đây nhất, một xác ướp vừa mới được khai quật tại xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội. Theo phân tích ban đầu xác ướp này được chứa trong quách có lớp hương thơm rất kỳ lạ.