Nếu chẳng may ăn nhầm thức ăn này, trứng đỉa sẽ theo thức ăn vào bụng, nở thành ổ cắn nát nội tạng mà không có thuốc nào chữa được.
Thông tin này đã thu hút hơn 22.447 lượt người chia sẻ trên facebook.
Trên diễn đàn webtretho, bạn đọc binhthuongthoi774 cho rằng từng có nhiều trường hợp ở Việt Nam, đỉa trâu ký sinh vào trong cơ thể, thậm chí đỉa trâu chui vào phổi, phế quản người qua con đường ăn uống và bệnh nhân phải nhập viện. Đỉa chui vào miệng thường bám vào niêm mạc họng, xuống thanh quản, khí quản, thực quản nhưng cũng có khi chui tận phế quản.
Trong khi đó, bạn Khanhle2012 trên diễn đàn vozForums lại phản bác thông tin trên vì “Đĩa làm gì có trứng mà cấy, đỉa chỉ sinh sôi đĩa con khi chúng chết, máu của nó hóa ra đĩa con. Chúng sẽ không sinh sôi trong môi trường nước 100 độ C hoặc trong môi trường vôi tôi!”.
Trả lời phóng viên chúng tôi, lương y Vũ Quốc Trung (Hà Nội) cho biết đây chỉ là thông tin nhảm nhí bởi con đỉa cũng như trứng đỉa không thế sống và sinh sản trong môi trường dạ dày có nhiều axít. Trứng đỉa hay đỉa sẽ dễ dàng bị đào thải qua đường tiêu hóa như các loại thức ăn khác.
Theo lương y Trung, đỉa cũng là một vị thuốc. Từ hàng nghìn năm trước, người ta đã biết dùng đỉa để trị bệnh. Lợi dụng tính chất hút máu của đỉa, người ta đã dùng đỉa chích, hút máu trong những trường hợp viêm tấy ở mặt, miệng, những mụn nhọt đã mưng nhiều mủ...
Trong y học ngày nay, người ta cũng sử dụng những con đỉa sạch để hút máu ở những bộ phận cơ thể bị ứ huyết hoặc các ổ áp xe của phủ tạng hoặc khi cấy mô trong phẫu thuật tái tạo. Bên cạnh đó, trong tuyến nước bọt của loài hút máu này chứa chất chống viêm sưng, chống đông máu nên con đỉa còn được dùng làm nguyên liệu chế thuốc chống tắc mạch máu do cục máu đông, chống tụ máu vết thương, tụ máu trong nội tạng.
Khi bị con đỉa bám vào người rất khó lôi ra nhưng chỉ cần lấy chút nước bọt vào đầu ngón tay rồi dí vào đầu đỉa là nó nhả ra ngay. Đỉa sống rất dai nhưng khi dùng vôi hoặc muối thả con đỉa vào, nó sẽ ứa máu và giãy giụa mạnh đến chết.