KỲ QUẶC » Chuyện lạ Việt Nam

Sửng sốt loài ếch hót như… chim ở Nghệ An

Thứ sáu, 16/12/2011 12:33

Nếu bạn nghe thấy tiếng hót khi đang bước đi dưới những tán rừng ở vùng núi cao Pù Hoạt, rất có thể bạn đang được thưởng thức giọng ca của… một loài ếch.

Cách đây ít ngày, các nhà khoa học người Australia đã công bố phát hiện ra một loài ếch cây mới ở độ cao từ 600-1.300m tại khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt (Nghệ An). Chúng được đặt tên là “ếch cây Quang” (Quang's tree frog), với pháp danh khoa học là Gracixalus quangi.

Khác với các loài ếch mới từng được phát hiện trước đó, loài ếch này đã làm các chuyên gia ngạc nhiên với tiếng kêu rất phức tạp, đa dạng và tương tự như tiếng chim hót.

Ếch cây Quang, loài ếch mới được phát hiện ở Nghệ An.

Jodi Rowley chuyên gia nghiên cứu về ếch Đông Nam Á của Bảo tàng Australia, người đã trực tiếp ghi hình ếch cây Quang phát biểu: "Loài ếch này có tiếng kêu rất đa dạng. Chúng không lặp đi lặp lại một tiếng kêu mà có nhiều kiểu kêu khác nhau. Sự thực là không có tiếng kêu nào hoàn toàn trùng lặp vì mỗi con ếch lại kết hợp nhiều kiểu kêu một cách ngẫu nhiên. Đó là tiếng kêu phức tạp nhất của loài ếch mà tôi từng nghe, và nó gần với tiếng chim hót hơn là tiếng kêu của ếch”.

Ếch cây Quang thuộc một họ ếch gồm trên 300 loài. Một vài loài trong họ này cũng phát triển một cách tiếp giao tiếp phức tạp hơn, mặc dù không phức tạp như ếch cây Quang.

Thông thường Mỗi loài ếch chỉ có một kiểu kêu nhất định, lặp đi lặp lại. Đó là cách để con đực thu hút con cái. Nhưng ếch cây Quang lại là một ngoại lệ, và các nhà nghiên cứu vẫn chưa rõ vì sao loài ếch này lại tạo ra nhiều loại âm thanh như vậy. Theo một suy đoán, ngoài những tiếng kêu để “dụ dỗ” con cái, có thể chúng có một số tiếng kêu chuyên dùng cho giao tiếp giữa những con đực với nhau,

Số lượng của ếch cây Quang chưa được xác định nên các nhà khoa học chưa chắc chắn loài ếch mới này có bị đe dọa hay không. Đây là một trong rất nhiều trường hợp các loài ếch Đông Nam Á được liệt kê trong danh mục “Thiếu dữ liệu” theo phân loại của Sách Đỏ. Tuy vậy, do được phát hiện trong một khu vực hẻo lánh, được bảo vệ nên nhiều khả năng loài này vẫn được an toàn. Có thể ếch cây Quang còn phân bố ở những khu vực rộng lớn hơn, nhưng chỉ có các cuộc điều tra sâu hơn mới xác định chính xác địa bàn sinh sống của loài lưỡng cư này.

Trên toàn cầu, giới động vật lưỡng cư đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tuyệt chủng. Các chuyên gia thống kê rằng rằng ít nhất 120 loài ếch, nhái đã tuyệt chủng trong 30 năm qua. Bên cạnh đó, 41% trong số 7.000 loài lưỡng cư được biết đến của thế giới đang nằm trong danh sách bị đe dọa tuyệt chủng. Những mối hiểm họa chính của chúng là nạn phá rừng, mất các vùng đất ngập nước, tình trạng ô nhiễm, khai thác khoảng sản, săn bắt làm đối tượng buôn bán, sưu tầm, sự đe dọa của các loài xâm hại, sự thay đổi khí hậu và cả các bệnh dịch trong tự nhiên.

Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt - địa điểm phát hiện ra ếch cây Quang cũng là nơi từng được đề xuất để bảo tồn hổ Đông Dương, voi châu Á, sao la. Tuy nhiên, tất cả các loài động vật kể trên đều được cho là đã biến mất khỏi khu vực này. Nhìn chung, hoạt động bảo tồn tại Pù Hoạt vẫn còn nhiều hạn chế.
Đất Việt