Từ lâu ngôi nhà số 300 Kim Mã - Ba Đình - Hà Nội đã được nhiều người đồn đại là "ngôi nhà ma". Ngôi nhà không có người ở nên cánh cổng sắt đóng im ỉm từ rất lâu, chúng han gỉ cùng với những bức tường xi măng khiến cho khung cảnh càng thêm âm u, hoang vắn. Không ít người đã từng quả quyết rằng đã nghe thấy tiếng trẻ con khóc vọng ra từ trong ngôi nhà lúc nửa đêm.
Để kiểm chứng điều này, không ít bạn trẻ đã tìm đến đây để thử thách sự cam đảm của mình. Mới đây bức ảnh chụp một thanh niên đứng trước cổng ngôi nhà được đăng tải trên một diễn đàn đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng.
Dù biết sự đồn đại về ngôi nhà ma này, nhưng chàng trai vẫn vô tư đứng tạo dáng vào ban đêm. Không ít dân mạng khi xem bức ảnh này thì phải giật mình, ngỡ ngàng vì cho rằng nhìn thấy bóng ma trong bức ảnh. Theo chia sẻ của dân mạng thì khi zoom bức ảnh này to ra có thể thấy một vệt sáng như bóng người đằng sau lưng chàng trai này.
Thế nhưng nhiều người khác thì nói đây chỉ là ảnh ghép hoặc do ai đó cố ý trêu đùa anh chàng này mà thôi.
Theo thông tin đồn đại về ngôi nhà này thì người ta cho rằng trước đây, vị trí ngôi nhà từng là miếu thờ đoàn nghĩa quân đánh Tống. Xưa người dân quanh xóm này thờ tụng rất nghiêm chỉnh thế nhưng việc cúng tế dần không còn đều đặn nữa.
Theo lời kể của một người dân sống lâu năm tại khu phố này cho biết: Ngôi miếu này ban đầu không có mái che. Người dân thời đó đã cho làm mái che để việc cúng lễ không bị mưa ướt. Tuy nhiên, khi xây xong, nhiều chuyện không may xảy ra.
Nhiều câu chuyện hư hư thực thực về ngôi nhà này vẫn được người dân truyền tai nhau. Trong đó có câu chuyện về hai người đàn ông trèo lên cây muỗi trước cửa miếu thờ hái quả thì bị ngã gãy xương. Người ta đồn rằng đó là do hai ông đã phạm thượng. Hiện ngôi miếu đã bị phá từ khá lâu để xây nhà cửa khang trang. Ngôi nhà số 300 nằm trên chính vị trí miếu thờ xưa.
Nhiều người còn đồn đại khu đất này trước đây còn là nghĩa trang trẻ con, đến nay vong hồn các hài nhi nhỏ bé ấy vẫn còn vất vưởng đâu đó.
Tuy nhiên, tất cả những câu chuyện truyền miệng trên đều không có cơ sở khoa học và chưa có một nghiên cứu nào khẳng định là có thật. Chính vì thế, nhiều dân mạng cho rằng, đây chẳng qua chỉ là một trò đùa để trêu trọc nhau, nhằm đánh vào tâm lý tò mò của nhiều người mà thôi.