KỲ QUẶC » KỲ QUẶC

Đám cưới Hoàng gia Anh: Rắc rối chuyện khách mời

Thứ tư, 27/04/2011 14:27

Hai cựu thủ tướng Anh Tony Blair và Gordon Brown của Công Đảng bất ngờ bị loại khỏi danh sách 1.900 khách mời dự lễ cưới Hoàng gia Anh.

Trong khi đó, “bà đầm thép” Margaret Thatcher và ông John Major, cả hai cũng là cựu thủ tướng Anh của Đảng Bảo thủ, lại được mời. Nhật báo Telegraph số ngày chủ nhật vừa qua nhận xét: “Quả là chuyện kỳ quặc và không chỉ các nghị sĩ Công Đảng mới nghĩ như thế”.

Không phải hiệp sĩ, xin miễn

Lập tức Điện St. James, nơi phát thiệp mời, giải thích rằng: Thứ nhất, ông Blair (thủ tướng từ 1997-2007) và ông Brown (2007-2010) không phải là hiệp sĩ như bà Thatcher và ông Major. Thứ hai, hôn lễ William - Kate không phải là một sự kiện quốc gia cho nên “không có lý do gì để mời hai vị”.

Tuy vậy,  theo tờ Telegraph, nguyên nhân sâu xa có thể do mối quan hệ giữa Điện Buckingham và hai vị thủ tướng Công Đảng trong quá khứ từng căng thẳng “trên mức cần thiết”. Ví dụ như bà Cherie, vợ ông Blair, không chịu chào các thành viên hoàng gia đúng cách (nhún gối), còn ông Blair năm 2002 đã bị  hoàng gia chỉ trích  “chơi nổi” khi ông can thiệp vào chuyện sắp xếp đám tang của mẫu hậu Elizabeth (mẹ nữ hoàng Elizabeth II), điều mà ông Blair  đã phủ nhận.

Chưa hết, chuyện mời thái tử Bahrain Salman Ben Hamad Al-Khalifa cũng là một trường hợp gây tranh cãi gay gắt. Phong trào biểu tình đòi dân chủ ở Bahrain theo kiểu “cách mạng Hoa Lài” ở Tunisia đang bị đàn áp ác liệt, báo chí Anh không tiếc lời lên án chính quyền tiểu vương quốc này. Trước vấn đề nhạy cảm, ngay sau khi Hoàng gia Anh công  khai danh sách khách mời hôm thứ bảy rồi, thái tử Al-Khalifa đã tuyên bố rút lui. Ông bày tỏ sự tiếc rẻ đồng thời than phiền báo chí Anh “bóp méo quan điểm của ông về tình hình ở Bahrain” và “chính trị hóa chuyện ông được mời dự lễ cưới”.

Hai cựu thủ tướng Công Đảng Tony Blair (bên trái) và Gordon Brown sẽ không được dự đám cưới. Ảnh: Reuters

Có hơn 200 chính khách và nhà ngoại giao nước ngoài, hầu hết thuộc 54 nước thành viên  Khối Thịnh vượng chung, được mời. Các vị nguyên thủ quốc gia  không thuộc thành phần trên cho dù nổi tiếng thế giới như vợ chồng Tổng thống Mỹ Barack Obama hay Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đều không được mời, theo giải thích của Điện St. James.

Tuy không thuộc Khối Thịnh vượng chung, Mỹ là đồng minh thân thiết “chung lưng đấu cật” trên nhiều lĩnh vực của Anh vậy mà không có người Mỹ nào được mời. Đài truyền hình Mỹ ABC News giận dỗi: “Vì hoàng tử William là một người kế vị ngôi vua nước Anh, đám cưới của hoàng tử cũng là một sự kiện chính trị. Nếu không mời vợ chồng ông Obama thì chí ít họ nên mời một chính khách nào đó chẳng hạn như Ngoại trưởng Hillary Clinton”.

Trong khi đó, có những khách mời hoàn toàn xa lạ với những đám cưới Hoàng gia Anh trước đây. Điển hình là khách mời của cô dâu bao gồm một anh hàng thịt, một người phát thư và một ông chủ quán rượu mà cặp tình nhân William - Kate thường ghé qua ở làng Bucklebury, quê của dòng họ nhà gái Middleton.

Ai quan tâm?

Trái với suy nghĩ của nhiều người, trong khi làng báo háo hức với “đám cưới của thế kỷ XXI” (đám cưới Charles-Diana được coi là đám cưới của thế kỷ XX), một bộ phận không nhỏ người dân Anh tỏ ra thờ ơ.

Theo kết quả một cuộc thăm dò dư luận qua điện thoại của Công ty Ipsos MORI hồi tuần rồi, có đến 47% người trả lời ít hoặc không quan tâm đến đám cưới hoàng gia. Một trong những nguyên nhân họ đưa ra là trong bối cảnh chính phủ cắt giảm chi phí công ngặt nghèo thì đám cưới xa hoa tốn hơn 100 triệu euro là khó chấp nhận.

Một cuộc thăm dò khác của Viện ComRes với kết quả công bố hôm thứ năm tuần trước cũng cho thấy 70% những người được hỏi trả lời họ không quan tâm lắm. Chỉ có 38% nói họ sẽ xem đám cưới trên màn ảnh nhỏ và có 28% khẳng định sẽ tìm cách tránh xa đám cưới. Chỉ có 10% nói họ sẽ ăn mừng đám cưới này.

Tại Mỹ, một cuộc thăm dò ý kiến mới nhất của New York Times và CBS News hỏi 1.224 người  cho thấy chỉ có 6% - đa số là phụ nữ - theo dõi sát đám cưới Hoàng gia Anh và 22% có quan tâm ít nhiều.  Trong khi đó, 50 % nam giới tỏ ra thờ ơ.

Đa số người Mỹ (61%) chỉ ái mộ mẹ của hoàng tử (bà Diana) và bà nội của hoàng từ là Nữ hoàng Elizabeth II. Riêng hoàng tử William cũng được 57% người Mỹ yêu thích.

Theo Người lao động