Chiến đấu cơ Rafale được nạp tên lửa trên tàu sân bay Charles de Gaulle của Pháp ngày 27-3. Chi phí cho mỗi giờ hoạt động của tàu sân bay hiện là 50.000 euro, chi phí mỗi giờ bay của Rafale là 40.000 euro... Sau hơn một tháng rưỡi tham chiến ở Libya, nước Pháp đã mất 50 triệu euro - Ảnh: Reuters
Các chuyên gia quân sự vẫn còn tranh cãi về vấn đề sử dụng tàu sân bay. “Những gì mà các quốc gia không nhận ra là nhiệm vụ duy trì hoạt động các tàu sân bay rất phức tạp và tốn kém nhiều chi phí” - nhà phân tích quân sự Mỹ Nate Hughes nhận định. Còn nhà nghiên cứu quân sự Benjamin Frideman nhận định: “Những công nghệ vũ khí quân sự hiện đại có thể tìm diệt các tàu sân bay dễ dàng, thậm chí từ khoảng cách rất xa. Công nghệ tàu sân bay sẽ không thể tồn tại được trong vài thập kỷ tới”.
Nhưng đó là nhận định của các chuyên gia, còn thực tế các quốc gia vẫn đua nhau phô trương sức mạnh bằng các căn cứ quân sự di động trên biển ngày càng hiện đại hơn.
“Tất cả chỉ để phô trương sức mạnh quân sự” - theo chuẩn đô đốc Philippe Coindreau, chỉ huy hạm đội Pháp đang tham gia chiến dịch không kích vào Libya. Tuy nhiên, “tàu sân bay rất thích hợp cho các cuộc xung đột” - ông Coindreau phân tích khi trả lời phỏng vấn AP trên tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân Charles de Gaulle có trọng tải 42.000 tấn.
Lee Willett, người đứng đầu chương trình nghiên cứu hàng hải ở Viện Quân sự thống nhất hoàng gia (Anh), cho biết cuộc chiến ở Libya minh họa cho sự hữu ích của các tàu sân bay để giải quyết xung đột trong khu vực. Pháp, Ý và các nước NATO rất gần với bờ biển Bắc Phi, chọn cách triển khai các tàu sân bay mặc dù các nước này có căn cứ không quân ở những vị trí rất thuận lợi để can thiệp quân sự ở Libya.
“Ở khắp nơi trên thế giới, phần lớn các lực lượng hải quân đều mong muốn có được sức mạnh không quân trên biển. Những nước này không muốn trở thành các cường quốc trên thế giới nhưng họ lại muốn thể hiện sức mạnh quân sự trong khu vực” - ông Willett cho biết thêm.
Tàu sân bay ngày nay cũng được nhìn theo góc độ mới về trách nhiệm mà nó đảm nhiệm. Để tiến hành những cuộc đổ bộ thì hải quân rất cần một tàu sân bay đa chức năng, hay một căn cứ không quân trên biển. Nghĩa là các tàu này không những làm sân bay cho các máy bay quân sự mà còn có thể vận chuyển được vũ khí, nhiều phương tiện phục vụ chiến tranh khác.
Chẳng hạn, Mỹ có tám tàu sân bay 41.000 tấn, mỗi tàu sân bay có khả năng chuyên chở rất nhiều máy bay và quân lính để tiến hành những cuộc đổ bộ quân sự. Tàu sân bay Mistral (Pháp), HMS Ocean (Anh) và Juan Carlos I (Tây Ban Nha) cùng có chung một đặc điểm là tàu sân bay đa năng vì chúng có thể chuyên chở các máy bay không kích, trực thăng và hàng trăm lính thủy đánh bộ để tiến hành những cuộc đổ bộ quân sự.
“Tàu sân bay còn có thể phục vụ nhiều mục đích chứ không riêng gì mục đích chiến tranh”, theo Nate Hughes. Vì thế hải quân Mỹ đã lên kế hoạch xây dựng siêu tàu sân bay Gerald R. Ford, với chi phí lên đến khoảng 9 tỉ USD. Nhiều thành viên NATO cũng đang ráo riết chuẩn bị đóng thêm. Anh hiện đang đóng hai tàu sân bay, còn Pháp đang cân nhắc đóng thêm một tàu sân bay thứ hai. Ý và Tây Ban Nha vừa mới cho ra lò hai tàu sân bay.
Trung Quốc và Ấn Độ cũng đang trong quá trình thu thập và tân trang những tàu sân bay của Nga. Ấn Độ hiện đang đóng một tàu quân sự tại chính nước này. Nga sẽ tân trang tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov vào năm tới để kéo dài tuổi thọ tàu đến năm 2030, và lên kế hoạch mua tàu sân bay của Pháp. “Hải quân các nước BRIC (Brazil, Ấn Độ, Nga, Trung Quốc) nói chung đang đầu tư nhiều vào các tàu sân bay” - theo ông Willett.
Thời Báo Toàn Cầu của Trung Quốc đăng tải kết quả khảo sát cho thấy 80% người dân Trung Quốc tin rằng tàu sân bay Varyag (hay còn gọi là Thi Lang) sẽ trở thành đòn bẩy hữu hiệu gia tăng sức mạnh quân sự và khả năng phòng thủ trên biển.