Theo bài báo nghiên cứu về căn bệnh nứt bụng ở trẻ em thuộc Tạp chí Y học Nhi khoa của Mỹ được đăng tải vào năm 2011, một bé gái đã chào đời ở tuần thai thứ 37 trong tình trạng nội tạng nằm ngoài ổ bụng.
Em bé nặng 2,9kg này đã chào đời bằng phương pháp đẻ mổ. Do mắc tật nứt bụng mà không chỉ ruột lòi ra mà đại tràng gần và buồng trứng của bé cũng phát triển ngoài ổ bụng. Đồng thời, các cơ quan nội tạng cũng không được màng bụng bao phủ.
Mẹ của bé là một phụ nữ 22 tuổi. Đây là lần đầu tiên mang thai cũng như sinh đẻ của cô. Khi ở tuần thai thứ 17, các bác sĩ đã thông báo với mẹ của bé về khuyết tật này. Do khiếm khuyết này có thể kiểm soát được ngay sau khi trẻ chào đời nên người phụ nữ vẫn quyết định để đứa bé chào đời.
Các xét nghiệm huyết thanh ở người mẹ đều cho kết quả âm tính, tuy nhiên trước đó cô đã bị nhiễm khuẩn chlamydia (một căn bệnh lây qua đường tình dục) và bệnh lậu. Ngoài ra, trong suốt quá trình mang thai, người mẹ có hút thuốc lào.
Tật nứt bụng (Gastroschisis) là một dị tật bẩm sinh dạng hiếm có tỷ lệ mắc phải ước tính vào khoảng 1/10.000 ca sinh nở. Nếu phụ nữ mang thai dưới 20 tuổi và có sử dụng các chất gây nghiện như nicotine, cocaine hay pseudoephedrine thì tỷ lệ thai nhi mắc phải dị tật này là rất cao.
Ngay khi chào đời, bé gái này đã được tiến hành phẫu thuật. Ca phẫu thuật kéo dài 5 tiếng đồng hồ đã đưa toàn bộ cơ quan nội tạng nằm ngoài ổ bụng về đúng vị trí của chúng.