Ngày 11/12, các bác sĩ Khoa Phẫu thuật Nhi thuộc Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) đã phẫu thuật, cắt bỏ khối u quái khỏi cơ thể bệnh nhi P.B.V. (Hà Nội) chưa được 1 tuần tuổi.
Trước đó, ngày 5/12 vừa qua, bé trai V. đã chào đời bằng phương pháp sinh mổ ở tuần tuổi thứ 40. Bé V. là con đầu lòng của sản phụ N.T.H., 24 tuổi, khi mới sinh nặng 4,6 kg nhưng một nửa trọng lượng là khối u rất lớn, trông to hơn cơ thể.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Lợi - Giám đốc Trung tâm Sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương - cho biết, khối quái này mọc ra từ vị trí xương cụt và to hơn cơ thể của bé. Khối u, theo quan sát, ở dạng dịch, nặng hơn 2 kg khiến hai chân của bé V. luôn ở tư thế dạng sang hai bên chứ không duỗi thẳng được.
Những ngày sau đó, khối u phát triển rất nhanh. Lo ngại khối u có thể ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của bé V., các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Trung ương và Bệnh viện Việt Đức đã tiến hành hội chẩn và đi đến quyết định thực hiện ca phẫu thuật loại bỏ khối u để giúp bé phát triển bình thường. Các bác sĩ nhận định, cần phẫu thuật càng sớm càng tốt bởi khối u phát triển quá nhanh.
Chiều ngày 10/12, bệnh nhi đặc biệt V. được chuyển từ Bệnh viện Phụ sản Trung ương sang Bệnh viện Việt Đức để theo dõi trước khi tiến hành ca phẫu thuật. Theo các bác sĩ, ca phẫu thuật này được dự đoán gặp nhiều khó khăn do trẻ nhỏ, khối u quá lớn, đặc biệt việc gây mê cho trẻ sơ sinh là khâu vô cùng khó bởi các mạch máu quá nhỏ. Ngày 11/12, các bác sĩ Khoa Phẫu thuật Nhi của Bệnh viện Việt Đức đã quyết định cắt bỏ khối u quái khỏi cơ thể bệnh nhi V.. Theo PGS, TS Trần Ngọc Bích - Trưởng khoa Phẫu thuật Nhi - trước khi lên bàn mổ, khối u của bệnh nhi đã nặng tới 5kg.
Khi mổ ra, khối u là hỗn hợp gồm nước, da đầu, tóc, 2 chân và 1 bàn tay đã bị teo, dạ dày, ruột, bàng quang. Tuy nhiên, theo bác sĩ Bích, khối u này không được gọi là thai nhi song sinh do khối u không có sọ, mặt, cột sống.
"Khó khăn nhất của ca phẫu thuật là khối u nằm lấn sâu vào trực tràng, xương cụt dễ dẫn tới sai sót khi mổ. Đặc biệt, khối u xâm lấn xương chậu, khớp háng của bệnh nhi, nếu bác sĩ cắt không khéo sẽ làm thủng trực tràng của trẻ. Kíp phẫu thuật cũng đã đặt ra nhiều phương án khác nhau để đối phó. Tuy nhiên, sau hơn 2 giờ ca phẫu thuật, khối u đã được tách thành công. Đây cũng là lần đầu tiên Bệnh viện Việt Đức phẫu thuật cắt bỏ khối u quái rất to ở bệnh nhân ít ngày tuổi” - PGS, TS Bích cho biết.
Sang ngày 12/12, bệnh nhi V. đã tỉnh táo và tiểu tiện tốt. Hiện bé đang được chăm sóc đặc biệt tại phòng hồi sức Khoa Phẫu thuật Nhi. Các bác sĩ tiên lượng, với thành công bước đầu của ca đại phẫu thuật này trong tương lai bé V. sẽ có cuộc sống bình thường như mọi đứa trẻ khác.
PGS, TS Trần Danh Cường - Phó Giám đốc Trung tâm chẩn đoán trước sinh thuộc Bệnh viện Phụ sản Trung ương - cho biết, sản phụ H. được phát hiện thai nhi mang dị tật khối u từ khá sớm nhưng được khuyên giữ thai vì có thể phẫu thuật loại bỏ khối u cho trẻ sau khi chào đời. Đến tuần thứ 32 của thai kỳ, các bác sĩ chuyên khoa đã xác định thai nhi của sản phụ H. mang khối u quái vùng cùng cụt, một dị tật hiếm gặp, với tỷ lệ 1/25.000 trẻ sinh ra mắc phải.