Hai tháng trước, một phụ nữ đã bị chính người thân trong gia đình ném đá đến chết theo lệnh của tòa án tại Pakistan bởi tội danh sở hữu điện thoại di động. Đây là trường hợp mới nhất phải chịu đựng hình phạt tàn khốc từ thời xổ xưa.
Truyền thông đưa tin cô Arifa Bibi, bà mẹ 2 con, đã bị chính bác ruột, anh em họ và nhiều người khác ném gạch đá cho đến khi chết. Sau đó, cô được chôn cất tại một hoang mạc cách xa ngôi làng cô ở.
Arifa Bibi không phải là nạn nhân duy nhất phải chịu hình phạt cổ hủ này. Tuy nhiên, nguyên nhân dẫn đến cái chết của cô thì quả thực là khá hi hữu.
Hình phạt ném gạch đá đến chết thậm chí còn được coi là hợp pháp và được áp dụng rộng rãi tại ít nhất 15 quốc gia trong khu vực, đặc biệt là nó có chiều hướng gia tăng tại các Pakistan, Afghanistan và Iraq.
Thậm chí, trong nhiều trường hợp có những phụ nữ khai báo mình bị hãm hiếp cũng có thể bị xem là thừa nhận tội có quan hệ bất chính và bị kết án.
Trong số những trường hợp được ghi nhận, có một trường hợp điển hình nhất mà khi nhắc lại có lẽ nhiều người vẫn phải rùng mình. Đó là vào năm 2008, cô bé người Somalia 13 tuổi Aisha Ibrahim Duhulow, đã bị 50 người đàn ông ném đá ở sân vận động ở Kismayu trước sự chứng kiến của khoảng 1.000 người.
Cha của Aisha cho biết cô bé bị 3 người đàn ông cưỡng hiếp, nhưng lại bị buộc tội thông dâm khi báo cáo lại vụ việc với lực lượng nổi dậy al-Shabaab đang nắm quyền kiểm soát thành phố.
Iran là quốc gia sử dụng hình phạt ném đá phổ biến nhất. Không có một con số thống kê chính thức nào về những nạn nhân từng phải chịu đựng hình phạt ném đá này bởi nhiều khi chúng được thực hiện bí mật trong các nhà tù hay những sa mạc hoang vắng vào các buổi sáng sớm.
Các nhà hoạt động cho biết phụ nữ thường là những nạn nhân phải chịu đựng hình phạt này, bởi phụ nữ thường bị phân biệt đối xử. Trong những cuộc ngoại tình, nam giới có thể thuê luật sư và dễ dàng thoát tội. Đặc biệt, các phiên tòa xét xử thường không công bằng. Sự phán quyết nhiều khi chỉ dựa trên lời thú tội do bị ép buộc của chính nạn nhân, thậm chí dựa trên cảm tính của người xét xử hơn là bằng chứng.
Nhiều người cho rằng hình phạt này quá tàn nhẫn, nhưng trên thực tế, nó vẫn tồn tại ở nhiều quốc gia. Rất nhiều nhà hoạt động nữ quyền đã từng thực hiện một chiến dịch toàn cầu nhằm chống lại hình phạt ném đá đến chết. Tuy nhiên, chặng đường giúp xóa bỏ hình phạt cổ hủ đó vẫn còn rất khó khăn và lâu dài.