Theo AFP, trong đoạn video được kênh truyền hình G1 (Brazil) đăng tải, những thành viên của bộ tộc nói tiếng Panoan mang theo cung tên, chỉ mặc một chiếc khố rất nhỏ che phần kín trên cơ thể, đã nói chuyện với những người dân Ashaninka bản địa ở phía Bắc Brazil, dọc theo bờ sông Envira, gần biên giới Peru.
Nhóm thổ dân gồm hai người đã nhận chuối từ tay một người Ashaninka rồi sau đó biến đi rất nhanh.
Theo AFP, cuộc gặp trên diễn ra vào ngày 26/6. Sau khi biết thông tin trên, một nhóm nghiên cứu của Quỹ người da đỏ Brazil (FUNAI) đã tới khu vực này để ghi lại hình ảnh của cuộc gặp thứ hai vào ngày 30/6.
Người phát ngôn của FUNAI cho hay, những thổ dân, được cho là một thành viên của bộ lạc có tên gọi là Rio Xinane, đã xuất hiện trong giây lát rồi ngay lập tức quay lại rừng.
"Họ huýt sáo và phát ra những âm thanh như động vật" - phát ngôn viên của FUNAI cho biết.
Hai thông dịch viên bản địa thông thạo tiếng Panoan đã tới nói chuyện với họ.
"Họ nói ngôn ngữ của chúng tôi. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi có thể nói chuyện với họ. Họ cho biết đang bị những người không cùng bộ lạc tấn công và nhiều người đã chết sau khi bị cúm và bệnh bạch hầu" - thông dịch viên Jaminawa Jose Correia cho biết.
Nhà nhân chủng học Terri Aquino cho biết nhóm người trên đã tới để tìm rìu, dao và chậu: "Họ đang tìm kiếm những vật dụng cần thiết. Dường như bộ lạc của họ đang bị một bộ lạc không cùng ngôn ngữ tấn công, và nhiều người trong số họ đã chết vì bệnh dịch".
FUNAI cho biết nhóm thổ dân trên đã quay trở lại sau cuộc tiếp xúc ban đầu để cầu cứu bởi có một số thành viên trong bộ lạc đang bị cúm. Chính phủ Brazil sau đó đã cử một đội nhân viên y tế tới để điều trị cho bảy thành viên thuộc bộ lạc.
Tổ chức đấu tranh vì quyền lợi của các thổ dân Survival International nói rằng đó là dấu hiệu đáng lo ngại bởi trong quá khứ từng có nhiều bộ lạc bị xóa sổ vì dịch cúm.
Theo FUNAI, hiện ở khu vực Amazon có khoảng 77 bộ lạc không tiếp xúc với "thế giới văn minh" bên ngoài. Hiện nhiều bộ lạc đang bị đe dọa bởi dịch bệnh và không gian sống bị thu hẹp do nạn phá rừng, khai thác gỗ trái phép.