Sâu “nhảy dù” trêu người
Cứ vào đầu mùa mưa các loại sâu ăn lá không biết từ đâu về “cập bến” Tây nguyên làm hại mùa màng của dân khiến họ lo lắng. Lúc đầu là số sâu đếm trên đầu ngón tay, về sau sâu sinh sôi nảy nở đến chóng mặt và có mặt ở khắp các cành cây ngọn lá.
Lưu thông trên những con đường có cây muồng, nhiều người sẽ giật mình bởi sâu bu cây "nhiều như giặc". Sâu trên các cành cây, tán lá như đánh đu trêu ngươi người đi đường. Thỉnh thoảng những chú sâu “thả dù” nhảy tõm vào đầu người, nhất là sâu nhảy dù vào tóc thiếu nữ làm họ hét toáng lên và kinh hãi.
Ở vùng đất Tây Nguyên, mùa này người dân bắt đầu nỗi lo cảnh sâu tàn phá cây cối. Cây cối đang xanh tốt chỉ sau vài ngày sâu về làm tổ đã sạch bóng không còn một chiếc lá, lộ ra chỉ còn thân cây gầy guộc, mỏng manh.
Cảnh sâu “nhảy dù” bò lổm ngổm trên mặt đất khiến ai thấy cũng kinh hãi. Sâu nhiều vô kể, những ai đi ra đường không đội nón sẽ bị sâu “hỏi thăm” là lẽ thường.
Sợ nhất vẫn là các nữ sinh trên đường đi học, đang tung tăng vui cười bỗng từ trên trời rơi xuống chú sâu làm họ phát hoảng cứ như ai ném đá mình.
Bạn Nguyễn Thị Dung trường THPT Y Jut kể lại: “Mấy ngày xin nghỉ học về quê có việc gặp lại tay bắt mặt mừng ôm nhau thắm thiết. Khi người này ôm người kia và thấy sâu bò ngang vai, trên những vạt áo của bạn mình rồi lăn đùng ngất xỉu tại lớp học. Không ai hiểu chuyện gì đã xảy ra và rất hốt hoảng. Khi nữ sinh này tỉnh lại và được hỏi vì sao sợ hãi đến ngất xỉu thì người này chỉ vào áo người kia kêu to “sâu…sâu”.
Lấy độc trị độc
Dùng thuốc trừ sâu nhưng tác dụng không khả quan, người dân ở một số huyện các tỉnh Tây Nguyên đã nghĩ ra biện pháp “lấy độc trị độc”. Không còn cách nào khác là phải sống chung với sâu và phải làm sao cho sâu… sợ mình. Hàng ngày một số người đã bỏ công sức đi bắt những “giặc cây” này đem về chế biến thành những món ăn.
“Lúc đầu khi mới ăn sâu không quen lắm sợ bị bệnh tật vào người. Nhưng sau này ăn nhiều đâm ra ghiền. Có khi một thời gian dài không được ăn sâu lại thèm vì không phải mùa nào cũng có sâu nhiều như vậy. “Giặc lá” chỉ có nhiều vào đầu mùa mưa, đến cuối mùa mưa vòng đời sinh nở của nó cũng hết và phải đợi đến mùa mưa năm sau”- anh Nguyễn Hữu Tuấn chia sẻ.
Khi rảnh rỗi một số người dân lại cùng những chiếc rổ nhựa, vài cái gậy đi đến những cây muồng bắt sâu đem về ăn.
Sâu nhiều đến nỗi đi bắt chỉ trong vòng chưa đầy 30 phút đã đầy một rổ nhỏ. Anh bạn đi bên tôi thủ thỉ: không khéo sau này sâu lại là đặc sản của nhà hàng. Lúc ấy người sẽ không còn sợ sâu nữa mà sâu lại phải sợ người ấy chứ.
Rảo bộ trên những con đường nhỏ của miền quê nghèo Krông Ana (Đắk Lắk), nhìn những hàng cây mới hôm nào còn xanh rì, giờ đã bị sâu ăn trụi lá.
Một anh chàng người Êđê hớn hở cầm trên tay một chiếc rổ nhỏ, lại gần mới biết là rổ sâu nói: “Thức ăn trưa của gia đình tôi đấy”. Thế rồi, anh chàng huyên thuyên với tôi về cách chế biến cũng như hương vị khi ăn “giặc lá”.
Theo anh này, có nhiều cách chế biến món sâu. Ai thích cảm giác mạnh thì ăn sống sâu muồng, ai thích cảm nhận hương vị bùi của nó thì chiên lên rồi dùng mắm xào, ai thích ăn theo kiểu luộc thì sẽ cảm nhận hương vị béo nhậy của nó. Tôi không tin là người ta dám ăn sâu sống thì ngay lập tức anh chàng cho con sâu vào miệng rồi nhai ngấu nghiến một cách ngon lành.
Thế nhưng, một đứa bé đi cùng thấy vậy cũng bắt chước ăn sống sâu ngon lành. Ngon không thấy đâu mà chỉ một lúc sau thấy bụng sôi cồn cào, “sóng” trong bụng liên tục trỗi dậy hỏi ra mới biết bị “sâu tào tháo” đuổi.