Theo phong tục cưới hỏi làng Ribnovo thuộc Bulgaria, vào ngày thứ hai trong hôn lễ, cô dâu phải bôi lên mặt lớp kem trắng thật dày, điểm thêm nhiều kim tuyến, hoa giả để che mặt. Đây là nét văn hóa của người theo đạo Hồi.
Đối với người vùng khác, nghi thức trang điểm thành “cô dâu trắng” trong ngày cưới có vẻ kỳ quái. Thậm chí người Mỹ còn dùng cụm từ “cô dâu ướp xác” để mô tả nó. Nhưng người dân làng Ribnovo nghĩ rằng, chỉ khi nào bạn dùng trái tim để cảm nhận thì bạn mới có thể ngộ ra ý nghĩa sâu sắc của nghi thức truyền thống ấy.
Mỗi khi một cô gái trong dòng tộc xuất giá, các phụ nữ lớn tuổi trong họ lại bận bịu với trách nhiệm hóa trang cô dâu thành “cô dâu trắng”. Cô gái phải bôi lên mặt nhiều lớp sơn trắng giống mặt nạ nhiều lớp. Họ cũng đính rất nhiều hạt kim tuyến óng ánh cùng các loại hoa giả lên cơ thể các cô.
Quá trình trang điểm cô dâu có thể kéo dài tới hai giờ. Trong quá trình đó cô dâu không để bất kỳ người đàn ông nào nhìn mặt. Sau khi trang điểm, chú rể và mẹ cô dâu sẽ dẫn cô ra ngoài lễ đường vì từ khi trang điểm cho tới khi giáo sỹ ban phước lành cho hai vợ chồng, cô phải nhắm mắt.
Chú rể mặc comple theo phong cách hiện đại. Hôn lễ thường diễn ra trong hai ngày, với ngày đầu dành cho nghi lễ bên nhà trai, ngày tiếp theo dành cho nghi lễ bên nhà gái.
Trong ngày thứ hai của hôn lễ, người ta bày rất nhiều thứ ở hai bên ngõ rẽ vào nhà gái - từ nồi, xoong, chảo tới những vật dụng thường ngày khác. Những gia đình khá giả có thể tổ chức thêm ngày thứ ba. Trong ngày đó họ hay tổ chức thi đấu vật để chúc mừng cho đôi vợ chồng trẻ.
Nhiều truyền thuyết ra đời để giải thích nguồn gốc của tục cô dâu trắng, nhưng theo giả thuyết phổ biến nhất, những thanh niên trong làng phải chăn cừu từ lúc nhỏ, không có cơ hội tiếp xúc với các cô gái. Vì thế trước khi cưới hỏi, chú rể cũng không có cơ hội gặp gỡ vợ tương lai.
Trong ngày cưới, cha mẹ cô dâu dùng sơn trắng để tạo thành nhiều lớp mặt nạ trên mặt cô con gái, yêu cầu chú rể phải gỡ dần từng lớp mặt nạ đó nếu muốn thấy mặt vợ. Họ hy vọng nghi thức này sẽ giúp các chú rể trở nên dịu dàng, ân cần với vợ khi họ về sống với nhau.
Song nhiều người cũng lập luận rằng sơn màu trắng có tác dụng chống tà ma, có thể bảo vệ cô dâu cả đời. Theo các chuyên gia xã hội học, cô dâu Hồi giáo đeo mạng che mặt để bảo vệ danh dự và sự an toàn của họ trước người lạ. Tập tục cô dâu mượn sơn trắng để che giấu khuôn mặt thật tại Bulgaria là khâu cuối cùng trong quá trình chuyển đổi thân phận từ cô gái trở thành phụ nữ.
Hôn lễ của người dân tại làng Ribnovo thường diễn ra vào mùa đông, từ tháng 12 tới tháng 3 trong năm. Dù đi làm xa nhưng nhiều chàng trai muốn về nhà để tổ chức đám cưới theo nghi lễ truyền thống. Nhưng theo số liệu thống kê những năm gần đây, chỉ 7 – 8 đám cưới diễn ra theo nghi lễ của tổ tiên. Ngoài ra, phong trào không kết hôn cũng đang bành trướng tại Bulgaria. Khoảng 70% cặp vợ chồng sống với nhau mà không tổ chức hôn lễ. Thực trạng ấy khiến người ta bi quan về khả năng bảo tồn nghi thức hôn lễ truyền thống của làng Ribnovo.