Ở đảo Lý Sơn còn khá nhiều dị nhân. Chẳng hạn như chuyện một ông lão, suốt 50 năm nay cứ lầm lũi đến các đám ma phục vụ gia chủ, mà không bao giờ đòi hỏi một đồng tiền công, dù gia chủ có ý đuổi khéo cũng nhất định không về. Rồi có ông cả đời làm cái việc kỳ cục, đó là lên miệng núi lửa lấy đất sét, nặn tượng những người chết giữa biển khơi. Một bà lão làm đủ các nghề như nhặt rác, ô sin, phục vụ đám ma, để kiếm tiền nuôi hơn 100 đứa trẻ bơ vơ…
Trong chuyến ra huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), tôi được Trưởng Công an huyện, Thượng tá Nguyễn Công Danh kể cho nghe rất nhiều chuyện về những con người kỳ lạ ở mỏm đất giữa biển Đông này. Đôi lúc anh trầm tư: "Không hiểu hòn đảo nhỏ này có điều gì đặc biệt mà sinh ra lắm con người kỳ lạ đến vậy?". Nhưng kỳ cục nhất vẫn là một người đàn ông có khả năng ăn tươi nuốt sống tất cả các loài động vật.
Hai ngày ròng rã săn lùng “dị nhân”
Người đàn ông kỳ lạ này có tên là Ngô Văn Tùy, sinh năm 1959, trú ở thôn Tây (xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn,Quảng Ngãi). Thượng tá Nguyễn Công Danh bố trí trung úy Trần Đức Vinh chở tôi đi tìm gặp ông Tùy. Hơn 2 ngày trời, với hơn chục lần tìm đến thôn Tây, nhưng cánh cửa ngôi nhà khá khang trang của ông Tùy vẫn im ỉm khóa.
Hỏi hàng xóm, không ai biết ông ở đâu. Họ bảo, đúng là có chuyện ông này chuyên ăn sống các loại động vật, nhưng gặp ông ta không phải dễ, bởi ông cứ đi suốt ngày suốt đêm. Theo người dân nơi đây, hôm thì ông ra biển mò ngao sò, cá mú. Mò được con nào, chỉ vuốt một cái cho sạch, rồi cho vào miệng ăn luôn.
Các loại nhuyễn thể thì ông dùng hàm răng như kìm của mình cắn vỡ, rồi ngửa cổ đổ ruột vào miệng thưởng thức ngon lành. Có người quả quyết nhìn thấy ông dùng thuổng đào hố bờ ruộng rồi hun khói bắt chuột. Bắt được con nào, ông Tùy lột da, rồi cho vào miệng nhai tuốt cả thịt lẫn xương, gồm cả lòng phèo. Có chị còn quả quyết nhìn thấy ông Tùy đào... giun để ăn.
Những câu chuyện người dân quanh xóm kể khiến tôi hãi hùng. Tôi trộm nghĩ chắc ông này bị chứng bệnh tâm thần nào đó. Người bình thường sao có thể ăn uống kiểu đó. Nhưng những câu chuyện ấy càng thôi thúc tôi phải tìm gặp ông Tùy.
Chúng tôi quyết định đến nhà vào buổi tối. Tuy nhiên, bà vợ bảo: "Có khi nửa đêm ổng mới về. Chú cứ hẹn đi, để tui dặn lại cho. Chứ đợi ổng không biết đến khi mô. Ông ở trên nương suốt đêm đó. Ông vừa làm nương vừa đi săn con cóc, con ngóe, con rắn, con rết để ăn. Đêm mà không được ăn mấy con đó, ổng ngủ không yên à". Chẳng lẽ lại chờ đến nửa đêm, chúng tôi đành phải ra về nhà khách công an huyện ngủ. Chị vợ anh Tùy nói vậy, thì đúng thực sự anh này ăn sống động vật rồi còn gì.
Sau 2 ngày "phục kích”, rồi chúng tôi cũng nhận được tin từ người hàng xóm: "Ổng bảo đi đám cưới cả ngày, nhưng không rõ đám cưới nào hết". Hôm đó ngày đẹp, khắp huyện đảo Lý Sơn có tới gần chục đám cưới. Dọc con đường cái duy nhất xuyên ngang huyện, tí lại thấy đoàn xe máy, với cô dâu, chú rể, váy dài váy ngắn, đội mũ bảo hiểm nghiêm chỉnh, chạy vè vè.
Đi mấy đám cưới tìm không thấy, đến tận chiều, Thượng tá Nguyễn Công Danh phải phái mấy chiến sĩ công an truy tìm "đối tượng" Ngô Văn Tùy giúp tôi. Rồi chúng tôi cũng tìm thấy "dị nhân" trong một đám cưới ở xã kế bên. Anh xăng xái giúp gia chủ bày biện bàn, ghế, rót nước mời khách.
Người đàn ông này mặc chiếc áo xanh, đóng thùng, nước da ngăm đen, trông như mọi người. Chỉ khác là ông có đôi mắt vằn đỏ nhưng ánh mắt lại rất hiền từ. Có một điều nữa, là từ cơ thể ông toát ra thứ mùi tanh nồng, mà những người có khứu giác tốt có lẽ không chịu nổi. Ông ngồi tiếp chuyện tôi. Tôi khẳng định ông là người hoàn toàn bình thường, không có biểu hiện gì của người tâm thần.
Tôi trình bày nguyện vọng muốn quay phim chụp ảnh cảnh ông ăn tươi nuốt sống các loại động vật để làm tư liệu viết bài thì bị từ chối bai bải. Ông Tùy xua tay bảo: "Lên hình kỳ quá, ngại lắm!". Nhưng rồi ông đồng ý ngay khi tôi kể chuyện tìm gặp ông là do thượng tá Nguyễn Công Danh giới thiệu.
Ông Tùy nói mình rất quý trọng và ngưỡng mộ ông Trưởng Công an Nguyễn Công Danh, người đã xử lý triệt để tệ nạn nghiện ngập, trộm cắp ngoài đảo, nên hễ Thượng tá Danh giới thiệu thì đồng ý liền. Ông hỏi: 'Thế chú thích quay cảnh tui ăn con gì?". Tôi ngẫm nghĩ một lát, xem ăn tươi nuốt sống con gì gây cảm giác mạnh nhất. Cuối cùng tôi đề nghị ông ăn một con rắn. Ông hề hề: "Các chú ngồi chờ một lát nhé!". Nói rồi, ông để chúng tôi ngồi ở đám cưới, anh đi ra phía cánh đồng tỏi rộng mênh mông.
Ra ruộng tỏi bắt rắn độc để biểu diễn
Đảo Lý Sơn nổi tiếng với đặc sản tỏi. Hòn đảo chỉ toàn cát là cát này chẳng trồng được cây gì ngoài tỏi. Tỏi bạt ngàn ngoài cánh đồng, tỏi tràn vào tận hiên nhà. Cứ chỗ đất nào trống là người ta dúi củ tỏi xuống. Tỏi tốt bời bời. Tỏi là đặc sản của Lý Sơn.
Nguồn thu chính của người dân Lý Sơn là cá mú ngoài biển xa và những nương tỏi. Tôi rời đám cưới, ra ven cánh đồng. Đứng mép cánh đồng trông rõ dáng ông Tùy đang lần mò ở mấy bụi cỏ trên cánh đồng tỏi bát ngát. Tôi cứ băn khoăn, không hiểu ông tìm đâu ra con rắn bây giờ.
Chừng 10 phút sau, ông lững thững đi về, trên tay cầm một con rắn đang ngo ngoe. Cả trăm người dự đám cưới bỏ hết ra đường xem buổi biểu diễn của người đàn ông kỳ lạ này. Mọi người ở đảo Lý Sơn đều thoáng nghe chuyện ông Tùy chuyên "ăn thịt sống" các loài động vật, nhưng anh chủ yếu ăn dấm ăn dúi, ít khi biểu diễn trước đông người. Chuyện này cứ nửa tin nửa ngờ, hư hư, thực thực, thành thử, ai cũng háo hức được xem.
Ông giơ con rắn lên và mọi người đều trông rõ con rắn còn đang sống, rất khỏe mạnh. Rõ ràng, ông vừa mới bắt được con rắn này ngoài đồng. Ông bảo, đây là loài rắn đặc trưng trên đảo Lý Sơn, là loài có nọc cực độc. Mấy ông đứng tuổi chứng kiến buổi biểu diễn, sau khi quan sát rắn cũng xác nhận đây là dòng rắn hổ mang, có tên gọi là bù nặc.
Tôi cũng tin đó là rắn độc, vì khi ông Tùy giơ con rắn cho mọi ngưòi xem, mấy ông đứng tuổi, hiểu biết về rắn đều sợ hãi chạy dạt ra. Loài rắn này có nhiều trong các khe đá trên núi, chúng thường bò ra cánh đồng kiếm ăn và trú tạm hang hốc, bờ bụi. Không ít người ở Lý Sơn đã thiệt mạng khi bị loài rắn này tấn công.
Một ông còn xác nhận, đã tận mắt thấy bù nặc cắn chết một con bò. Giống rắn này phát triển rất chậm và con to nhất chỉ bằng ngón chân cái. Con rắn mà ông Tùy bắt được tuy chỉ bằng tay cái, nhưng nó cũng khá già rồi.
Tôi hỏi: "Sao ông bắt rắn độc nhanh thế?”. Ông cười: "Nhiều lúc mình cũng không hiểu được bản thân nữa. Cứ như có linh tính ấy. Khi thèm ăn rắn, mình nghĩ đến loài rắn, thế là như có ai đưa đường dẫn lối, tự dưng chân cứ thế bước đến chỗ có rắn. Lúc nãy cậu bảo mình ăn rắn, nghĩ đến rắn tự nhiên mình thèm chảy nước miếng, thế là mình ra cánh đồng. Đi một lúc thì nghe thấy tiếng cóc kêu giống như bị rắn cắn. Lần theo tiếng cóc, mình bắt được chú rắn này ở trong hang".
Thấy mọi người tỏ vẻ không tin lắm, ông nói: “Mọi người có tin rằng con cóc vẫn còn sống không?". Mọi người đều lắc đầu: "Hổng tin!", ông liền kèo căng con rắn, rồi vuốt thật mạnh một cái từ đuôi lên đầu, tức thì một chú cóc to bằng ngón chân cái phọt ra ngoài. Điều lạ là chú cóc vẫn sống, nhảy tưng tung dưới mặt đất.
Ai cũng trố mắt ngạc nhiên, hỏi vì sao con cóc lẫn còn sống như vậy. Ông Tùy giải thích: Tui ăn rắn sống quen rồi nên biết thôi. Đang đi đường, nghe tiếng cóc, nhái, ếch, chẫu chàng kêu ra sao là biết bị rắn xơi. Cứ lần nào nghe thấy tiếng cóc nhái kêu kiểu rắn cắn là tui có bữa thịnh soạn hà, được chén liền lúc cả cóc lẫn rắn. Giống rắn vồ mồi không nhai mà nuốt luôn, mà giống cóc sống dai, nên nằm trong bụng rắn hồi lâu nó mới chịu chết. Lần này cũng vậy mà". Vừa nói xong, con cóc nhảy khỏi tay ông rơi xuống đất.
Khai vị: cóc và côn trùng. Bữa chính: rắn độc. Tráng miệng: ếch
Con cóc nhơ nhớp dịch dạ dày rắn nên dính đất cát bê bết. Ông Tùy nhặt lên, thổi phù phù, rồi thả vào miệng nhai tóp tép một cách ngon lành. Mọi người ồ lên. Mấy bà, mấy chị yếu bóng vía rú lên kinh khiếp. Thậm chí, một chị chạy ra gốc cây nôn mật xanh mật vàng.
Chén xong con cóc, ông Tùy nhìn xuống dưới đất, thấy mấy con côn trùng to cỡ con ruồi và 3 con bọ xít đang bò lổm ngổm. Ông nhặt từng con cho vào mồm. Con rắn bù nặc kịch độc vẫn đang quắn quện lấy cổ tay ông. Mọi người đều chăm chú như thể biểu diễn xiếc giữa đường. Đám thanh niên tham dự đám cưới lôi hết điện thoại di động ra quay.
Con rắn vừa bắt xong, không hề rửa ráy gì, cũng không dùng loại chất gì để khử mùi tanh. Ông Tùy đưa cái đuôi ngúng nguẩy của nó lên miệng đớp một cái. Tôi trộm nghĩ bộ răng trắng như sứ của ông phải sắc hơn cả dao. Ông đớp một cái rất nhẹ nhàng, không kéo, không rứt, mà cái đuôi ngoe nguẩy đứt ngọt.
Đến đây, mấy bà mấy chị lại rú lên kinh khiếp. Nhiều người mặt mũi tím tái, đỏ au lên. Mấy cô gái tuổi trăng tròn không dám nhìn nữa, cứ úp mặt vào lưng người khác. Thậm chí, mấy anh chàng mê nhậu nhẹt, khoe khoang không ít lần chén món rắn nướng, chả rắn, cũng thấy dờm dợm trong cổ.
Tôi cũng thuộc dạng ăn bừa bãi, từng ăn bọ xít ở Quỳnh Nhai, từng ăn châu chấu rang để nguyên ruột và cánh ở Bắc Yên và từng chén cả đĩa dế mèn, dế chũi ở thị xã Sơn La. Món ăn khủng khiếp nhất mà tôi từng nếm, ấy là rắn nướng tái. Lần ấy, đi công tác ở Cần Thơ, mấy đồng nghiệp ở báo Công An gồm Thanh Bình, Nam Giao, Nam Thơ đã chiêu đãi tôi món ăn mà đến bây giờ tôi vẫn còn kinh khiếp.
Bữa ấy, anh Giao xách về một xô, gồm mấy con rắn ri voi, ri cá, ngắn choẳn, to bằng cổ tay. Than hoa quạt lên cháy bùng bùng, con rắn nước to tướng đang sống ngo ngoe được rửa sạch, rồi một người cầm đầu, một người cầm đuôi, kéo căng. Dao chặt phầm phập. Rắn đứt tùng khúc, vẫn ngo ngoe. Khúc rắn được kẹp vào vỉ nướng, đặt lên than hoa cháy xèo xèo. Chỉ cháy đen lớp da, bong nứt, chảy mỡ, thế là mỗi ống một khúc cứ thế zô, cứ thế gặm.
Nhai hết lớp da, mới thấy thịt rắn bên trong vẫn sống nguyên, vừa dai, vừa ngọt. Máu rắn vẫn thấm đỏ kẽ xương sống. Sở dĩ tôi thuộc hạng liều ăn, liều uống, vì sinh ra lớn lên ở vùng Thái Thụy (Thái Bình), nơi nổi tiếng với món thịt chuột, món cá mè sống, nhệch sống, thịt và xương lợn sống băm nhừ ướp tỏi. Kể ra điều này, để bạn đọc biết rằng, tôi chả ngán gì món sống. Nhưng thú thực, nhìn ông Tùy nhai ngon lành con rắn độc vẫn ngo ngoe trên tay, tôi cảm thấy như có cái gì đó đang ứ lên cổ.
Con rắn bị cắn đứt phần đuôi, máu đỏ chảy ròng ròng. Ông kéo căng thân nó ra, rồi giơ lên trời, cho dòng máu tươi nhỏ vào miệng không sót một giọt. Khi nhũng giọt máu chảy chậm dần, ông đưa cái phần bị đứt của con rắn vào miệng và mút chùn chụt. Tôi thấy hai bên má ông hóp lại, chừng như mút mạnh lắm. Cảnh tượng ấy khiến người xem nghĩ đến một người đang đói khát, vớ được hộp sữa, mút lấy mút để.
Mút hết máu của con rắn, ông Tùy tiếp tục đưa con rắn lên miệng và nhai. Những người đứng tuổi xem buổi biểu diễn đều khẳng định giống rắn bù nặc mà to cỡ ngón tay cái người lớn là thuộc hạng “có tuổi”, xương rắn như đá. Nếu làm chả con rắn này, phải dùng sống dao băm đến mỏi tay mới nhừ được xương của nó.
Vậy mà đôi hàm răng của ông Tùy cứ như hàm của giống hổ, báo, sư tử, đớp một cái mà ngọt như dao phay chém chuối, con rắn lập tức đứt rời. Mà hàm răng nghiến cũng nhanh, chỉ thấy nhai đôi ba cái, rau ráu, rầu rệu, đã thấy nuốt chửng. Lúc ông đang chén rắn, một cậu bé mang cho cốc nước, ông uống một hơi hết nửa cốc, xúc miệng ùng ục, rồi lại chén tiếp. Ông cứ ăn hồn nhiên, ăn vô tư và dường như đã quá quen với sự kinh hãi của những người chứng kiến nên chẳng thèm để tâm.
Khi đã ăn gần hết con rắn, còn lại phần đầu, mọi người nghĩ rằng ông sẽ bỏ đi, vì đầu rắn có đôi nanh, là nơi chứa nọc độc. Nhung ông giơ lên bảo: "Tui ăn nốt nhé!". Nói rồi, ông đưa lên miệng và chén nốt. Cái đầu rắn cứng như thế mà vẫn bị chén ngon lành.
Ai cũng lo ông sẽ bị chất độc xâm nhập cơ thể, gây biến chứng, nhưng ông bảo chả có gì phải sợ. Ông đã chén cả một con rắn hổ mang chúa to bằng cổ chân, dài 4m, chén hết con hổ mang bằng cái ống tuýp nước, nhưng chả thấy có biểu hiện trúng độc gì. Thậm chí, ông còn liều lĩnh kiểm nghiệm cơ thể mình có khả năng kháng độc ra sao bằng cách... cho rắn hổ mang chúa cắn, nhưng cũng chả thấy chết.
Chuyện này tưởng hoang đường, nhưng về mặt khoa học có thể giải thích được. Khi cơ thể thường xuyên tiếp nhận một lượng nọc độc tăng dần, sẽ có khả nàng đề kháng và hệ thần kinh sẽ không bị nọc độc phá hủy.
Nọc độc rắn vào cơ thể lượng nhỏ còn có khả năng chữa một số bệnh về khớp. Tóm lại, xem buổi biểu diễn, cùng video mà tôi quay và hàng trăm tấm ảnh, thì tôi khẳng định mọi bộ phận của con rắn, từ nọc độc, máu, đến ruột, tim, gan, phèo phổi, dạ dày, thậm chí cả phân của con rắn... cũng bị ông Tùy chén hết, không bỏ đi một tẹo nào.
Khi con rắn vừa chui hết vào trong bụng, một cậu thanh niên đi làm đồng về ghé qua xem. Trên tay anh ta xách một con ếch to chừng cổ tay. Con ếch bị buộc dây ở bụng, đang nhoài nhoài như muốn chạy thoát. Cậu thanh niên này tóm được con ếch ở bờ mương khi đi làm đồng, định mang về làm chả.
Mọi người đồng thanh đề nghị hiến con ếch cho buổi biểu diễn và anh ta đồng ý liền. Dường như chén con cóc, con rắn và mấy con côn trùng chưa chắc dạ, ông Tùy nhìn con ếch với vẻ thèm thuồng. Không cần rửa ráy gì, mặc đá cát dính trên bộ da nhớp nhúa của con ếch, ông Tùy không chút e dè, đưa ngay con ếch đang giẫy nhoai nhoải lên miệng và "phập một cái" đứt luôn nửa con.
Bộ lòng con ếch nhều nhệu chảy ra ngoài, anh ta đưa nốt lên miệng mút sạch sẽ. Khi những người chúng kiến còn chưa hoàn hồn thì nửa trên con ếch đã chui nốt vào trong cải miệng to đùng của anh ta. Trông ông Tùy nhai sống con rắn, rồi đến con ếch, với máu me dính đầy môi mép, tôi không thể tưởng tượng trên đời lại có một người kỳ lạ như thế. Ông có một cái gì đó thực sự hoang dại...