Những người bị bệnh bạch tạng ở Tanzania đang được "săn lùng" như động vật quý hiếm bởi những người tham lam tiền bạc cũng như danh vọng. Thậm chí, người thân trong gia đình người bạch tạng cũng tham gia vào vụ "săn lùng" này.
Nhiều người ở Tanzania tin rằng, bộ phận cơ thể của người bạch tạng sẽ mang lại sự giàu có và may mắn cho những người có được bộ phận đó. Nhiều người sẵn sàng trả 3000 - 4000 USD cho một cái chân hoặc tay và trả nhiều hơn với mức 75.000 USD cho toàn bộ cơ thể người bạch tạng.
Chính vì vậy, số người bạch tạng bị giết ngày càng tăng lên hoặc nếu họ không bị giết thì họ cũng mất đi các bộ phận cơ thể của mình.
Thực tế, bạch tạng (albinism) là bệnh giảm sắc tố di truyền, tính lặn với biểu hiện giảm sắc tố đồng đều ở da, tóc và võng mạc. Da của người bị bạch tạng dễ bị bỏng nắng, do đó dễ bị ung thư da. Ngoài ra, bạch tạng còn gây ra rối loạn thị giác, giảm thị lực và sợ ánh sáng.
Ở Tanzania, trẻ sinh ra bị bạch tạng thường là kết quả của "quan hệ" cận huyết thống. Tỉ lệ những người mắc bệnh ở đất nước này là 1/1.400 người. Trong khi đó ở phương Tây là 1/20.000 người.
Hàng năm có hàng chục vụ giết người xảy ra, thậm chí những ngôi mộ của người bạch tạng cũng bị cướp.
Một số trường hợp tấn công người bạch tạng gần đây được ghi nhận. Bé gái 4 tuổi tên là Pendo Emmanuelle Nundi đã bị bắt cóc tại nhà vào tháng 12/2014. Cha và chú của bé gái này bị bắt giữ vì liên quan đến vụ bắt cóc. Mặc dù phần thưởng của cảnh sát là khá hậu hĩnh nếu ai phát hiện ra cô bé nhưng Pendo Emmanuelle Nundi đáng thương vẫn không được tìm thấy. Tổ chức từ thiện tại khu vực này không hy vọng cô bé được trả lại an toàn nhưng họ hy vọng cô bé sẽ không bị giết chết một cách tàn bạo.
Một trường hợp khác, cậu bé Mwigulu Matonange bị tấn công bởi hai người đàn ông trên đường cậu bé đi học về cùng với một người bạn. Cậu bé đã bị họ chặt đứt cánh tay trái của mình. Tuy nhiên, Mwigulu chưa bao giờ nhìn thấy hai người đàn ông đã lấy đi cánh tay của mình. Vì vậy, hung thủ rất khó xác định.
Theo báo cáo của Liên hợp quốc, một người phụ nữ bạch tạng, 38 tuổi đã bị chồng cùng bốn người đàn ông khác tấn công bằng một con dao phay khi cô đang ngủ vào tháng 2/2013. Bé gái đã thấy cha của mình mang một cánh tay của mẹ từ phòng ngủ đi ra.
Những người sống ở Tanzania thường bị cám dỗ bởi vài trăm đô la vì vậy họ thậm chí còn dám tấn công cả người thân của mình. "Bây giờ, chúng ta có thể nhìn thấy, các bậc cha mẹ cũng tham gia vào việc tấn công. Người bị bệnh bạch tạng đang bị truy nã để lấy bộ phận cơ thể bởi những người giàu có". Josephat Torner - người bảo vệ quyền lợi cho người bạch tạng nói.
Josephat đã vận động và kêu gọi mọi người không nên giết hại người bạch tạng. Tuy nhiên, ông luôn nhận được sự đe dọa và đã từng bị tấn công vào năm 2012.
Năm 2014, chính quyền Tanzania phát động chiến dịch gây quỹ xây dựng chương trình thuyết phục các cộng đồng từ bỏ quan niệm mê tín và chấm dứt tấn công người bạch tạng. Tuy nhiên, chương trình chỉ tập trung ở các thành phố lớn. Ramadhani Khalfan, Chủ tịch Hội người bạch tạng Ukerewe bộc bạch: "Thật ra, chúng tôi không có khả năng tài chính để vươn tới các cộng đồng nhỏ như làng mạc. Chúng tôi chủ yếu chỉ dựa vào radio hay truyền hình để tuyên truyền".