Đối với một số loài vật, “nhiệm vụ” giao phối đòi hỏi một sự hi sinh tột bậc. Điều này đặc biệt đúng với loài mực lùn phương nam, loài động vật thân mềm nhỏ hình tròn chỉ dài 7cm. Trong suốt vòng đời ngắn ngủi của mình, loài mực này giao phối với rất nhiều bạn tình.
Trong suốt quá trình giao phối có thể kéo dài đến 3 tiếng đồng hồ, mực đực sẽ bám dính và ôm lấy mực cái, thổi nước vào phía sau đầu mực cái.
Amanda Franklin, tác giả của nghiên cứu này tại Đại học Melbourne cho biết trên LiveScience: “Quá lạm dụng chuyện ân ái sẽ khiến mực lùn không thể tìm thức ăn, lẩn trốn kẻ thù hay thậm chí là không thể giao phối tiếp”.
Để kiểm tra quá trình giao phối này tốn sức lực như thế nào, Franklin và cộng sự đã tiến hành một thí nghiệm.
Họ bắt những con mực lùn ngoài khơi bờ biển đông nam của Úc và bỏ chúng vào hồ để kiểm tra thể lực. Các con mực phải bơi trong luồng nước chảy xiết, và khoảng thời gian chúng bơi cho đến khi kiệt sức được xem như giới hạn tối đa sức bền của chúng.
Ngày hôm sau, những con mực này được cho giao phối với những con mực không tham gia bài kiểm tra và cũng chưa quan hệ trước đó. Ngay khi vừa giao phối xong, những con mực này lại tiếp tục thực hiện bài kiểm tra thể lực.
Franklin cho biết: “Chúng tôi nhận thấy loài mực lùn này, cả con đực lẫn con cái chỉ bơi được nửa thời gian so với lúc ban đầu và mất khoảng 30 phút để hồi phục lại mức thể lực như cũ.”
Điều này có nghĩa là sau khi giao phối, mực lùn còn rất ít năng lượng để bơi, tránh kẻ thù, tìm thức ăn hay tìm bạn tình khác. Nhóm nghiên cứu còn cho rằng có thể giao phối quá thường xuyên là một nguyên nhân khiến tuổi thọ của loài mực này không cao.