Một nghiên cứu mới được công bố ngày 06/12 trên tạp chí nghiên cứu PloS ONE đã giới thiệu đến công chúng một hiện tượng thiên nhiên đáng chú ý về loài cá nhảy lên bờ để bắt mồi là những con chim bồ câu.
Những con cá, thuộc họ cá da trơn được phát hiện nhảy khỏi mặt nước để đớp những con chim đang trong tình trạng không một chút cảnh giác trên bờ trước khi rạch người lại xuống dưới nước để nuốt con mồi.
Đây là lần đầu tiên việc săn mồi trên cạn được phát hiện ở loài cá da trơn. Thông thường thức ăn của chúng chỉ là những nguồn thức ăn dưới nước như các loài thực vật, trứng cá, các loài cá khác, ốc, sâu, vv… Ngoài ra, trước đây con người mới chỉ biết tới việc săn mồi trên cạn của các loài động vật biển thuộc loài động vật có vú. Chính vì thế, loài cá da trơn này được các nhà nghiên cứu đến từ trường đại học Toulouse của Pháp đặt cho cái tên “những con cá voi sát thủ nước ngọt”.
Có chiều dài khoảng từ 1m đến 1 m rưỡi, loài cá da trơn châu Âu này là một loài cá nước ngọt có kích thước lớn nhất trong lục địa và xếp hàng thứ 3 thế giới.
Được phát hiện tại sông Tarn vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước, loài cá này dường như đã thích nghi với hành vi tự nhiên của chúng là bắt con mồi trong môi trường sống mới.
Các nhà khoa học đã dành ra 5 tháng để quan sát các con cá từ một cây cầu bắc qua sông Tarn. Trong suốt thời gian đó, họ đã quan sát được hơn 50 trường hợp bắt mồi. Thời gian của cuộc tấn công thường diễn ra rất nhanh, chỉ kéo dài khoảng từ một tới không quá 4 giây trong đó 40% trường hợp loài cá này lao khá xa khỏi mặt nước để bắt mồi khiến cả nửa thân mình chúng lộ ra ngoài. Thực tế là các con cá chỉ tấn công những con chim đang di chuyển nên nghiên cứu cho rằng chúng sử dụng các dao động của nước để săn các con mồi hơn là các quan sát bằng mắt. Các nhà khoa học cho biết hiện họ vẫn chưa xác định được nguyên nhân sinh thái học dẫn tới việc thích nghi kỳ lạ của loài cá này.