KỲ QUẶC » Kỳ quặc 4 phương

Lạ kỳ bộ tộc nghèo đeo cả ký lô vàng trên người

Thứ sáu, 17/02/2012 15:39

Bộ tộc người Ashanti thuộc đất nước Ghana nổi như cồn về việc buôn bán vàng và sự giàu có đến kinh ngạc. Và điều đặc biệt hơn cả là bộ tộc này có phong tục đeo những món trang sức nặng tới vài kí lô vàng trên người.

1. Ghana, tên chính thức là Cộng hòa Ghana, là một quốc gia tại Tây Phi. Ghana có biên giới với Côte d'Ivoire về phía Tây, Burkina Faso về phía Bắc, Togo về phía Đông, còn về phía Nam là Vịnh Guinea. Thủ đô và cũng là thành phố lớn nhất của Ghana là Accra.

Người dân Ghana cho rằng lịch sử của họ bắt nguồn từ Vương quốc Ghana cổ xưa tồn tại từ thế kỉ VIII đến thế kỉ XIII tại phía Tây châu Phi. Nhưng khi vương quốc này sụp đổ thì cư dân của nó đã di cư xuống phía Nam, lập nên những tiểu quốc Fante và đặc biệt là Vương quốc Ashante hùng mạnh. Những mối liên hệ về thương mại với người Bồ Đào Nha được thiết lập từ thế kỉ XV và đến năm 1874, Ghana trở thành một thuộc địa của Liên Hiệp Anh với tên gọi Bờ Biển Vàng. Năm 1957, Ghana trở thành thuộc địa đầu tiên ở vùng châu Phi hạ Sahara giành được độc lập. Ghana có nghĩa là "chiến binh của nhà vua" (ngự lâm quân) gắn liền với những vị vua thời trung đại của đế chế Ghana Tây Phi. Trước khi quốc gia Bờ Biển Vàng sáp nhập với Togoland thuộc Anh vào ngày 6 tháng 3 năm 1957, Ghana trở thành tên pháp lý của quốc gia này. Ghana là một nước có lịch sử lâu đời. Từ thế kỷ IV, đã ra đời Vương quốc Sarakolle rộng lớn, chạy dài từ bờ biển Đại Tây Dương đến sông Niger. Thế kỷ XI, Vương quốc Ghana trở nên cực thịnh với nền nông nghiệp, thủ công, buôn bán phát triển. Từ năm 1471, người Bồ Đào Nha thám hiểm và khám phá ra vùng bờ biển mà sau này có tên gọi là Gold Coast.

Bộ lạc Ashanti

Họ xây dựng pháo đài Elmina và giữ độc quyền buôn bán vàng trong khoảng một thế kỉ rưỡi. Sau khi loại trừ người Bồ Đào Nha, người Hà Lan, người Anh và một số thương gia châu Âu phân chia quyền kiểm soát và biến vùng này thành trung tâm mua bán nô lệ. Dân số Ghana vào khoảng 24 triệu người bao gồm hơn 100 nhóm dân tộc khác nhau. Tuy vậy, ở Ghana không có những xung đột dân tộc gay gắt có thể dẫn đến nội chiến như ở nhiều nước châu Phi khác. Ngôn ngữ chính thức ở Ghana là tiếng Anh. Tuy nhiên hầu hết người dân Ghana đều biết ít nhất một thổ ngữ.  Là một quốc gia đa dạng về thành phần dân tộc. Do đó, văn hóa của Ghana là sự pha trộn của nhiều nền văn hóa của các nhóm dân tộc khác nhau trong quốc gia này, bao gồm: người Ashanti, người Fante, người Kwahu, người Ga, người Ewe, người Mamprusi, người Dagomba cùng các nhóm dân tộc thiểu số khác. Sự đa dạng văn hóa này thể hiện rất rõ trong cách ăn, cách mặc và nghệ thuật của người dân Ghana. Một số nghi lễ đặc trưng của văn hóa Ghana cho đến hiện tại vẫn còn rất phổ biến ở quốc gia này như lễ sinh con, lễ trưởng thành, kết hôn và ma chay. Trong đó, đặc biệt nhất là tập tục đeo hàng kg vàng trên người trong các dịp gặp gỡ bạn bè của người dân bộ tộc Ashanti. 2. Bộ lạc Ashanti nằm ở phía Nam đất nước Ghana, thuộc Tây Phi. Cho đến nay, dân số của bộ tộc Ashanti vào khoảng 1,5 triệu người và gần như có tổ chức như một quốc gia thu nhỏ. Trước đây, vương quốc Ashanti nằm biệt lập giữa rừng, sống cuộc sống biệt lập, ít giao thương, buôn bán với thế giới bên ngoài.

Người Ashanti thường đánh giá đối tác làm ăn, sự tin cậy qua số lượng vàng mà mỗi người đeo trên mình.

Tuy nhiên, từ thế kỷ XIII, khi con đường buôn vàng mở qua vương quốc này, thì những người dân Ashanti đã tham gia một cách tích cực vào việc buôn vàng và trở nên lớn mạnh. Cho đến bây giờ, nền kinh tế của người Ashanti vẫn phụ thuộc vào việc buôn bán vàng. Bên cạnh đó thì người dân Ashanti cũng buôn bán nô lệ. Họ bán nô lệ cho các thương nhân người Mande và Hausa hoặc châu Âu. Hiện nay, người Ashanti vẫn duy trì chế độ mẫu hệ. Trong nhà, người mẹ, người bà làm chủ gia đình. Đàn bà cũng là người làm chủ một gia tộc. Một đứa trẻ được cho là thừa hưởng linh hồn của cha và cơ bắp, huyết thống của mẹ. Quan niệm này khiến người Ashanti vẫn tin tưởng vào chế độ mẫu hệ cho tới tận ngày nay. Mỗi người con trai trong bộ tộc Ashanti thường đi theo cha đến khoảng 8 - 9 tuổi. Trong quá trình đi theo người cha này, những đứa trẻ sẽ được dạy các kỹ năng lựa chọn, học đánh trống truyền thống. Trong khi đó, những người con gái lại đi theo các bà mẹ. Nhiệm vụ của các bà mẹ là dạy con gái nấu nướng, làm những công việc chính ngoài đồng ruộng, mang một số thứ cần thiết như nước về cho đại gia đình. Ngoài ra, người mẹ cũng sẽ dạy cho con gái kỹ năng để làm sao có thể bảo vệ tổ ấm gia đình của mình. Cưới hỏi là việc rất quan trọng với người Ashanti. Mặc dù theo chế độ mẫu hệ nhưng đàn ông Ashanti lại được phép lấy nhiều vợ. Tuy nhiên, người phụ nữ sẽ không có quyền kết hôn nếu chưa được bố mẹ cho phép. Các cuộc hôn nhân của người Ashanti phần lớn vẫn được mai mối giữa các gia đình với nhau. Nhiều phụ nữ thậm chí chưa từng gặp mặt chồng cho tới ngày kết hôn. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là cuộc sống của những gia đình người Ashanti không có hạnh phúc và nhanh chóng tan vỡ.

Số lượng vàng của người dân Ashanti không tỷ lệ thuận với mức độ giàu có trong cuộc sống của họ.

Ngược lại, mối gắn kết giữa những gia đình Ashanti là rất lớn. Trong văn hóa của người Ashanti gần như không có chuyện ly dị. Nếu chuyện ly hôn xảy ra thì cả hai bên gia đình nhà chồng và vợ sẽ phải có trách nhiệm hàn gắn mối quan hệ giữa hai người con. Do có nhiều thế hệ với nhiều thành viên cùng sinh sống trong một gia đình nên thông thường một đại gia đình Ashanti có thể sinh sống trong nhiều ngôi nhà. Nếu không có nhiều ngôi nhà cạnh nhau để sinh sống, đại gia đình Ashanti sẽ dựng những túp lều xung quanh ngôi nhà lớn và ở trong những túp lều đó. Trong đó, ngôi nhà lớn sẽ được dành cho con cả. Đây chính là người có quyền hành lớn nhất trong gia đình. Người Ashanti đặc biệt tin vào thế giới linh hồn, thần thánh. Họ cho rằng, con người, cây cối, động vật đều có linh hồn sống giống như con người. Người Ashanti cũng tin vào các nàng tiên, phù thủy, quái vật. Bởi thế, người Ashanti thường luôn cố gắng làm mọi việc để không mắc lỗi với thế giới linh hồn. Họ thường tổ chức các lễ nghi tôn giáo trước nghi bắt đầu một công việc trọng đại để tránh làm phật lòng thần thánh. 3. Mặc dù sinh sống ở đất nước Ghana nghèo đói, song bộ lạc Ashanti lại nổi tiếng giàu có. Sự giàu có của người dân bộ lạc thể hiện ở những khối vàng lớn được đeo lủng lẳng trên người. Với người dân bộ lạc này, vàng thể hiện địa vị, đẳng cấp, quyền lực của mỗi người. Do đó, người ta đua nhau đúc vàng thành những khối lớn hoặc các đồ trang sức nặng hàng kí để đeo trên người nhằm thể hiện sự giàu sang cũng như địa vị của mình. Vàng đối với người dân Ashanti không chỉ đóng vai trò là đồ trang sức. Nó chính là “linh hồn” của mỗi người dân Ashanti trong khi giao tiếp với những người xung quanh. Đồng thời, đó cũng là công cụ giao tiếp của bộ tộc Ashanti với các bộ lạc khác. Người Ashanti thường đánh giá đối tác làm ăn, sự tin cậy qua số lượng vàng mà mỗi người đeo trên mình. Một người Ashanti đeo càng nhiều vàng chứng tỏ anh ta hay cô ấy có cả gia tài khổng lồ. Như vậy, cũng có nghĩa là người đó rất đang tin cậy, kính trọng để có thể chọn làm người hợp tác cùng. Ngay cả trong việc lập gia đình, các chàng trai, cô gái người Ashanti cũng tìm vợ hoặc chồng dựa trên số lượng vàng mà chàng trai (hay cô gái) đeo trên cơ thể. Mức độ “dát vàng, dát bạc” trên người của đối phương chính là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá được khả năng làm vợ (làm chồng) tốt.  Tuy nhiên, số lượng vàng của người dân Ashanti không tỷ lệ thuận với mức độ giàu có trong cuộc sống của họ. Có một điều khá trái ngược diễn ra trong cuộc sống của những người dân Ashanti là mặc dù cư dân Ashanti thường xuyên đeo vàng lủng lẳng trên người với số lượng có thể lên đến vài kg song ở nhiều vùng ở bộ lạc này, cư dân vẫn sống cuộc sống rất nghèo khổ. Người dân thường xuyên không có thực phẩm để ăn, thậm chí là chết đói. Vàng không được sử dụng như một thứ vật chất mang lại cuộc sống no ấm mà chỉ để thể hiện mức độ giàu có tượng trưng với danh dự mà thôi.

Phunutoday