Steve Ludwin, 46 tuổi, đã có thói quen tự tiêm nọc độc rắn vào cơ thể mình và cho biết điều này giúp mình cảm thấy khỏe mạnh hơn cũng như chống chọi lại bệnh tật.
Ludwin có tình yêu với loài bò sát chết người từ năm lên 9 tuổi sau một lần gặp gỡ Bill Haast, một chuyên gia về rắn nổi tiếng từng bị cắn ít nhất 173 lần bởi các loài rắn độc khác nhau trước khi ông qua đời vào năm 2011 ở tuổi 100 vì lý do tự nhiên. Lúc sinh thời, Bill Haast cho rằng việc bị cắn bởi nhiều loài rắn độc khác nhau đã giúp ông có được sức đề kháng để chống lại nọc độc của rắn. Ông đã sử dụng máu của chính mình để làm huyết thanh chống nọc độc rắn giúp cho các nạn nhân bị rắn cắn. Chính điều này đã tạo cảm hứng cho cho Ludwin kiểm nghiệm xem việc bị rắn độc cắn có thực sự tốt cho cơ thể hay không và có giúp cơ thể ông sinh ra đề kháng chống lại nọc rắn hay không.
Tuy nhiên, thay vì để rắn độc cắn trực tiếp vào mình, Ludwin lại chọn cách tự lấy nọc của các loài rắn độc, sau đó sử dụng chúng để tiêm trực tiếp vào người mình với một lượng vừa phải. Ludwin cho biết điều này giúp ông cảm thấy khỏe mạnh hơn và có sức đề kháng cao hơn so với bình thường.
“Mặc dù tôi không khuyên bất kỳ người nào tiêm nọc độc rắn vào chính mình hoặc vào người khác, nhưng từ trải nghiệm của bản thân mình tôi tin rằng điều này sẽ mang lại những lợi ích cho sức khỏe”, Ludwin chia sẻ.
Trên thực tế, Ludwin cũng đã từng gặp không ít tai nạn do tiêm nọc độc rắn vào người. Ludwin đã từng phải trải qua thời gian chăm sóc đặc biệt sau khi dùng quá liều 3 loại nọc độc rắc khác nhau; từng trải qua một cơn đau tim bị nghi ngờ do nọc độc rắn hổ mang gây ra và một chân từng bị tê liệt tạm thời do tiêm nọc rắn. Tuy nhiên, giờ đây, việc tiêm nọc rắn độc vào người đã trở thành một thói quen không thể thiếu trong suốt 20 năm qua của Ludwin và ông cho biết vẫn sẽ tiếp tục thói quen này trong thời gian tới.
Hiện vấn đề nọc rắn có thực sự tốt cho sức khỏe hay không vẫn là một vấn đề đang gây nhiều tranh cãi. Trong một bài báo được công bố trên tạp chí Nature số tháng 10/2012, một nhóm các nhà khoa học Pháp đã chỉ ra rằng nọc độc của loài rắn Mamba đen có chứa một hợp chất mang lại tác dụng giảm đau. Các nhà khoa học này đã phân lập được một hợp chất mới, gọi là “mambalgins” và có tác dụng giảm đau tương tự như morphin. Một nhóm các nhà nghiên cứu khác đã xem xét khả năng sử dụng chất độc của rắn để tiêu diệt các tế bào ung thư. Các nghiên cứu chỉ ra rằng nọc độc một số loài rắn có khả năng ức chế sự tăng trưởng của tế bào ung thư ruột kết, trong khi đó độc tố từ rắn hổ mang sa mạc đã tiêu diệt được tế bào ung thư tủy hay ung thư máu… Tuy nhiên, tiêu diệt tế bào ung thư trong phòng thí nghiệm khác xa với việc phương pháp điều trị hữu hiệu trên người sống.
Nhiều cuộc nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng nọc độc rắn có tác dụng ngăn chặn lão hóa cũng như phòng ngừa các cơn đột quỵ do đau tim… Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là những kết quả nghiên cứu và chưa có kết luận chính thức với tác dụng thực sự trên người, nên hành động tự tiêm nọc độc rắn lên người để có sức khỏe tốt hơn như trường hợp của Steve Ludwin được xem là một hành động liều lĩnh và không được thực hiện theo.