Các bí quyết giúp bé thích vận động
- Trước hết, bạn hãy làm gương cho bé bằng cách tập thể dục hàng ngày và luôn dành thời gian để chơi với bé.
- Lên kế hoạch cho các hoạt động ngoài trời của gia đình. Cả gia đình có thể đi bơi, đạp xe hoặc đi bộ cùng nhau. Như vậy, bạn vừa xây dựng lối sống lành mạnh cho trẻ, vừa tạo thêm nhiều thời gian vui vẻ giữa các thành viên trong gia đình.
- Hãy luôn động viên và ủng hộ bé khi bé gặp khó khăn lúc vận động.
- Khuyến khích bé chơi ngoài trời và luôn khen ngợi khi bé làm vậy
- Khuyến khích bé tham gia các câu lạc bộ thể dục thể thao hay các lớp ngoại khóa ngoài trời.
- Với bé trên 4 tuổi, hãy để bé giúp các công việc hàng ngày trong gia đình như làm vườn, rửa bát hay lau nhà. Việc nhà không chỉ giúp bé ham vận động mà còn dạy bé về kỹ năng xã hội. Khi giúp mẹ làm việc, bé có cảm giác mình là người quan trọng, là một thành viên hữu ích khiến cha mẹ vui lòng.
- Với trẻ đã bắt đầu đi học tiểu học, bạn có thể cho bé tập đi xe đạp đến trường thay vì đưa đón bé mỗi ngày. Nếu không yên tâm cho an toàn của bé, bạn có thể liên lạc với các phụ huynh khác trong lớp cho trẻ đi học theo nhóm , vừa giúp bé vận động mỗi ngày lại vừa giúp bé dễ hòa nhập với bạn bè.
- Bóng, xe đạp, các dụng cụ thể dục đều là những món quà tuyệt vời thúc đẩy các hoạt động thể thao và cơ hội chơi ngoài trời của bé.
- Giới hạn thời gian xem TV và chơi máy tính của bé. Cố gắng hạn chế tổng thời gian ngồi trước màn hình của trẻ không quá 1-2 giờ mỗi ngày. Đừng quên bạn là hình mẫu cho con, vì vậy bạn phải làm gương cho trẻ bằng cách giới hạn thời gian ngồi trước màn hình của mình.
Một số lưu ý khi cho bé vận động
- Trẻ em từ 2 tuổi trở lên cần ít nhất 60 phút tập thể dục mỗi ngày. Điều này không có nghĩa là trẻ phải tập liền một lúc trong vòng 60 phút. Việc tập luyện có thể được thực hiện trong suốt cả ngày bằng cách chia ra làm nhiều đợt ngắn.
- Trẻ thường rất hiếu động và khó kiểm soát được những hàng động của mình, vì thế khi trẻ chơi thể thao thường rất dễ bị chấn thương. Cha mẹ nên quan sát tình hình sức khỏe của con em mình để có những bài tập thể dục sao cho phù hợp. Đối với những trẻ có bệnh về tim mạch, sức khỏe yếu thì nên có những bài tập riêng.
- Khuyến khích, nhưng không gây áp lực buộc con bạn tham gia các hoạt động đội nhóm mà nên theo tính cách, sự lựa chọn của trẻ.
- Rèn luyện thể lực cần kết hợp với kỹ thuật. Điều này giúp trẻ phát triển thể lực cân đối và tránh được chấn thương.
- Cha mẹ đừng quên lựa chọn chế độ dinh dưỡng tương xứng với mức vận động của trẻ. Mức dinh dưỡng quá cao sẽ gây ra béo phì. Ngược lại, chế độ dinh dưỡng ít không đủ để đảm bảo cho các hoạt động học tập, thể thao diễn ra thường xuyên của trẻ.