Song sinh dính liền
Song sinh dính liền, hay còn gọi là song sinh Xiêm (cách gọi theo nước đầu tiên phát hiện trường hợp song sinh dính liền), là một dạng rối loạn hiếm gặp khiến các cặp sinh đôi dính liền với nhau tại một hay nhiều bộ phận trên cơ thể. Trong những trường hợp hiếm nhất, hai bé sẽ dính nhau tại đỉnh đầu, Cbsnews cho hay. Bác sĩ có thể phẫu thuật tách rời họ và cả hai cùng sống. Nhưng tỷ lệ thành công của những ca phẫu thuật như vậy rất thấp.
Hội chứng Ambras
Hội chứng Ambras là một dạng rối loạn khiến trẻ sơ sinh có nhiều tóc hơn bình thường. Chúng mọc trên mặt và khắp cơ thể, theo Hairscientists. Rất may, căn bệnh này khá hiếm. Hiện nay, cả thế giới chỉ có khoảng 40 người mắc hội chứng Ambras. Tuy nhiên, nó rất nguy hiểm, đặc biệt là về mặt tâm lý vì bệnh nhân thường bị bài xích và cô lập.
Dị dạng dính chi
Dính chi là một loại dị dạng khiến các chi dính liền. Thông thường, các ngón tay hoặc ngón chân của bệnh nhân sẽ dính vào nhau. Tuy nhiên, trong một trường hợp gần đây ở Peru, một bé gái chào đời với hai chân hoàn toàn hợp nhất, Abcnews đưa tin. Dị dạng khiến em giống như nàng tiên cá. Tỷ lệ trẻ sơ sinh mắc chứng dính chi là 1/70.000.
Cyclopia, dị dạng độc nhãn
Cyclopia là tên của loại dị dạng mà trẻ em sinh ra chỉ có một mắt ở giữa trán. Giới khoa học đặt tên nó theo tên người Cyclopia trong thần thoại Hy Lạp. Người ta cho rằng nguyên nhân của loại dị dạng này liên quan đến loại thuốc điều trị ung thư mà người mẹ sử dụng trong thời kỳ mang thai, Medicinenet cho hay.
Dị dạng hai đầu
Dị dạng hai đầu là loại dị dạng mà một đứa trẻ ra đời với một cái đầu ký sinh từ thai nhi song sinh nhưng không được sinh ra. Hiện tại, người ta mới chỉ ghi nhận 10 trường hợp dính đôi đầu và chỉ 3 người trong số đó sống sót, theo Forteantimes. Trong một trường hợp kỳ lạ, cái đầu thứ hai có thể mỉm cười, chớp mắt, khóc và bú sữa.
Bào thai nằm trong bào thai
Bào thai nằm trong bào thai là trường hợp đứa bé ra đời cùng với anh em sinh đôi nằm trong cơ thể bé. Cả hai hình thành từ một quả trứng nhưng trong thời kỳ nằm trong bụng bé, một trong số chúng bị hấp thụ và chuyển vào sống ký sinh trong cơ thể đứa kia, The Guardian cho hay. Ngày nay, y học có thể phẫu thuật loại bỏ bào thai ký sinh ra khỏi cơ thể trẻ sơ sinh mà không gây ra tác động xấu.
Bệnh loạn sản xơ xương
Những đứa trẻ mắc bệnh loạn sản xơ xương sẽ phát triển xương ở những khu vực bị tổn thương. Đối với những người bình thường, các vết thương sẽ lên da non và để lại sẹo. Tuy nhiên, những người mắc bệnh loạn sản xơ xương sẽ phát triển số lượng xương lớn khiến chúng trở nên yếu ớt, theo The Atlantic. Những chiếc xương dư thừa phá hủy các khớp. Nghiêm trọng hơn, các bác sĩ không thể phẫu thuật loại bỏ chúng vì như vậy sẽ tạo cơ hội để xương tiếp tục phát triển ở vết thương do quá trình phẫu thuật gây ra.
Bệnh lão nhi
Bệnh lão nhi xuất hiện ở một trong số 8 triệu ca sinh nở. Trẻ em mắc bệnh sẽ bắt đầu rụng tóc, hình thành các nếp nhăn khiến gương mặt trông giống người già. Ngoài ra, bệnh lão nhi gây nguy hại nghiêm trọng đối với động mạch. Vì thế, bệnh nhân thường qua đời ở tuổi vị thành niên, Mayoclinic.org cho hay.
Dị dạng thừa đuôi
Dị dạng thừa đuôi là những đứa trẻ chào đời với một cái đuôi bán chức năng nhưng có đầy đủ cơ bắp, dây thần kinh, da và mạch máu. Các nhà khoa học cho rằng đột biến gen là nguyên nhân dẫn đến loại dị dạng này, theo Livescience.
Bệnh thiếu não
Thiếu não là loại dị dạng mà trẻ em ra đời mà không có não và dây cột sống. Đây là căn bệnh không có cách chữa và hầu hết trẻ sơ sinh mắc bệnh đều chết trong quá trình sinh nở. Theo Viện Quốc gia về Rối loạn Thần kinh và Đột quỵ, một đứa bé mắc bệnh thiếu não thường mù, điếc, vô thức và không cảm thấy đau đớn. Mặc dù một số trường hợp trẻ sơ sinh có cuống não chính nhưng việc thiếu một bộ não với đầy đủ chức năng sẽ khiến nó vĩnh viễn không thể có ý thức. Các hoạt động như thở, phản ứng với âm thanh hay sự va chạm xảy ra như những phản xạ vô điều kiện.