Đối với nhiều người, rắn là một loài vật độc ác, thần bí và vô cùng đáng sợ. Tuy nhiên, với rất nhiều dân tộc trên thế giới, rắn lại là con vật mang tới may mắn và hạnh phúc. Có rất nhiều phong tục về loài rắn trên thế giới khiến nhiều người phải lắc đầu lè lưỡi.
Ngôi đền nhung nhúc rằn ở Malaysia Nằm ở Sungai Kluang, cách thủ phủ bang Penang, Malaysia 14 km về phía Nam, ngôi đền rắn còn được biết đến với tên gọi Azure Cloud (đền mây xanh) hay Pure Cloud Temple (đền mây trong) để bày tỏ lòng trân trọng với bầu trời rất đẹp của đảo Penang. Theo những gì còn được ghi chép lại thì ngôi đền được xây dựng vào năm 1873, ban đầu chỉ là một am nhỏ thờ Trần Chiếu Ứng, một pháp sư, anh hùng chống nhà Nguyên cuối triều Tống, quê ở An Khê, Phúc Kiến. Sau này ông đi tu, lấy pháp danh Thanh Thủy. Ngôi đền được hoàn thành vào năm 1895 với tên gọi chính thức là Phúc Hưng cung. Tuy nhiên, ngay sau đó không lâu, đã có rất nhiều rắn bò vào đền để ăn lễ vật của người dân cúng bái. Đặc biệt, mỗi độ xuân về, cũng là mùa lễ hội tới, rắn bò về nơi đây ngày càng đông hơn. Càng đuổi, chúng càng tìm đến, con to dài hơn 1 mét, con nhỏ chỉ nhỉnh hơn chiếc đũa. Cuối cùng, không có cách nào đuổi chúng đi, người ta đành để mặc cho chúng bò vào trong đền, vì dẫu sao chúng cũng chưa từng hại ai bao giờ. Cái tên đền Rắn cũng bắt đầu xuất hiện từ đó.
Mới bước vào đền, nếu không biết trước, nhiều người sẽ chết ngất khi thấy vắt vẻo trên đầu mình là những con rắn đủ kích cỡ, màu sắc, chủng loại đang mở trừng hai mắt im lặng quan sát người dân đến dâng hương làm lễ. Trên ban thờ, lọ hoa, mâm quả, thậm chí ngay trên ngai, vai tượng cũng có rắn.
Theo lời kể của người dân địa phương, mặc dù chúng đều là rắn độc, nhưng hơn một trăm năm qua, người ta chưa ghi nhận một vụ rắn cắn nào xảy ra ở đây. Ban ngày, lũ rắn mỗi con nằm im một chỗ, mở to hai mắt và hầu như không nhúc nhích, động đậy, tuyệt nhiên không cắn người và cũng chẳng sợ người. Khi màn đêm buông xuống là lúc những tiếng vèo vèo, những âm thanh loảng xoảng, choe choé phát ra từ chính điện. Ấy là lúc lũ rắn tranh nhau ăn trứng gà và các phẩm vật người dân dâng cúng.
Những con rắn lục lao mình từ xà nhà xuống, những chú cạp nong, cạp nia cũng không chịu kém cạnh để kẻ khác ăn hết phần của mình. Nhưng khi bình minh lên, lũ rắn trở về trạng thái tĩnh tại, im lặng và quan sát. Ngày nay, người dân nơi đây coi rắn là những con vật linh thiêng. Chúng sống trong đền rất tự nhiên và tất cả mọi người đến thăm viếng đều ngạc nhiên vì chúng bình thản như không hề biết đến sự tồn tại của con người.
Trong suy nghĩ của họ, những ngài rắn này chính là hóa thân của hộ pháp để bảo vệ và giữ gìn sự tôn nghiêm của ngôi đền. Nhiều người thì lại cho rằng, lũ rắn luôn trong trạng thái buồn ngủ vì ngửi phải quá nhiều khói hương trong đền.
Tục tắm sữa cho rắn hổ mang tại Ấn Độ
Tục lệ tắm sữa cho rắn hổ mang được duy trì lâu đời trong ngôi đền tại Amritsar, bang Punjab, miền Bắc Ấn Độ. Trong mùa lễ hội, hàng trăm tín đồ kéo về đây hành lễ. Khi những người biểu diễn rắn nắm chặt thân mình của rắn hổ mang chúa, các tín đồ liền tới tấp tưới sữa bò khắp người chúng, rồi dâng hoa tươi để thần rắn hưởng dùng.
Vào ngày chính lễ, từng đoàn người thức dậy từ tờ mờ sang, dập dìu ra sông tắm rửa để “tẩy uế” mọi bụi trần trước khi thực hiện nghi thức tắm sữa cho rắn. Riêng những người biểu diễn mang con vật linh thiêng tới từng nhà chúc phúc.
Theo quan niệm của đạo Hindu, được tận mắt chứng kiến rắn hổ mang bành là điều may mắn và dấu hiệu cho thấy tương lai hạnh phúc, tiền tài sắp tới gần. Do vậy, hằng năm, rất đông tín đồ đạo Hindu kéo tới ngôi đền linh thiêng này làm lễ. Riêng những người biểu diễn thì nhân cơ hội này để kiếm thêm chút đỉnh, trang trải cho cuộc sống của mình. Tuy nhiên, theo các nhà bảo vệ động vật, rắn là loài ăn thịt, thức ăn chủ yếu của chúng là chuột đồng, các loại chim, ếch và thằn lằn. Riêng sữa bò mà nguời người chen nhau tắm đẫm cho rắn không được liệt vào danh sách các món ăn hợp gu của loài vật này. Vì vậy, vào mỗi mùa lễ hội lại có tới hàng trăm con rắn bị chết bởi mất nước hoặc quá dị ứng với sữa. Ngôi làng làm bạn với rắn hổ ở Thái Lan Tại ngôi làng Ban Khok Sa – nga ở Thái Lan, người dân già trẻ lớn bé đều coi rắn là những người bạn diễn của mình. Ở đây, bạn có thể tận mắt xem các buổi biểu diễn mà “nhân vật chính” là những con rắn. Theo lời kể của người dân, từ năm 1951, một bác sĩ người trong vùng tên là Ken Yongla đã khởi xướng chương trình biểu diễn với rắn hổ mang. Chương trình này đã rất thành công khi thu hút một lượng khách khá đông tới xem biểu diễn.
Học tập theo sáng kiến của bác sĩ đó, những người dân trong làng đã phát triển nghề nuôi rắn và biểu diễn cùng loài bò sát này. Ngày nay, nguời dân vẫn thuờng xuyên tổ chức hàng loạt các buổi biểu diễn khác nhau như múa rắn, đấm bốc giữa người và rắn hổ mang. Điều đáng nói là dân làng Ban Khok Sa-nga không mấy quan tâm tới việc đảm bảo an toàn. Đã có nhiều tin đồn về việc khách du lịch bị mất mạng do rắn cắn. Tuy không biết những tin đồn này có thật hay không, nhưng những người dân nơi đây chắc chắn đã có lần phải chịu các tai nạn nghề nghiệp. Một ví dụ điển hình là ông lão 72 tuổi Bualee Chai, một người nuôi rắn hàng đầu của làng, đã bị rắn cắn tổng cộng 21 lần. Song ông lại lấy làm tự hào về thành tích này. Ông đã theo nghề được hơn nửa thế kỷ và thỉnh thoảng cùng các chú rắn hổ mang đi lưu diễn khắp đất nước. Bàn tay ông cụ giờ chỉ còn mấy ngón do bị rắn cắn. Tục mai tang cùng rắn độc ở Việt Nam Một bộ phận những người Khmer theo dòng Phật giáo Nam tông ở tỉnh Tây Ninh có tục lệ lạ là khi chết, trong áo quan của người xấu số không thể thiếu sự hiện diện của… rắn độc. Họ quan niệm rằng, nếu khi chết đi được chôn cất cùng một con rắn độc thì linh hồn người chết sẽ được bảo vệ, được che chở trước những thế lực độc ác. Không những vậy, người Khmerr cũng quan niệm rằng, rắn độc là một loài vô cùng có ích và thân thiện bởi thực tế, rắn thần Naga 9 đầu chính là linh vật được thờ cúng rộng rãi nhất của những cư dân ở đây. Về phong tục mai tang của dân tộc mình, nhà sư Quo Xa Toa sống hơn 30 năm ở chùa Thác Rác ở ấp Bến Cừ, xã Ninh Điền (Châu Thành, Tây Ninh) nói rằng, trong quan niệm của người Khmer, rắn thần Naga 9 đầu chính là rắn hổ mang chúa và hàng trăm con của Naga chính là thần hộ mệnh bảo vệ loài người trước những hiểm họa, ngay cả khi người đó đã về thế giới bên kia. Vì vậy, bất kỳ ai theo đạo ở đây chẳng may chết đi, trước khi an táng cũng sẽ được đặt cùng một con rắn độc, có thể là hổ mang, hổ mây, hổ hoành, hổ hèo... Theo tập tục này, gia đình nào có người thân về thế giới bên kia thì phải tìm kiếm một con rắn càng độc càng lớn càng tốt. Khi có rắn rồi, họ phải nhờ các nhà sư trong chùa đến làm lễ, cầu nguyện và giết chết con rắn đó, lấy máu của nó nhỏ vào vách gỗ của chiếc quách chứa tử thi. Sau khi làm lễ nhập quan cho người quá cố xong, mọi người mới cẩn thận đặt con rắn như một tấm bùa hộ mệnh bên cạnh. Con rắn quấn trong một lớp vải màu đỏ. Khi tất cả những nghi lễ đó xong xuôi thì người chết mới được mang đi chôn cất. Ngoài ra, trên phần mộ của những người đã chết đó còn có xây dựng hoặc vẽ một chiếc cầu, là nơi để rắn thần Naga có thể đi về, ban phước cho những linh hồn dưới cõi âm. Đó chính là chiếc cầu ô thước âm – dương trong quan niệm của nhà Phật được người Khmer nơi đây cải biên cho phù hợp với nếp sống của mình.