Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) mới đây đã “trình làng” nhữngphong tục kỳ lạ nhất trên thế giới theo bình chọn của người dân toàn cầu. Theo đó, các phong tục này được liệt vào di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại và sẽ được bảo tồn đặc biệt.
Điệu nhảy lắc đầu của nông dân Hàn Quốc
Xuất phát từ những điệu nhảy cầu mưa của cộng đồng người dân gốc Hàn Quốc sống tại miền đông bắc Trung Quốc, điệu nhảy-múa vui nhộn dùng nhiều động tác lắc đầu này mang tới cho người xem nhiều điều thú vị.
Điệu nhảy đặc biệt này mô phỏng các chuyển động của thiên nhiên cũng như con người trong nông nghiệp, các thành viên tham gia nhảy mặc quần áo sặc sỡ, nhảy liên tục trong âm thanh của cồng chiêng, trống.
Lễ hội “xây tháp người” ở Tây Ban Nha.
Lễ hội đặc biệt này được tổ chức hàng năm ở các thị trấn và thành phố vùng Catalonia của Tây Ban Nha. Các nhóm người chia thành các đội, phân biệt với nhau bởi màu quần áo. Hết người này đến người kia sẽ có nhiệm vụ trèo lên vai đồng đội để nâng chiều cao của “ngọn tháp” mà họ đang xây. Thông thường người ta chỉ có thể đứng vững trên vai nhau ở tầng 10 đổ lại.
Càng lên cao, người chơi càng phải nhẹ và thường là các em bé trai, gái. Lễ hội này không giới hạn giới tính, độ tuổi tham gia, nhưng cũng có những “kinh nghiệm gia truyền” đã và đang được truyền lại cho nhiều thế hệ.
Trang trí xe bò – biểu trưng cho địa vị xã hội ở Costa Rica
Đó là một truyền thống đặc sắc tại đất nước Nam Mỹ, khi mà chiếc xe bò được trang trí cầu kỳ trở thành niềm tự hào của các gia đình. Chiếc xe bò truyền thống ở Costa Rica được gọi là “oxcart”, vốn được sử dụng từ giữa thế kỷ XIX để vận chuyển cà phê từ Costa Rica tới bờ biển Thái Bình Dương.
Ở Costa Rica, chiếc xe bò còn là một biểu tượng cho địa vị xã hội và dần trở thành một truyền thống hội họa hết sức phong phú. Người dân gọi mỗi tác phẩm trên chiếc xe bò là một “bài ca của riêng mình”.
Khi không còn là phương tiện giao thông, những oxcart biến mình trở thành một trong những niềm tự hào của người dân nơi đây.
Dùng những câu nói đùa để giải quyết mâu thuẫn tại Nigeria
Tại Nigeria, các câu chuyện hội thoại mang tính đùa giỡn lại là một cách giải quyết mâu thuẫn phổ biến. Mang hình thức như một trò đùa trêu chọc giữa hai người, người dân Nigeria biến nó trở thành một biện pháp giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.
Những người tham gia buộc phải nói sự thật, xen lẫn những câu ví von, chọc cười đối phương. Hiệu quả mà truyền thống này mang lại thực sự hữu ích và hiện nay được phổ biến tại nơi công cộng, trên nhiều lĩnh vực, từ trong gia đình cho tới các văn phòng làm việc.
Lễ hội đấu vật “trong dầu mỡ” tại Thổ Nhĩ Kỳ
Hàng ngàn người thuộc nhiều độ tuổi khác nhau mỗi năm lại tập trung tại Edirne, Thổ Nhĩ Kỳ để tham gia cuộc đấu vật Kirkpinar. Điều đặc biệt là tất cả những người tham gia buộc phải bôi dầu mỡ khắp người.
Các đô vật chỉ được mặc một chiếc quần dày làm bằng da trâu hoặc da bò. Trước đó, họ phải thực hiện nghi lễ khởi động, chào khán giả và lắng nghe lời cầu nguyện của một vị Cha xứ.
Nói chuyện với nhau bằng tiếng sáo ở đảo La Gomera, Tây Ban Nha
Có lịch sử từ hàng ngàn năm nay, tiếng huýt sáo của người dân sống tại đảo La Gomera (Tây Ban Nha) đã được sử dụng tương tự như một ngôn ngữ. Đây là nét phong tục độc đáo có duy nhất trên thế giới.
Các tiếng huýt sao khác nhau thay thế cho các nguyên âm và phụ âm. Người ta có thể dùng các “bảng chữ cái” đó để trao đổi thông tin với nhau trong điều kiện rừng núi cách trở và vô cùng… bảo mật. Dùng sáo làm ngôn ngữ thậm chí đã được đưa vào chương trình dạy học ở đảo này từ năm 1999.