“Thủy quái” tôm lai cua
Thủy quái tôm lai cua là câu chuyện khá ầm ĩ xảy ra vào năm 2009. Sự việc bắt đầu từ một diễn đàn câu cá. Một cần thủ vào chợ Bưởi (Tây Hồ, Hà Nội) mua tôm làm mồi câu, đã mua được mớ tôm hình… quái thú. Lập tức, cần thủ này đã đưa ảnh con vật lên diễn đàn.
Ngay lập tức dư luận nóng hầm hập. Người thì bảo đó là tôm, người khẳng định là cua. Theo bức ảnh và mô tả của mọi người, thì nó có cái mũi như đầu châu chấu, phần đầu to như mai con cua với 8 cẳng tua tủa hai bên. Hai cái càng khổng lồ càng khẳng định nó là cua chứ không phải tôm. Duy chỉ phần đuôi khá nhỏ cong cong của nó là giống với loài tôm.
Người thì đồn rằng, con vật này là quái thai, người đoán mò các nhà khoa học Việt Nam lai tạo tôm với… cua. Có người còn tin rằng tôm bị nhiễm phóng xạ. Thôi thì đủ kiểu đồn đoán.
Sau hàng loạt cuộc tranh cãi, cuối cùng, cả nước mới vỡ lẽ, đó là tôm rồng Bắc Mỹ, là loài crayfish. Người Việt ở Mỹ gọi là tôm hùm đất. Nó là món ăn phổ biến ở Mỹ. Ngày đó, một công ty nước ngoài đã nuôi thử nghiệm ở Phú Thọ. Loài tôm này sống dưới nước, song lại đào hang, bò lên bờ như cua, nên nó phát tán ra ngoài. Dân chài lưới bắt được vài con, đem bán ở chợ, thế là xôn xao dư luận.
“Thủy quái” Hồ Tây
Đúng vào dịp dư luận náo loạn vụ “tôm lai cua”, thì trên một số trang web chuyên về cá cảnh xuất hiện một video clip thủy quái Hồ Tây (Hà Nội). Đoạn clip trên mạng ghi hình một con vật kỳ dị nổi lên ở chỗ chùa Trấn Quốc. Theo người quay clip, con vật có hình thù đầu người, mình trăn… với cặp mắt trắng dã và mái đầu bạc phơ. Có hai con, một đực, một cái, nhưng con cái đã… chạy mất, không quay được.
Thông tin trên đã khiến hàng ngàn người đổ xô về hồ Tây, với ống nhòm, máy quay, quyết tìm cho được quái vật. Tuy nhiên, cả tháng trôi qua, mà chẳng ai thấy thủy quái nữa. Cuối cùng, một số chuyên gia phân tích clip và khẳng định, đó chỉ là hình ghép.
“Ốc quái thai”
Quay về chuyện cách đây 7-8 năm, dư luận cũng được phen náo loạn về thủy quái ốc không nắp, với cái miệng thồi lồi ra ngoài. Ốc hồ Tây là đặc sản nổi tiếng của người Hà Nội. Thế nhưng, một hôm, một tờ báo đăng tin, ở hồ Tây xuất hiện ốc không nắp, khiến người dân Hà thành sốc nặng. Chuyện ghê gớm đến nỗi những người chuyên cào ốc cũng bỏ nghề vì nghĩ rằng ốc hồ Tây bị “ma ám”.
Hàng ốc hồ Tây ở chợ Bưởi. Đến người bán ốc cũng ghê sợ khi nhìn thấy những con ốc không nắp thò cái miệng ù ụ thịt ra bò. Tất nhiên, giới nghiền rượu ốc cũng hoảng hồn, không dám ăn nữa. Người thì cho là giống ốc lạ, người cho là ốc quái thai do môi trường nước Hồ Tây có chất độc. Có người cho rằng một cơ quan bí mật đã tiến hành lai tạo ra loài ốc mới, lai giữa ốc thường và… sên trần. Thậm chí, người ta còn đồn thổi Hồ Tây nhiễm phóng xạ nên hình thành một loài ốc quái thai.
Dư luận xôn xao quá, nên các nhà khoa học phải vào cuộc. Hóa ra, đây là loài ốc đá xanh có xuất xứ từ Hà Nam. Các nhà khoa học đã thử nghiệm thả loài ốc này xuống hồ Tây.
Ốc đá xanh hợp môi trường giàu dinh dưỡng của hồ Tây nên lớn nhanh như thổi. Chúng lớn nhanh đến nỗi nắp phát triển không kịp. Thực ra, loài ốc này có nắp, nhưng vì nắp phát triển chậm hơn vỏ, nên mỏng dính và trong suốt, phải dùng kính lúp mới nhìn thấy.
Khi “ốc quái thai” hồ Tây được giải oan, người dân không sợ ốc không nắp nữa, thì cũng là lúc hồ Tây cạn kiệt ốc. Nước ô nhiễm, làm tầng đáy thiếu ô xi, nên ốc chết sạch.
Cá chép “ma” quái dị
Khi dư luận vụ ốc không nắp vừa lắng xuống, thì người dân Hà thành lại được phen náo loạn vì xuất hiện cá chép không vẩy, hoặc chỉ có lốm đốm vài cái vẩy ở Hồ Tây. Thậm chí, người ta đã bắt được những con cá chép mình loang lổ, nhiều màu sắc, trông rất sợ.
Dư luận bàn ra tán vào rằng hồ Tây xuất hiện cá chép ma, nên không ai dám ăn. Thậm chí, nhiều người câu được loài cá này, lập tức bỏ cần chạy bán sống bán chết.
Cuối cùng, các nhà khoa học vào cuộc nghiên cứu và xác định, đây là loài chép lai giữa chép Việt Nam và chép Hungary. Năm 1972, Viện Nghiên cứu thủy sản I (ở xã Đình Bảng, Bắc Ninh) được các nhà khoa học Hungary tặng 4 cặp cá chép Hungary. Loài chép này mình ngắn, nhẵn nhụi, không có vẩy, lớn nhanh, ăn tạp, sống khỏe.
Các chuyên gia đã đem cá chép Hungary lai với chép Việt Nam thịt thơm ngon, nhằm tạo ra giống chép mới cho năng suất và chất lượng cao. Đến năm 1986, giống chép mới này lại được lai với cá chép Indonesia tạo ra giống chép mới nữa. Đến năm 1990, giống chép lai tạo này được thả đại trà ở Hồ Tây và phát triển rất nhanh. Những con chép không vẩy, mà người bán hàng thường gọi là chép lột, chính là gene lặn không vẩy từ đời tổ tiên của chúng lại thể hiện ra trong các thế hệ bây giờ.
Kỳ thực, đây là loại đột biến sắc tố trong cấu trúc di truyền của giống cá chép Hungary lai với chép Việt. Vì chép Việt màu hồng, chép Hungary màu đen, nên khi bị đột biến sắc tố, sẽ cho ra một loài có màu sắc loang lổ như vậy. Tuy nhiên, chất lượng thịt của loài cá này không có vấn đề gì.
Giờ thì người Hà Nội đã quen với những chú cá chép có mình loang lổ, hoặc có vài cái vẩy. Thậm chí, những chú cá này lại còn được ưa chuộng.
“Quái vật” đảo Cát Bà
Lời đồn xuất hiện quái vật đảo Cát Bà cũng từng khiến dư luận điên đảo trong suốt mấy năm trời. Không có tấm hình, không có video, chỉ có lời kể của một số người ở Cát Bà, thế là Cát Bà xuất hiện quái vật khổng lồ.
Cứ theo lời kể của ngư dân, thì quái vật ấy mình rắn, nhưng kích thước thân thì như con tàu cỡ lớn. Có người kể rằng, thấy hòn đảo nhô lên giữa biển, liền chèo thuyền đến. Mấy người nhảy lên hòn đảo rêu phong, không ngờ, ùm một cái, hòn đảo biến mất, sóng cuộn dâng khiến mấy người suýt chết đuối. Câu chuyện về quái vật đảo Cát Bà vốn gây ầm ĩ một thời gian dài, rồi cũng rơi vào thinh không. Dù quái vật đảo Cát Bà không nổi tiếng như quái vật hồ Loch Ness, nhưng xét về độ lớn, thì quái vật đảo Cát Bà ăn đứt mọi huyền thoại về quái vật trên khắp thế giới.