Theo tín ngưỡng Kanun, các gia đình ở một số khu vực của Albani sống theo chế độ phụ hệ. Điều này có nghĩa là người đàn ông mang vai trò đầu tàu kinh tế của gia đình và người vợ sẽ tới nhà chồng ở sau khi kết hôn. Độ tuổi kết hôn của họ thường rất trẻ, và vai trò của người phụ nữ thường bị đánh giá thấp. Người phụ nữ dường như chỉ bằng một nửa giá trị của người đàn ông.
Đối với những người theo tín ngưỡng Kanun, trang phục là điều quan trọng để phân biệt giới tính. Đàn ông sẽ mặc quần dài, đội mũ nồi và đeo đồng hồ, trong khi phụ nữ mặc váy, đeo khăn trùm đầu, đeo tạp dề và đôi khi cả mạng che mặt. Tất nhiên những điều này thì không có vẻ gì là lạ lùng.
Điều đặc biệt đó là một người phụ nữ có thể chọn trở thành một người đàn ông trong xã hội Kanun, đơn giản bằng cách thay đổi trang phục. Vì vậy nếu một phụ nữ Albani mặc như một người đàn ông, thì đó chính là một người đàn ông. Sự thay đổi về trang phục sẽ dẫn tới sự thay đổi về giới tính. Họ sẽ được gọi là các Virgjinesha.
Như đã nói, quá trình để một người phụ nữ trở thành Virgjinesha khá đơn giản. Quan trọng nhất là người phụ nữ này phải có lời thề theo tín ngưỡng Kanun để trở thành đàn ông. Và ngay sau đó, giới tính của họ được coi như đã thay đổi. Họ phải ăn mặc như đàn ông, đi đứng, nói chuyện, hành xử và làm việc cũng như đàn ông.
Tuy nhiên, các Virgjinesha phải sống độc thân suốt cuộc đời. Tất nhiên, những người này tự động trở thành người đứng đầu gia đình, nắm kinh tế, bảo vệ gia đình và tiếp đón khách. Mỗi Virgjinesha trở thành người đại diện cho gia đình họ trong xã hội Kanun. Điều này giống như một sự hy sinh lớn, nhưng nhiều phụ nữ Albani coi đó như một cánh cửa mở ra cơ hội mới - để sống một cuộc sống tự do và năng động hơn.
Trường hợp của Lule, mới 19 tuổi nhưng đã quyết định thành Virgjinesha mặc dù có một người em trai. Ngay lập tức, Lule trở thành người chịu trách nhiệm cho gia đình gồm 10 thành viên. Gia đình gọi Lule là "anh" hoặc "ông" trong khi cô điều hành một doanh nghiệp hàn xì của gia đình.