Mới đây, các nhà khoa học vô cùng bất ngờ khi phát hiện ra một sinh vật sống dưới một lớp băng dày 740m ở Nam Cực. Sinh vật này được xác định là một loài cá nhỏ có màu xanh hồng nhạt, dài khoảng 15cm với lớp da khá trong, có thể nhìn thấy mờ mờ phần nội tạng bên trong.
Giáo sư Ross Powell - một nhà địa chất băng ở Đại học Bắc Illinois cho biết: "Sinh vật này được phát hiện một cách tình cờ khi nhóm nghiên cứu của chúng tôi đưa một camera xuyên qua lớp băng nhằm quan sát khối băng bên dưới. Chúng tôi vô cùng bất ngờ khi đã phát hiện ra loài cá nhỏ này bởi thật sự trước đó, chúng tôi không hi vọng sẽ tìm ra được bất cứ sự sống nào ở nơi đây".
Địa điểm khám phá ra loài sinh vật này nằm cách bờ biển khoảng 20km, giữa các tấm băng lớn. Ông Ross Powell nói thêm: "Có tới 20 - 30 cá thể cá sống quần tụ ở đây, rõ ràng đó là một cộng đồng sinh sống".
Tiếp tục đưa camera xuống dưới khối băng, các chuyên gia còn bắt gặp 2 - 3 loài cá khác nhỏ hơn - có màu đen và cam. Chúng tôi cũng phát hiện ra một vài loài động vật giáp xác giống tôm có màu đỏ.
Giới khoa học cho biết, những phát hiện này làm đảo ngược giả thuyết lâu nay rằng môi trường khắc nghiệt ở Nam Cực - nơi không có ánh Mặt trời khó có thể tồn tại sự sống, ngay cả đối với loài vi sinh vật.
Các chuyên gia nhận định, cơ chế sinh học cho phép động vật giáp xác hay các loài cá này tồn tại trong môi trường sống khắc nghiệt trên và đâu là nguồn thức ăn của chúng vẫn là bí ẩn.
Một giả thuyết được đưa ra cho rằng, nguồn thức ăn cho các loài sinh vật này có thể là sinh vật phù du được trồng tại các vùng biển gần đó, sau đó xuôi theo thềm đá xuống đây.
Bên cạnh đó, có lẽ chính năng lượng bên trong lõi Trái đất chứ không phải ánh Mặt trời đã giúp các loài sinh vật này có thể tồn tại và phát triển.
Hiện, nhóm nghiên cứu vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, phân tích để tìm ra lời giải cuối cùng cho bí ẩn này. Theo giáo sư Powell, những phát hiện này sẽ giúp giới khoa học có cái nhìn rõ nét hơn về cấu trúc sinh thái đặc biệt ở Nam Cực.