Với bằng chứng là hàng loạt các bức ảnh và video "tua nhanh" thời gian, hiện tượng kỳ quặc và rùng rợn trên từng là chủ đề đồn đoán trong nhiều năm. Tuần qua, nhiều tờ báo Italia lại một lần nữa đồng loạt đưa tin, Rosalia Lombardo, một bé gái 2 tuổi chết vì bệnh viêm phổi năm 1920, đã chớp mắt vài lần vào ban ngày, để lộ đôi mắt xanh dương gần như còn nguyên vẹn.
Rosalia là xác ướp nổi tiếng nhất trong tổng số gần 8.000 xác ướp được tìm thấy trong các hầm mộ phía dưới tu viện Capuchin ở Palermo, Sicily. Cô bé cũng là một trong những xác ướp được bảo quản tốt nhất trên thế giới từ trước tới nay.
Với biệt danh "người đẹp ngủ", Rosalia trông như một đứa trẻ 2 tuổi đang chợp mắt. Được che phủ dưới một tấm chăn, khuôn mặt thanh thản của cô bé được tôn lên bằng những lọn tóc màu vàng, vẫn còn được cột chặt bằng một dải ruy băng quanh đầu.
Trước hàng loạt các lời đồn thổi suốt thời gian qua, các nhà nghiên cứu rốt cuộc lên tiếng giải mã hiện tượng lạ. "Rosalia không mở hay chớp mắt. Đó là một ảo giác thị giác, do ánh sáng lọc qua các ô cửa kính quan tài trưng bày, vốn thay đổi vào ban ngày, tạo ra", Dario Piombino-Mascali, người quản lý các khu hầm mộ Capuchin, tuyên bố.
Ông Piombino-Mascali nhấn mạnh, xác ướp Rosalia đã được dịch chuyển đôi chút, sang tư thế nằm ngang trong một chiếc quan tài bằng kính không có hơi ẩm, nhằm lưu giữ thêm nhiều năm nữa. Tư thế mới khiến việc quan sát mí mắt của xác ướp trở nên dễ dàng hơn. "Chúng không hoàn toàn khép chặt và trong thực tế chưa bao giờ như vậy", ông Piombino-Mascali nói.
Mặc dù hầu hết các xác ướp chôn cất trong hầm mộ được các thầy tu xử lý và về cơ bản được môi trường khô sấy khô, nhưng Rosalia được ướp xác nhân tạo, theo một cách khác. Để bảo quản vĩnh viễn thi thể con gái, cha của Rosalia đã nhờ Alfredo Salafia, một chuyên gia ướp xác và nhồi bông thú ở Sicily, người qua đời năm 1933. Salafia chưa bao giờ tiết lộ các hóa chất sử dụng để bảo quản xác ướp của mình.
Năm 2009, ông Piombino-Mascali đã phát hiện một bản viết tay, trong đó nghệ nhân Salafia đã liệt kê các thành phần dùng để ướp xác cô bé Rosalia. Công thức có ghi "một phần glycerin, một phần formalin bão hòa với cả kẽm sulfate và clorua, và một phần dung dịch cồn bão hòa với axit salicylic".
Quy trình rất đơn giản, bao gồm việc tiêm vào một điểm nhất định trên cơ thể mà không cần tháo rút nước hoặc xử lý ổ khoang. Hỗn dịch pha chế tỏ ra hoàn hảo. Formalin tiêu diệt vi khuẩn, glycerin ngăn cơ thể cô bé bị khô quá mức, axit salicylic loại bỏ nấm mốc, trong khi các muối kẽm về cơ bản làm thi thể Rosalia hóa đá.
Ông Piombino-Mascali hy vọng, từ giờ trở đi, các du khách sẽ ngưng chụp ảnh xác ướp và tạo dựng "những câu chuyện hoàn toàn vô căn cứ" về đứa trẻ đã chết.