Vào năm 1910, Alfred Gainsborough Mayor, một nhà khoa học Mỹ, phát hiện một con sứa hồng có kích thước lớn gần bờ biển thuộc thành phố Cookstown, bang Queensland, Australia. Mayor gọi loài sứa đó là Crambione Cookii. Hồi ấy giới khoa học chưa biết nhiều về loài động vật bí hiểm này. Dựa theo bản vẽ phác họa của Mayor, họ chỉ biết chiều dài thân của nó lên tới 50 cm và nọc của nó rất độc. Từ đó tới nay họ chưa bao giờ thấy sứa hồng khổng lồ thêm một lần nào nữa.
Mới đây Puk Scivyer, một nhà hải dương học làm việc cho công viên hải dương UnderWater World tại Mooloolaba, bang Queensland, đã thấy sứa hồng khổng lồ khi thả những con rùa ra biển. Cô đã bắt con sứa và mang nó về công viên hải dương UnderWater World, Daily Mail đưa tin.
"Ngay khi nhìn thấy nó, tôi đã biết nó là một loài mà tôi chưa bao giờ thấy. Đó là con sứa lớn nhất mà tôi từng thấy trong vùng biển Australia", Scivyer kể.
Nọc độc của loài Crambione Cookii mạnh đến nỗi những con vật bơi trong vùng nước gần nó có thể bất tỉnh.
Giới sinh học hải dương không hiểu tại sao sứa hồng khổng lồ lại có thể "mai danh ẩn tích" tới hơn 100 năm. Với con sứa hồng mà Scivyer bắt, họ có thể tìm hiểu rất nhiều điều về chúng - như môi trường sống, tuổi thọ, số lượng. Scivyer cho rằng phát hiện thêm một cá thể sứa hồng khổng lồ nữa là việc rất khó.