Trong quan niệm của người dân Liễu Châu, hai chữ "quan tài" (棺材) có cách phát âm tương tự với chữ "quan" (官) trong từ “quan chức” và "tài" (财) trong từ “tài lộc”. Xuất phát từ đặc điểm này, khoảng gần 20 năm trở lại đây, người Liễu Châu thường tặng nhau những chiếc quan tài với ngụ ý cầu chúc thăng quan tiến chức, phát tài, thịnh vượng.
Tuy nhiên, quan tài dùng làm tặng phẩm có hình dáng và kích cỡ nhỏ xinh, được trang trí cầu kỳ, đa phần có sắc đỏ rực rỡ, chứ không cồng kềnh, đơn sắc như loại thật dùng để an táng người chết.
Chính tập tục này đã khiến nghề kinh doanh quan tài nhỏ nở rộ tại các con phố của Liễu Châu. Tại các cửa hàng tặng phẩm, quan tài với đủ màu sắc, hoa văn cầu kỳ và muôn kiểu độ dài, khoảng 10 – 15 – 25 cm. Giá cả cũng khá phong phú, từ 15 đến 150 NDT (hơn 50.000 – 500.000 đồng). Với người Trung Quốc, quan tài nhỏ là sản phẩm thủ công mỹ nghệ rất tinh xảo, chứa đựng ý nghĩa tốt đẹp. Trên mỗi chiếc quan tài đều khắc chạm các câu chúc hàm ý sâu xa, nào: “Long phượng cát tường”, “Phúc thọ song toàn”, “Thăng quan phát tài”…
Theo tiết lộ của một chủ cửa hàng lưu niệm tại Liễu Châu, những người ưa thích tặng phẩm này phần lớn là các đại gia hoặc thanh niên. Quan tài nhỏ như ngón cái thường được mua để mang theo bên mình, với mong ước đi tới đâu phát tài tới đó. Loại có kích cỡ lớn thì được trưng bày trong nhà để chiêu tài, chiêu lộc.
Tập tục này còn xuất phát từ câu thành ngữ rất nổi tiếng của Trung Quốc: “Mặc ở Tô Châu, chơi ở Hàng Châu, ăn ở Quảng Châu, chết ở Liễu Châu”. Liễu Châu xưa nay nổi tiếng là quê hương của loại gỗ quý nam mộc, chuyên dùng để đóng quan tài. Loại gỗ này tỏa hương thơm kỳ lạ và có khả năng bảo quản thi thể rất tốt sau khi an táng, tránh mối mọt, thậm chí giữ nguyên trạng tới cả trăm năm. Nhà nào có người quá cố mà sắm được cỗ quan tài Liễu Châu ắt sẽ nở mày, nở mặt cùng thiên hạ.
Trước đây, nghề kinh doanh quan tài nở rộ tại phố Trường Thọ, Liễu Châu. Khi đó, người Trung Quốc chưa mấy thịnh hành tục hỏa táng. Bất luận người giàu, kẻ nghèo, sau khi qua đời đều được chôn cất bằng quan tài. Ngày đêm, khu sản xuất bên hai bờ Tam Giang nườm nượp nhân công và tiếng đẽo đục, nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân khắp vùng lẫn dân thành thị tại Bắc Kinh, Thượng Hải... Nhưng ngày nay, tập tục mai táng không còn được ưa chuộng, khiến người Liễu Châu xoay sang kinh doanh quan tài nhỏ. Đó cũng là vật phẩm tạo nên nét văn hóa độc đáo của mảnh đất trù phú này.