Lễ hội nhảy qua đầu trẻ El colacho (Tây Ban Nha)
Tây Ban Nha có vô số những lễ hội kỳ quặc, nào là lễ hội ném cà chua vào nhau ở Valencia, hay bị bò tót rượt đuổi khắp phố ở Pamplona, nhưng Lễ hội nhảy qua đầu trẻ ở Castrillo de Murcia, miền Bắc Tây Ban Nha, mới là một trong những lễ hội nguy hiểm tính mạng nhất thế giới đấy.
Cứ đến tháng 6 hàng năm, người dân ở thị trấn Castillo de Murcia gần Burgos, miền Bắc Tây Ban Nha, lại tổ chức Lễ hội nhảy qua đầu trẻ (Baby Jumping Festival) hay lễ hội El Colacho. Lễ hội này được tổ chức thường niên kể từ năm 1621 và bản thân nó cũng là một phần trong các hoạt động kỷ niệm ngày lễ Thiên Chúa giáo Corpus Christi trên toàn đất nước Tây Ban Nha.
Trong lễ hội, những em bé một tuổi sẽ nằm trên tấm nệm bông trải đầy cánh hoa hồng bằng giấy. Một vài người đàn ông ăn vận như Colacho - một nhân vật ác quỷ và khéo léo nhảy qua đám đông các em bé nằm phía dưới mà không được gây một chút thương tích nào cho các bé, rồi tiếp tục chạy ra khỏi thị trấn. Theo quan niệm, lễ hội là biểu tượng cho cuộc chiến giữa thiện và ác, nhằm xua đuổi quỷ dữ khỏi cơ thể các em bé, giúp các bé khỏe mạnh, ăn ngon ngủ yên.
Những em bé một tuổi nằm trên tấm nệm bông trải đầy cánh hoa hồng bằng giấy trên đường phố trong lễ hội El Colacho
Mặc dù được những người dân Tây Ban Nha hết sức đón nhận nhưng thực sự lễ hội El Colacho vô cùng nguy hiểm vì chỉ cần sơ sẩy một chút thì không biết điều gì sẽ xảy ra.
Lễ hội Sumo dọa trẻ con khóc (Nhật Bản)
Lễ hội Nakizumo (dọa trẻ con khóc) là một trong những lễ hội hài hước và độc đáo của Nhật Bản. Lễ hội này đã có tuổi đời 400 năm, tổ chức thường niên vào tháng 4 tại nhiều nơi trên khắp đất nước Nhật Bản. Trong lễ hội này, những đứa trẻ sơ sinh từ 6 đến 18 tháng tuổi sẽ được bố mẹ cho mặc những bộ quần áo truyền thống, sau đó được các võ sĩ sumo bế trên tay và dọa để chúng khóc càng to càng tốt. Người dân Nhật Bản tin rằng âm thanh của tiếng la hét sẽ giúp xua đuổi ma quỷ và trẻ con khóc càng to thì phát triển càng khỏe mạnh hơn.
Đứa trẻ đầu tiên bật khóc sẽ là người chiến thắng. Tuy nhiên nếu cả hai đứa trẻ khóc cùng một lúc, thì đứa trẻ chiến thắng là đứa trẻ khóc to hơn. Trong trường hợp những đứa trẻ không chịu khóc thì một biện pháp mạnh hơn sẽ được các võ sĩ sumo sử dụng. Thông thường trọng tài sẽ dùng mặt nạ quỷ đeo vào và dọa cho đến khi những đứa trẻ khóc mới thôi.
Tuy nhiên các chuyên gia y tế cho rằng trẻ con bị dọa và khóc quá lâu cũng không tốt cho sức khỏe, thậm chí có thể dẫn đến những tai nạn đáng tiếc.
Hun khói trẻ sơ sinh ( Sifudu, Châu Phi)
Sifudu là một bộ lạc hoang dã ở vùng xa xôi châu Phi. Khi em bé sinh ra được 3 ngày tuổi, người thân sẽ tập trung quanh túp lều, hái lá cây sifuru chất thành đống. Một ngọn lửa được nhóm từ đống lá sifuru đảm bảo phải tạo ra một màn khói mỏng, với mùi đặc trưng rất hăng gây khó chịu với mũi, miệng và mắt khi tiếp xúc.
Sau đó, em bé được một người phụ nữ dốc ngược đầu dí vào đám khói sifuru đưa qua đưa lại nhiều lần dưới háng trước khi trao trả lại cho mẹ của bé. Nghi lễ được tiếp tục diễn ra với những đứa trẻ cùng trang lứa và người Sifudu tin rằng thứ lá cây thiêng liêng này sẽ giúp cho lũ trẻ lớn lên không biết nhút nhát, sợ hãi trước bất cứ khó khăn nào và không bao giờ biết chế nhạo, khinh thường người khác vì đã bị đưa qua háng đàn bà ngay từ bé rồi.
Tung trẻ sơ sinh ( Ấn Độ)
Trong suốt 500 năm qua, những người theo đạo Hồi ở phía tây của Ấn Độ vẫn luôn duy trì truyền thống ném em bé từ độ cao 15 mét xuống mặt đất để cầu may. Đây là dịp mà những em bé sơ sinh được đưa lên trên nóc của một tòa nhà và thả cho rơi xuống phía dưới - nơi đã có sẵn một chiếc giường bạt được căng sẵn ra. Có em bé được chọn làm nhân vật chính cho nghi lễ truyền thống lâu đời này luôn luôn là niềm tự hào to lớn dành cho cha mẹ cũng như tất cả gia đình. Với việc được thả cho rơi xuống từ độ cao 15 mét, mọi người tin tưởng rằng sức khỏe tốt, may mắn, sự can đảm và tuổi thọ lâu dài sẽ đến với em bé.