Dê – thú cưng của Hoàng gia
Billy là tên chú dê dòng Kashmir tuyệt đẹp, hiện đang được “nghỉ hưu” sau chuỗi ngày được Tiểu đoàn 1 quân đội Hoàng gia Anh chăm sóc. Điều đặc biệt của chú dê “thú cưng” này là ở chỗ, chú chính là một món quà mà Nữ hoàng Anh đã tặng đơn vị này từ năm 2001. Trong tất cả các nghi thức tiếp đón Hoàng gia hay những chuyến công du nước ngoài, Billy luôn được “ưu tiên” dẫn đầu đoàn diễu hành.
Phục vụ nhiều năm tại căn cứ Tiểu đoàn 1 tại Chester, tướng Nick Zorab cho biết: “Nhiều người cho rằng việc nuôi và coi một chú dê như một thành viên trong đơn vị quân đội là chuyện đùa, nhưng đó là sự thật”. Billy hiện được “hưởng” sự chăm sóc như một quân nhân thời kì nghỉ hưu.
Nuôi cừu khổng lồ trong nhà
Đó là thú cưng “không thể kì lạ hơn”, được gia đình Palmer sống tại Newport (Anh) chăm sóc và nuôi dưỡng từ khi còn bé. Con cừu mang tên Nick Boing này được ông David Palmer phát hiện khi gia đình ông đến thăm một khu bảo tồn thiên nhiên địa phương, họ tình cờ gặp một chú cừu non với tiếng kêu “be, be” dễ thương tại một bụi cỏ bên đường. Dù đã đưa Nick về với khu bảo tồn, song như phép lạ, Nick luôn hướng đầu chạy lại phía gia đình ông. Palmer quyết định, nuôi chú cừu này và coi nó như một thành viên trong gia đình.
Việc nuôi một con cừu to lớn bất thường, kèm theo bộ lông xù đặc trưng trong gia đình không bị coi là phiền toái đối với gia đình ông David Palmer. Thậm chí, nó còn có chung sở thích với ông chủ, đó là nằm ghế sofa, xem T.V và ăn bỏng ngô.
Chọn thú cưng là… hươu cao cổ
Không ít người sẽ phải tá hỏa, nếu như bất chợt đang ăn sáng thì một cái đầu hươu cao cổ vươn dài vào và xin thức ăn. Nhưng đó là niềm vui mà gia đình Carr-Hartley (sống tại Kenya) đón nhận vào mỗi buổi sáng. Là một gia đình gốc Anh, sống ở khu dinh thự riêng tại vùng núi Kilimanjaro có đời sống thiên nhiên hoang dã phong phú, gia đình này đã quyết định cho nhiều loài động vật hoang dã đi lại trong khu đất rộng hơn 140 mẫu Anh của họ và đặc biệt, gia đình nuôi dưỡng riêng… một chú hươu cao cổ.
Như một thói quen, vào mỗi bữa sáng của gia đình, “thú cưng” đặc biệt này được người nhà cho ăn và vuốt ve. Vì kích cỡ quá khổ của mình nên nó không bao giờ chui vào được ngôi nhà của gia đình Carr-Hartley, song luôn được coi là một thành viên không thể thiếu.
Nuôi Tamanda – giống thú ăn kiến trong nhà
Đó là sở thích khá “dị thường” của bà Angela Goodwin, sống tại bang Oregon (Mỹ) khi nuôi trong nhà một con Tamandua – là một giống thú chuyên ăn kiến, có tên là Pua. Pua quen sống ở vùng nhiệt đới nên thậm chí, bà Goodwin còn may riêng của chú thú cưng độc đáo này cả tá áo len.
Chia sẻ về Pua, bà Goodwin cho biết, đã nuôi nó hơn 7 năm nay và cảm thấy vô cùng thoải mái. Giống Tamandua rất hiền lành, khi ngủ có thể ôm và có cảm giác như ôm một đứa trẻ. Và đặc biệt, Pua rất thông minh. Bà cũng cho biết, “nỗi sợ” duy nhất của bà về Pua chính là khi nó đi “bậy” trên thảm và phát ra một mùi khủng khiếp. Song không vì thế mà tình yêu của một nhà văn tự do và giáo dục về động vật lại giảm đi đối với Pua.
Cô bé 8 tuổi nuôi trong nhà hàng ngàn… con gián
Gián luôn bị xem là “kẻ thù” của mọi bà nội trợ. Song với Shelby Counterman, một cô bé 8 tuổi sống tại Oklahoma (Mỹ) thì gián lại là một phần không thể thiếu trong căn phòng của cô. Sở thích nuôi gián và coi chúng như một loài thú cưng xuất phát khi trường tiểu học của cô bé muốn học sinh thoát khỏi nỗi sợ hãi côn trùng bằng cách… nuôi chúng trong những hộp nhựa nhỏ và để trong phòng ngủ. Song không những hết sợ hãi, giờ đây Shelby con yêu thương những con gián em có được như những thú cưng đáng yêu và số lượng của đàn gián đã lên tới con số hàng nghìn.
Cô bé cũng có ý thích nuôi bầy gián của mình trong những chiếc hộp kín để tránh việc chúng thoát ra và sinh sôi ở bên ngoài. Loài gián Shelby nuôi là giống gián Ấn Độ, không có mùi hôi và khá to.