Ngay từ khi mới mang bầu, người phụ nữ dân tộc Mày ở Quảng Bình được dựng cho một chiếc chòi cách xa nhà vì theo phong tục từ lâu đời của người nơi đây thì việc để phụ nữ đẻ ở trong nhà là điều cấm kỵ.
Theo như quan niệm khi sinh nở, người phụ nữ không được sạch sẽ, bởi thế, nếu ở trong nhà, ma nhà sẽ sợ và bỏ đi. Như vậy mọi người trong gia đình sẽ gặp phải chuyện chẳng lành, ốm đau, bệnh tật. Vậy nên cứ khi chuẩn bị sinh thì người phụ nữ phải chuẩn bị đồ đạc ra chòi ở.
Người phụ nữ thường phải vượt cạn một mình, nếu gia đình và người chồng nào quan tâm thì sẽ giúp đỡ 1 phần, nếu không, người phụ nữ phải tự lo cơm nước và tự chăm đứa bé sơ sinh. Sau khi sinh chừng một tuần thì người chồng mới dọn dẹp nhà cửa, làm lễ báo cáo với ma mút (ma nhà) và đón vợ con vào.
Tuy nhiên, nếu không may mắn khi vượt cạn mà người mẹ qua đời, đứa bé bắt buộc phải chôn theo mẹ vì theo hủ tục ở nơi đây thì đứa bé mới chào đời thuộc về người mẹ. Vì thế, trước sau gì thì người mẹ đã chết ấy cũng về bắt đứa bé đi. Ai cố nuôi đứa bé cũng bị hồn ma người mẹ phạt vạ, đặc biệt là người đàn bà nào dám nuôi và cho đứa bé bú.