Vẻ đẹp chuẩn mực thời bao cấp
Mỗi thời mỗi khác, vẻ đẹp chuẩn mực của con gái thời xưa được đề cao trước hết ở bốn chữ: “công - dung - ngôn - hạnh” hơn là sự đặc biệt về ngoại hình như ngày nay. Hội tụ đầy đủ các yếu tố trên, người ta mới bắt đầu cân nhắc tới vẻ bề ngoài của một cô gái dựa trên tiêu chuẩn “nhất dáng, nhì da, thứ ba tới nét”.
Dựa trên cách đánh giá trên, cái đẹp chuẩn mực thời kỳ này đến từ mái tóc dài đen nhánh, đôi môi đỏ, làn da trắng và những đường nét ưa nhìn. Xét về yếu tố cuối cùng, người Việt đánh giá cao vẻ đẹp cân đối với vóc người vừa phải và khuôn mặt phúc hậu nhiều hơn là sự cá tính, góc cạnh của các cô gái phương Tây tân thời. Đặc biệt, các cụ còn dựa trên tướng số để đánh giá về người phụ nữ thông qua đặc điểm trên khuôn mặt cũng như cơ thể của họ. Dáng cao, mặt nhọn, vai u, miệng rộng,… bị bài xích bởi chúng được liệt vào hàng “yếu phẩm” khi một gia đình lựa chọn dâu con trong nhà.
Chẳng thế mà dẫn gian có câu nói truyền miệng:
“Những người thắt đáy lưng ong
Vừa khéo chiều chồng lại khéo nuôi con
Những người béo trục béo tròn
Ăn vụng như chớp, đánh con cả ngày”
Chuyện làm đẹp ngày bao cấp
Không bon chen như thời bây giờ, cuộc sống ngày ấy trật tự và quy củ như chính chế độ tem phiếu người ta áp dụng. Tiền ăn, tiền gạo, tiền “sống” còn khó khăn, phụ nữ thời này thường mày mò những phương pháp làm đẹp đến từ thiên nhiên không tốn kém lại vừa hiệu quả. Làm đẹp ngày xưa chỉ đơn thuần là để “đẹp” chứ không cần tới “an toàn” như thời bây giờ với những cái tên quen thuộc như: bồ kết, hương nhu, hoa bưởi, vừng đen, hoa nhài,… sang hơn nữa thì là nước gạo rang. Ai muốn tóc dày và đẹp thì gội đầu với bồ kết, ai muốn da trắng mịn thì rửa mặt với nước vo gạo, tóc ai bị gàu thì dùng muối và phèn chua,…
Nhân nói đến tóc, sẽ thật là thiếu xót nếu không kể tới nạn chấy tràn lan trong suốt những năm tháng bao cấp. Ngày xưa chưa có dầu gội trị gàu, mẹ nào cũng sẵn cái lược con con để chải chấy cho con gái mỗi buổi chiều tối. Dùng chiếc lược ấy chải từ đỉnh đầu xuống tận ngọn tóc, bắt được con nào, các mẹ cho vào miệng và dùng răng cắn lách tách nghe đến vui tai.
Những năm 90 đánh dấu sự nhập ngoại của hàng loạt các loại mỹ phẩm tân thời vào Việt Nam như: keo xịt tóc, son Thái Lan, phấn Con Én, sáp nẻ Liên Xô, kem sâm,… Cách làm đẹp theo đó mà cũng khác đi rất nhiều, các cô gái thời kỳ này bắt đầu biết điệu đà với phấn son cùng nhiều kiểu tóc thời thượng khác khi ra đường. Da họ trắng hơn với kem sâm, đôi mắt được pha trộn với đủ loại màu sắc: xanh, đỏ, tím, vàng,…, đôi môi cũng đỏ thắm, hồng hào hơn. Kỹ thuật trang điểm lúc này còn rất thô sơ, người ta dùng một thỏi son mà áp dụng tất thảy cho cả môi vá đôi gò má. Với kem sâm và phấn Thái, da cô nào cũng trắng bệch bởi loại mỹ phẩm này thời ấy chỉ có một tông màu duy nhất này mà thôi.
Đi kèm với sự đổi khác về trang điểm, xu hướng tóc tai thời kỳ này bắt đầu có những biến chuyển khá rõ rệt so với những năm trước đó. Các sản phẩm chăm sóc tóc bắt đầu xuất hiện, tuy chưa nhiều, nhưng người ta dần “quên lãng” thói quen gội đầu với bồ kết, lá hương nhu, lá bưởi,… Không dài như trước, mái tóc chân phương ngày ấy giờ được tỉa ngắn bớt, thường là đến ngang vai, và được uốn xoăn thành những búp lớn theo “mốt” của từng năm.
Nổi bật nhất là mái tóc “phi-dê”, người ta dễ dàng bắt gặp một hàng người ngồi chờ trong tiệm uốn tóc với chiếc lồng lấp ngay trên đầu trong những năm 90. Những sản phẩm tạo kiểu như gel xịt tóc, thuốc uốn ammoniac, gôm bọt,… dần trở nên quen thuộc với phái đẹp thời kỳ này. Xu hướng thời trang thế giới bắt đầu du nhập và ảnh hưởng tới phong cách làm đẹp của chị em như mốt tóc "Ôxy", mốt "Mai-ca" (một nhân vật trong phim "Mai-ca của Liên Xô), mốt Mariana (nhân vật trong phim "Người giàu cũng khóc" của Braxin),…