Ngày hôm qua, trên trang cá nhân được cho là giám đốc thương hiệu này, lần đầu tiên nữ giám đốc chia sẻ những khó khăn cô trải qua và hành trình để đưa thương hiệu Linh Hương đi được đến ngày hôm nay. Dù chỉ là chia sẻ ngắn nhưng chỉ sau ít phút đăng tải, bài đăng nhận được nhiều phản ứng tích cực, rất nhiều người chia sẻ. Bài đăng được chúng tôi đánh giá có tính nhân văn và tiếp động lực cho giới trẻ rất nhiều.
Ảnh do nhân vật cung cấp
Dưới đây chúng tôi có trích nguyên văn bài đăng:
“Có rất nhiều lý do để biện hộ cho việc có tiếp tục theo đuổi đam mê hay không, nhưng cái lý do duy nhất để bạn dừng lại đó là bản thân mình buông bỏ đam mê.
Hôm nay có bạn nhắn tin cho tôi nói rằng: "Em rất yêu sản phẩm của chị, em ra trường đang thất nghiệp mà bố mẹ em không cho bán. Em rất áp lực, em ước được sự ủng hộ của gia đình như chị....”.
Tôi sẽ kể cho bạn những gì tôi đã trải qua, và tôi nghĩ bạn sẽ tìm ra được định hướng riêng cho mình.
Bố tôi mất khi tôi mới hơn 2 tuổi, có thể tôi bé quá nên chưa từng cảm nhận được tình cha con, cũng chưa bao giờ cảm nhận được tiếng gọi "bố ơi”... nó ấm áp đến nhường nào. Mẹ tôi lúc đó chỉ có mình tôi, bà bị chao đảo tâm lý nhiều nên có giai đoạn bị mất kiểm soát (người ta còn gọi là điên - tôi chỉ nghe kể lại thôi). Sau đó có lẽ vì thương con quá, và thời gian nguôi ngoai mẹ tôi dần trở lại bình thường.
Bà lao đầu vào làm việc, kiếm tiền nuôi tôi và kiếm tiền trả nợ khoản tiền sửa nhà mà bố tôi vay. Tôi nghe kể lúc đó nhà tôi nghèo lắm, nghèo đến độ khi vớt bố tôi từ dưới sông Hồng lên (bố tôi bị thuyền đâm) ông còn không có một bộ quần áo lành lặn.
Năm tôi học lớp 2, mẹ tôi muốn đi Malaysia làm, bởi ở nhà quanh quẩn ruộng vườn ko đủ sống và lãi mẹ đẻ lãi con, hai mẹ con ôm nhau khóc rất nhiều. Tôi lúc đó nhỏ lắm, tôi chỉ biết khóc, tôi sợ mẹ tôi sẽ không về như ba... Rồi trước ngày mẹ đi, tôi quỳ xuống ôm chân bà: "Mẹ ơi, mẹ đừng bỏ con, mẹ ở nhà mẹ con mình có gì ăn nấy, con không đòi quần áo đẹp đâu" (sau này mẹ tôi thường nhắc lại thế), rồi bà thương con quá, không bỏ đi nữa....
Nhưng sau vụ đó, số nợ nhà tôi lại tăng lên. Đúng là mẹ không đi Malaysia nữa nhưng mẹ cũng không thể ở cạnh tôi, bởi ruộng đồng đâu thể trang trải cho số nợ. Thế rồi mẹ đi làm giúp việc ở Hà Nội. Tôi ở nhà một mình, cái cảm giác bị bắt nạt, rồi tủi thân tôi cứ tự mình đối diện. Tôi chờ 29 Tết để được gặp mẹ mình. Hồi đó tôi hay rúc vào bụi chuối lắm bởi lúc đó tôi có thể khóc. Tôi sợ những ngày khai giảng, trung thu, rồi ngày 23 Tết bởi tôi sợ nhìn thấy những bạn khác được yêu thương và tôi thì chạnh lòng. Tôi cũng sợ bạn bè cứ gọi tôi là con bà osin, đôi khi trò đùa vô tình của bạn bè làm tôi đau lắm. Tôi đâm đầu vào học, học và học, co mình lại, không tiếp xúc với ai.
Tôi cứ sống cuộc sống như vậy... Đấy là lý do vì sao thời gian đầu bán hàng tôi rất ngại và không dám giao tiếp với ai. Nhiều người còn nghĩ tôi kiêu.
Và cuộc đời tôi rẽ sang hướng khác khi tôi bước chân vào đại học. Năm tôi thi đại học được chọn 2 trường Y Thái Bình và Học viện Ngân hàng. Mọi người định hướng làm bác sĩ vì nói học bác sĩ ra mới xin được việc, nhà nghèo thế học ngân hàng xin kiểu gì. Nhưng vì muốn sống gần mẹ tôi chọn Học viện Ngân hàng, mẹ tôi vẫn đi giúp việc còn tôi vẫn vừa học vừa làm. Với tôi đó là những tháng ngày tôi thấy rất hạnh phúc. Có thể chẳng được như bạn bè váy áo, du lịch nhưng mình được ở cạnh mẹ.
Nhưng nói thật ngân hàng khó xin việc thật. Và dường như nó ko dành cho một đứa ko có gì như tôi. Tôi vạ vật xin đủ thứ nghề.
Rồi vì nghèo quá tôi mới tập tành bán hàng online, tôi muốn kiếm thêm thu nhập, mà hồi đấy được khách thương bán hàng cũng nhiều đơn lắm. Hồi tôi bán chưa như bây giờ, không có dịch vụ ship đơn toàn tự đi ship, về mẹ nhìn con gái bảo: "Con ơi thôi hay đừng đi nữa, đi vầy đen như thế này thì ai lấy mày". Đầu tiên là bán thêm sau đó mình quyết định nói chuyện với mẹ: "Mẹ ơi con muốn nghỉ làm việc hành chính kia, con muốn tập trung bán hàng online".
Mẹ mình khóc lên khóc xuống van xin: "Tao xin mày, tao đã chịu cực bao nhiêu năm nay làm osin nuôi mày đi học, tao không muốn mày bị người ta nói không có bố rồi mẹ còn không biết dạy con". Tôi cũng khóc lóc xin mẹ tin, mẹ hiểu. Sau bao đêm hai mẹ con khóc như vậy thì mẹ lại thua con gái. Bà lại đành để tôi chọn con đường của riêng tôi.
Tôi kinh doanh tôi cần vốn, tôi vay mọi người không ai cho vay. Tôi tự nghĩ cũng đúng thôi. Nhà ko có gì, bố không có, công việc không, nợ thì còn chưa trả hết ai dám cho vay… Và rồi may mắn mỉm cười với tôi, một người anh họ sẵn sảng cho tôi vay. Mẹ tôi lại khóc lên khóc xuống: "Tao xin mày, vay nhiều thế lấy đâu ra tiền mà trả...". Mẹ cứ can nhưng tôi vẫn quyết tâm làm. Và nếu không có cái ngày quyết tâm bỏ đi cái mác Học viện Ngân hàng, quyết tâm đội lên đầu khoản nợ thì giờ sẽ chẳng có Linh Hương ngày hôm nay.
Và rồi khi bạn thành công ở một mức độ nào đó, sự ganh ghét đố kị với bạn ngày càng nhiều. Mình bị đối thủ chơi xấu nhưng mình không bỏ cuộc. Bởi mình biết nếu mình chơi xấu lại thì mình cũng chẳng có tư cách mà nói ai. Mình cứ từ từ đứng dậy, quyết tâm khẳng định mình. Nếu chỉ vì chút khó khăn mà bỏ cuộc thì ngày hôm nay tôi sẽ ko dám viết những dòng này. Tôi không tự tin mình tốt hết, nhưng tôi tự tin là mình không chơi thủ đoạn. Tôi có thể tự hào nói với con mình: "Mẹ cùng các đồng đội của mẹ bước bằng đôi chân và trí óc”. Tôi kể không phải lấy lời ngợi khen, mà tôi chỉ muốn tiếp động lực cho một ai đó: "Em à, ai cũng có những khó khăn của riêng mình, cố lên em, và rồi em sẽ thành công theo cách của riêng em”…