NSƯT Thanh Nga sinh năm 1942 tại Tây Ninh, có mẹ là bà bầu Thơ, trưởng đoàn hát Thanh Minh - Thanh Nga nổi tiếng một thời, nên từ bé chị đã được làm quen với nghệ thuật và bộc lộ tài năng rất sớm. Ít ai biết được, Thanh Nga có mối quan hệ máu thịt thân thiết với các nghệ sỹ nổi tiếng như Năm Nghĩa (cha dượng), Bảo Quốc (em cùng mẹ khác cha), Hữu Châu (con của nghệ sỹ Hữu Thìn, anh ruột của Thanh Nga).
Khi mới 10 tuổi, Thanh Nga đã được đưa lên sân khấu đoàn Thanh Minh ca vọng cổ trước khi vở tuồng được diễn. Thấy con có năng khiếu, mẹ Thanh Nga cho con đến học cổ nhạc nghệ sỹ Út Trong. Năm 12 tuổi, Thanh Nga chính thức có vai diễn đầu tiên: bé Nghi Xuân trong vở "Phạm Công - Cúc Hoa". Chị không nề hà dù nhận những vai nhỏ, từ vai con đào chạy loạn trong tuồng "Đồ bàn di hận" đến vũ nữ múa trống tambourin trong "Lửa hờn"...
Năm 16 tuổi, chị được giao vai chính là sơn nữ Phà Ca trong tuồng "Người vợ không bao giờ cưới". Với vai diễn xuất sắc này đã giúp Thanh Nga đoạt HCV tại giải Thanh Tâm năm 1958. Bước ngoặt lớn trong cuộc đời để NSƯT Thanh Nga vững bước trên con đường nghệ thuật. Đến năm 1960, khi đoàn cải lương Thanh Minh đổi tên thành Thanh Minh - Thanh Nga, ở giai đoạn này tài năng của Thanh Nga càng được khẳng định trong hàng loạt vở "Áo cưới trước sân chùa", "Gió ngược chiều", "Sân khấu về khuya", "Đôi mắt người xưa"...
Lĩnh vực cải lương vẫn là địa hạt tạo nên "Nữ hoàng sân khấu" Thanh Nga. Trên sân khấu, chị có nét diễn sống động, tự nhiên, biểu cảm và vào vai như sống cùng nhân vật, có sức cuốn hút người xem qua các vở: "Con gái chị Hằng" (vai Trinh), "Tấm lòng của biển" (vai Thanh), "Bông hồng cài áo" (vai Thảo), "Nửa đời hương phấn" (vai Hương), "Đời cô Lựu" (vai Kim Anh), "Ánh sáng và bóng tối" (vai Vân), "Phụng Nghi Đình" (vai Điêu Thuyền), "Bên cầu dệt lụa" (vai Quỳnh Nga), "Tiếng trống Mê Linh" (vai Trưng Trắc), "Thái hậu Dương Vân Nga" (vai Thái hậu Dương Vân Nga)...
Còn ở lĩnh vực điện ảnh, NSƯT Thanh Nga cũng để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng khán giả mộ điệu với sự góp mặt qua những bộ phim ăn khách của điện ảnh thương mại miền Nam Việt Nam thuở bấy giờ như: "Xa lộ không đèn" của đạo diễn Hoàng Anh Tuấn, "Nắng chiều", bộ phim màu của đạo diễn Lê Mộng Hoàng sản xuất năm 1971...
Một ngày định mệnh cuối tháng 11 năm 1978, sau khi diễn xong vở "Thái hậu Dương Vân Nga", trên đường về nhà riêng, NSƯT Thanh Nga cùng chồng và con trai gặp phải bọn cướp với ý định bắt cóc con trai của chị để tống tiền. Hai vợ chồng đã chống cự để bảo vệ con nên bị trúng đạn. Và con người nhan sắc "tài hoa bạc mệnh" Thanh Nga đã vĩnh viễn ra đi từ hôm ấy, khi mới 36 tuổi... Nhưng với bất cứ ai đã biết tới chị thì con người nghệ thuật và nhan sắc của "Nữ hoàng sân khấu" Thanh Nga còn sống mãi. Hiện con trai của NSƯT Thanh Nga là Phạm Duy Hà Linh, một nghệ sỹ hài kịch có tiếng tại TP.HCM.
Sau 33 năm ngày mất của "Nữ hoàng sân khấu" - NSƯT Thanh Nga, "Đại mỹ nhân" trên màn ảnh nhỏ và sân khấu Sài Gòn một thời, mời bạn cùng ngắm nhìn lại một đời bạc mệnh hồng nhan của chị: